
14:26 - 13/07/2017
Không biết, khác gì bao che?
Chưa bao giờ báo chí lại khui ra những biệt thự, biệt phủ của quan chức nhiều như hiện nay, chưa bao giờ cán bộ tham nhũng bị lôi ra ánh sáng nhiều như hiện nay…
Nói vậy để thấy, chưa bao giờ cuộc đấu tranh chống tham nhũng được đẩy mạnh như hiện nay, và cuộc đấu tranh này được đông đảo tầng lớp nhân dân ủng hộ. Chẳng thế mà, tại buổi tiếp xúc cử tri các quận 1, 3 và 4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói rằng thời gian vừa qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác đấu tranh chống tham nhũng và thu được những bước quan trọng. Tuy nhiên, so với mong muốn cần phải tập trung tiếp tục hơn nữa.
“Tham nhũng diễn ra phổ biến, có nguy cơ lan rộng, nhiều đại biểu nói chỗ nào cũng tham nhũng cả. Tham nhũng rất nghiêm trọng, do đó cần tiếp tục đẩy mạnh hơn việc phòng chống tham nhũng để xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, thực sự của dân, do dân vì dân”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Từ đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng cần rà soát bổ sung những giải pháp phòng ngừa có hiệu quả. Xử lý đủ răn đe những đối tượng tham nhũng, xử lý nghiêm minh để đối tượng khác không dám tham nhũng.
Theo người đứng đầu nhà nước, việc kiểm tra, giám sát tài sản cán bộ cũng là một giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó, việc thu hồi tài sản của các đối tượng tham nhũng, phải làm ngay từ đầu, khi vừa khởi tố vụ án là phải kê biên ngay. Sau đó trong quá trình điều tra xác minh, bổ sung. Có đầy đủ chứng cứ sẽ thu hồi ngay.
Để thấy rõ nhất việc cần phải bổ sung những quy định trong việc phát hiện tham nhũng, thì phải kể đến vụ việc của bà phó bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh. Khi vụ việc sai phạm của bà Thanh lùm xùm và cả nước đều biết sai phạm từ đâu thì ngày 5/7, trao đổi với báo chí về những sai phạm của bà Thanh, bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Phú Cường lại cho biết các sai phạm của bà Thanh xảy ra từ nhiều năm trước, tuy nhiên địa phương không nắm được, chỉ đến khi có đơn tố cáo, Ban bí thư giao cho uỷ ban Kiểm tra Trung ương xác minh thì tỉnh mới biết được vụ việc.
Nghe qua vụ việc này ai cũng dễ dàng nhận thấy đây là một nghịch lý, một lỗ hổng lớn trong công tác phòng chống tham nhũng. Bởi để lên được đến chức phó bí thư Tỉnh uỷ (do Trung ương quản lý) thì chắc chắn bà Thanh đã có thời gian là cán bộ do Tỉnh uỷ quản lý. Minh chứng là lý lịch bà Thanh nói rất rõ là đã kinh qua nhiều chức vụ từ bé đến lớn ở chính tỉnh Đồng Nai, chứ không ở đâu khác. Mà đã là cán bộ của tỉnh quản lý thì rõ ràng hàng năm đều có kiểm điểm, đánh giá, phân loại trước các cấp uỷ Đảng; nhưng cứ để các sai phạm chui tọt, đến khi Trung ương vào cuộc thì mới lòi ra hàng đống. Như vậy liệu có ổn, có nghịch lý, có hổng?
Chúng ta đang chứng kiến hàng trăm nghịch cảnh từ tham nhũng và bao che lẫn nhau mà ra. Làm nảy sinh những việc này ai cũng dễ nhận thấy là nhiều cán bộ hiện nay chưa thực sự vì dân, chưa nhận thức rõ nghĩa vụ của mình so với quyền lợi, thực tế thể hiện ở sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hách dịch và cửa quyền vẫn đây đó xảy ra.
Đúng là đã đến lúc chúng ta phải rà soát bổ sung những giải pháp phòng ngừa có hiệu quả. Bằng chứng cho việc phải làm này có thể thấy qua vụ việc kê khai tài sản chỉ để là kê khai. Khi nào có đơn thư tố cáo thì mới chỉ đạo làm rõ xem đúng hay không. Chưa có quy định truy nguyên nguồn gốc tài sản nên không giải đáp được tài sản đấy lấy từ đâu. Thế nên mới có chuyện nhiều người giải trình hình thành từ nuôi lợn, nuôi gà… sau khi các quan chức bị “tố” có khối tài sản kếch xù.
Quân Minh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này