09:07 - 25/06/2017
Đầu tư dự án nhiệt điện: Trung Quốc ồ ạt đem công nghệ cũ vào Việt Nam
Trong khi Trung Quốc quyết định đóng cửa hàng loạt nhà máy nhiệt điện than thì ở Việt Nam, rất nhiều dự án điện than với quy mô hàng chục tỷ USD lại được phê duyệt rầm rộ, đặc biệt những dự án này đa phần do Trung Quốc đầu tư.
Bài học về các vụ ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện than đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Điển hình là Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 2, 3 tự ý thay đổi công nghệ ướt sang công nghệ khô, không xử lý xỉ than… và đặc biệt nhà máy này giống Formosa lại đặt hệ thống xả thải ngầm ra biển Trà Vinh gây ô nhiễm toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long và đến thời điểm này vẫn chưa khắc phục được. Đáng nói, tất cả các nhà máy trên do Trung Quốc xây dựng.
“Cáo” gửi chân
Chuyên gia môi trường Đinh Trọng Thịnh nêu lên 2 nguyên nhân khiến các DN Việt Nam phải nhập thiết bị từ Trung Quốc. Thứ nhất, đa số DN Việt Nam là những DN nhỏ, vốn liếng ít nên họ chỉ tính cái trước mắt là giá rẻ mà không tính đến hiệu quả lâu dài. Thứ hai, họ không tính toán đến việc sắp tới đây là Việt Nam sẽ siết chặt việc xả thải, không khí, nước… bởi Việt Nam đã có những siết chặt nhất định nhưng chưa được ráo riết.
Ông Thịnh tỏ ra lo ngại DN liên tục nhập công nghệ cũ, lạc hậu từ Trung Quốc. “Nếu Việt Nam không cẩn trọng với xu hướng đầu tư từ phía Trung Quốc thì thời gian tới, chúng ta sẽ phải đi xử lý các tác hại do nhiệt điện than gây ra. Do đó, các nhà quản lý đầu tư phải cực kỳ thận trọng khi chấp nhận đầu tư, xây dựng nhiệt điện than”.
Nói như ông Thịnh, công nghệ cũ như “cáo gửi chân”, đã vào được dự án, các DN Việt sẽ phải sử dụng hàng loạt hạ tầng kèm theo.
Giám sát cách nào?
Chính vì vậy, ông Thịnh đề xuất phải có một cơ quan chuyên sàng lọc các thiết bị đầu tư cho các dự án điện than để đảm bảo các thiết bị này ít nhất cũng ở mức trung bình tiên tiến so với thị trường thế giới. “Nhà nước cần phải có cơ chế tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa để họ có thể tiếp cận được công nghệ kỹ thuật hiện đại. Những loại công nghệ này đòi hỏi nhu cầu về vốn lớn và thời gian thu hồi vốn lâu hơn, nên nếu Nhà nước có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho DN thì các DN sẽ hướng tới những loại hình công nghệ có chất lượng tốt hơn” – ông Thịnh cho biết.
Khẳng định tiêu chí môi trường luôn được đặt lên hàng đầu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, với các dự án nhà máy nhiệt điện than, trong bất cứ hoạt động nào, từ thi công đến vận hành, sẽ được theo dõi sát, lấy chất lượng môi trường trước khi thi công làm cơ sở đánh giá, có hệ thống giám sát kịp thời.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, xu hướng hiện nay là phát triển năng lượng tái tạo. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra tiêu chí lựa chọn công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước, bảo đảm là công nghệ xanh dựa trên trình độ tiên tiến. Ngoài ra, Bộ cũng đã thống kê các công nghệ hiện nay. Hầu hết các công nghệ lạc hậu sẽ được đưa vào danh mục các dự án cần giám sát đặc biệt, sắp tới sẽ công bố danh mục này dựa trên đánh giá công nghệ, tiêu chí thân thiện môi trường.
“Nếu chúng ta làm sớm, quyết liệt thì hoàn toàn tận dụng cơ hội công nghệ mới và tránh công nghệ lạc hậu” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Linh Vân
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này