09:52 - 28/04/2016
Formosa, chúng tôi chọn môi trường!
Cuộc sống sinh nhai của vài ngàn lao động Việt Nam đương nhiên quan trọng, nhưng nó sẽ không thể bù đắp được những thiệt hại khủng khiếp về môi trường khi các cơ quan chức năng không thể kiểm soát.
Tạm bỏ qua những “phong ba bão táp” của tiếng Việt sau những phát ngôn gây sốc của ông Chu Xuân Phàm – Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội.
Một cách đơn giản nhất, bất cứ người dân Việt Nam nào cũng sẽ có câu trả lời cho một lựa chọn nghiêm túc về tương lai của dân tộc, của con cháu, và trên hết là tính bền vững của mọi hình thức phát triển.
Nhà máy gang thép ư? Tôm cá ư? Không, chúng tôi chọn môi trường!
Về thực tế cũng như trên mọi thực địa, hiện tượng cá chết hàng loạt không phải là hiếm trên phạm vi toàn cầu.
Có rất nhiều lý do liên quan tới tự nhiên (động đất, rò rỉ khí dưới lòng biển, thủy triều đỏ…), hay cả con người (như xả thải, sử dụng phóng xạ hay các chất độc hại liên quan tới công nghiệp nặng…).
Khi chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, dĩ nhiên dư luận, đặc biệt là báo giới không nên đưa câu chuyện tại Hà Tĩnh đi quá xa.
Nhưng trái lại, những gì đã diễn ra phải được xem xét và nhìn nhận qua lăng kính khoa học và khách quan.
Như đã nêu ở trên, tất cả những hiện tượng bất thường của tự nhiên đều gây ra hậu quả khôn lường trong cả một quá trình, chứ không phải chỉ trong chốc lát.
Người Nhật mất gần 70 năm để giải quyết cuộc khủng hoảng vịnh Minamata. Những dòng sông chết tại Ấn Độ, bãi rác kinh hoàng ở Beirut, Lebanon, hay cả nguồn nước đen như mực khiến không một sinh vật nào sống nổi ở Chiết Giang, Trung Quốc… đã được cả thế giới biết đến. Còn Việt Nam thì sao?
Gần nhất là Vedan, một công ty Đài Loan khác với quy mô quá nhỏ bé so với Formosa, đã hủy diệt dòng sông Thị Vải như thế nào, chắc chúng ta chưa quên.
Còn Formosa, với quá khứ đã từng được liệt vào danh sách của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch khi tìm cách đưa hơn 5.000 tấn chất thải thủy ngân vào Campuchia năm 1998, mọi chuyện liệu có khác hay không?
Nhắc một chút về sự kiện đó, ngay cả Cơ quan bảo vệ Môi trường Westmoreland, California, Hoa Kỳ cũng đã từ chối cho công ty này nhập hủy chất độc, khi hàm lượng đạt chuẩn của Formosa Plastics vượt quá tầm kiểm soát.
Sự thật, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 30 tỷ đôla, Formosa Hà Tĩnh là một dự án rất, rất quan trọng đối với nền công nghiệp nặng và kinh tế của địa phương nói riêng và cả Việt Nam nói chung.
Nhưng bỏ qua những yếu tố về vị trí an ninh, quốc phòng vô cùng đặc thù của vùng đất này, những nguy hại về môi trường trong chế độ biệt đãi thuê đất 70 năm vẫn cần được quan tâm đúng mức.
Thứ nhất, đó là trách nhiệm của những cơ quan chức năng, khoa học, và quan trắc liên quan tới sự việc này.
Cũng giống như vụ việc của Vedan, việc để người dân quan sát bằng mắt thường trên thực địa trước khi ra quyết định cuối cùng về tầm ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường là rất khó chấp nhận.
Nên nhớ, câu chuyện về Formosa Hà Tĩnh không còn nằm ở phương diện địa phương và bó hẹp như dòng Thị Vải.
Một lộ trình đã xác định thường niên theo dòng hải lưu quen thuộc từ Bắc vào Nam trong thời điểm này là sự thật.
Có nghĩa là nếu có cá chết ở Hà Tĩnh trong trường hợp lan truyền chất xả thải, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, thậm chí cả Đà Nẵng.
Sau đó, cũng theo định hướng theo mùa của dòng hải lưu, vào đúng mùa du lịch vào cuối tháng 6, đầu tháng 7, các chất ô nhiễm (nếu có) sẽ lại chảy ngược về Bắc. Ở đây, gần nhất sẽ là Nghệ An, Thanh Hóa cùng các vùng lân cận.
Thứ hai, nếu cần có một một phép tính thực dụng, sẽ không một ai chấp nhận những hiểm họa tiềm tàng được che lấp bởi lợi ích trước mắt hay sự bào chữa đánh tráo khái niệm.
Cuộc sống sinh nhai của vài ngàn lao động Việt Nam đương nhiên quan trọng, nhưng nó sẽ không thể bù đắp được những thiệt hại khủng khiếp về môi trường khi các cơ quan chức năng không thể kiểm soát.
Hàng chục ngàn ngư dân sẽ không còn ngư trường, hàng triệu người tiêu dùng bị đe dọa về độ an toàn của nguồn thủy hải sản, kinh tế biển bị thâm hụt bởi niềm tin, và chính sách bám biển, giữ chủ quyền, an ninh quốc gia của bà con vùng biển có còn được đảm bảo theo đúng đường lối?
Cuối cùng, chính là vấn đề trách nhiệm. Cách đây gần 1 tháng, sự việc tại Kỳ Anh được phát hiện. 10 ngày sau, thợ lặn báo cáo đồn Biên phòng Đèo Ngang.
Và tới nay đã gần 1 tháng, những nguyên nhân chính thức và đủ luận cứ khoa học vẫn chưa được công bố một cách cụ thể.
Trong gần 300 tấn hóa chất được Formosa nhập về đầu năm nay, có bao nhiêu chất độc hại không thể xả thải?
Trong cả một bộ máy cố vấn pháp lý và pháp chế hùng hậu của một dự án hàng chục tỷ đôla, có bao nhiêu sự kiểm soát và báo cáo về chuyên môn cho chính quyền địa phương?
Nếu Formosa thừa nhận mức xả thải trên 10.000 mét khối mỗi ngày khi dự án vẫn đang thử nghiệm, thì khi đi vào hoạt động, con số ấy sẽ là bao nhiêu?
Nếu như người dân cùng môi trường tại Hà Tĩnh thực sự bị đe dọa, thì cơ quan, đơn vị nào sẽ có trách nhiệm cảnh báo, hướng dẫn, và xử lý khủng hoảng?
Và nếu Formosa đã cam kết sở hữu một quy trình quan trắc đạt chuẩn, thì vì sao chính quyền không để hệ thống ấy hoạt động độc lập, được kiểm soát và khống chế hiệu quả hơn sau những gì Vedan đã làm?
Không chỉ công nghiệp nặng, Việt Nam còn cần rất nhiều ngành nghề và dự án lớn để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nhưng nếu so sánh sự yên bình và nguồn sống tươi mát mà cha ông ta đã gìn giữ cho con cháu, mọi của cải, tiền bạc đều không thể mua được!
HC
Theo Báo Điện tử ĐCS VN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này