09:03 - 22/08/2019
Gạo đồ Việt Nam lạ mà quen!
Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết từ cuối tháng 7/2019, bộ Nông nghiệp Úc đã đưa ra thông báo mới về điều kiện an toàn sinh học đối với gạo đồ dành cho “người tiêu dùng hoặc chế biến”.
Vậy gạo đồ (parboiling) là gạo gì?
“Nhớ lại năm 2011, thị trường gạo đồ thuận lợi chưa từng có nên công ty đã xuất khẩu 42.000 tấn sang Nigeria, Nga, các nước Trung Đông và châu Phi. Giá xuất bình quân 570 USD/tấn.Từ năm 2012, công ty có kế hoạch tăng sản lượng xuất khẩu lên 60.000 tấn, nếu thị trường thuận lợi sẽ nâng lên 90.000 tấn. Nhưng hồi đó, hầu hết cán bộ ngân hàng không biết gạo đồ là cái gì”, ông Trần Ngọc Trung, tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Vinh Phát, cho biết đã vất vả giải thích, để cán bộ tín dụng “thông” mới được vay vốn…
Gạo đồ có quy trình chế biến từ lúa được ngâm nước nóng, hấp trong hơi nước ở nhiệt độ và thời gian quy định, rồi sấy khô, sau đó xay xát, đánh bóng. Quá trình đồ gạo thúc đẩy các chất dinh dưỡng từ cám đi vào bên trong hạt, hương vị và hậu ngọt hơn gạo thường, cho cơm khô, có thể ăn bằng tay, nên được người theo đạo Hồi ưa chuộng.
Lúc đó, tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood II) cũng tham gia thị trường gạo đồ, nhưng chỉ xuất khẩu khoảng 10.000 tấn. Kể từ năm 2012, Vinafood II đầu tư xây dựng ba nhà máy sản xuất gạo đồ ở Long An, Tiền Giang và An Giang, để nâng mức xuất khẩu lên 300.000 tấn/năm, và chỉ chừa dư địa cho doanh nghiệp tư nhân khoảng 100.000 tấn.
“Gạo đồ dễ chế biến, giá cả lại cao hơn gạo 5% tấm bình quân từ 50 – 60 USD/tấn, tỷ lệ thu hồi gạo cũng cao hơn gạo thường, nhưng nếu một nhà máy chà gạo trắng có công suất 30.000 tấn, suất đầu tư ít nhất 100 – 150 tỷ đồng, thì nhà máy gạo đồ cần đầu tư gấp năm lần, và ít gì cũng phải mất hai năm tiếp cận thị trường gạo đồ, cho nhân viên kỹ thuật đi học ở nước ngoài trong sáu tháng, hoàn thiện quy trình sấy, ngâm, hấp rồi sấy, kho dự trữ, bóc vỏ, lau bóng…”, theo ông Trung.
Các quốc gia Hồi giáo là thị trường mênh mông cho gạo đồ, nếu tất cả bình yên. 19 năm trước, nhà máy chế biến gạo đồ tại tỉnh Long An (Thái Lan đầu tư), đã nhắm tới thị trường Trung Đông, nhưng số lượng xuất khẩu chỉ khoảng 3.000 – 4.000 tấn/năm, chủ yếu “ném đá dò đường”. Một năm sau, trong 200.000 tấn gạo bán cho Bangladesh, thì 50% là gạo đồ, bán với giá 585 USD/tấn, do công ty cổ phần đầu tư Vinh Phát ở An Giang đầu tư, năng lực cung cấp 20.000 – 30.000 tấn gạo đồ/năm.
Muốn chế biến gạo đồ phải dùng lúa tươi, nên doanh nghiệp có thể mua lúa trực tiếp từ nông dân, khỏi phải qua nhiều khớp trung gian. Những năm đầu, xuất khẩu gạo đồ được xem là giải pháp để gỡ hai vấn đề quan trọng hàng đầu cho nông dân là: lúa ướt trong vụ hè thu và mở rộng thị trường gạo.
Chỉ thua gạo đồ Thái Lan, nhưng gạo đồ Việt Nam tốt hơn gạo đồ của Pakistan và Ấn Độ, nhưng chi phí sản xuất cũng cao hơn, nên lợi nhuận chỉ cao hơn gạo trắng đôi chút. Đây là điều khiến các doanh nghiệp tư nhân chưa mạnh dạn tham gia vào thị trường gạo đồ.
Giờ đây, mọi thứ phải thay đổi, khi các nước xuất khẩu gạo đồ bắt đầu chuyển đổi, tăng tốc nâng cao chất lượng gạo tuỳ theo nhu cầu từng thị trường, nguồn lúa phải sạch và đồng đều. Đặc biệt, các nước coi trọng truy xuất nguồn gốc, an toàn. Điều đó đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn và có hệ thống.
Lan Hoàng (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
BOT Cai Lậy đâu bằng tăng thuế phi lý!
Chiến lược ‘làm báo khác biệt’ của The New York Times
Hết thời mượn đường đậu ôtô ở TP.HCM?
‘Trái bóng’ cá nục nhiễm phenol lại được đá về Cục
#Giải cứu khởi nghiệp
Tags:gạo đồ Việt Nam
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này