
08:52 - 13/02/2017
Đầu năm, thăm đồng
Ngày đầu năm mới rong ruổi lên miền biên giới, nhìn những cánh đồng lúa mênh mông lượn sóng, cảm nhận được niềm vui lan tỏa và biết ơn nỗi nhọc nhằn của bà con nông dân.

Ngày đầu năm 2017, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã đến huyện Hồng Ngự tham quan thực tế mô hình sản xuất lúa sạch của anh Võ Văn Tiếng ở xã Thường Thới Tiền. Ảnh: Báo Đồng Tháp.
Ghé thăm cánh đồng lúa Tâm Việt của chàng trai tên Võ Văn Tiếng, người vừa đoạt giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp năm 2016 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại TPHCM.
Lúa ở xã Tứ Thường (Hồng Ngự, Đồng Tháp) đang vào vụ thu hoạch. Nhìn ánh mắt đầy nghị lực của chàng trai dõi theo từng vết máy gặt đập đang cuốn đi từng bông lúa và để lại phía sau những bao lúa thành quả của mình, chợt nghe cảm xúc dâng trào.
Tiếng đã cặm cụi trên mảnh đất này, gắn với hơi thở của ruộng đồng này, vượt qua những nghi ngại, thậm chí là những cái “lắc đầu, ngoảnh mặt”, với một mô hình canh tác mới “lúa – cá – vịt”, không phân, không thuốc. Ban đầu chỉ hơn một héc ta thôi, nay với sự giúp sức của người thân, bạn bè, sự trợ lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư, sự “hà hơi, tiếp sức” của chính quyền, đoàn thể…, bây giờ cánh đồng Tâm Việt đã là hơn 40 héc ta rồi. Mà, như Tiếng chia sẻ: gạo đã có khách hàng đặt mua hết rồi! Năng suất thì khác nhau, những thửa ruộng đã được làm đất kỹ, bằng phẳng, thì đã từ 4-5 tấn/héc ta, còn những thửa mới thuê chưa kịp sửa sang thì đâu chỉ 3-4 tấn/héc ta thôi. Nhưng còn cá dưới rạch cũng là cá sạch đã có người đặt mua rồi, vịt đang vào vụ đẻ trứng và đang làm thủ tục chứng nhận vịt sạch để vào các hệ thống phân phối.
Nhìn lại cách sản xuất của Tiếng trông thật đơn giản, đâu có gì là quá khó để làm đâu? Nhưng cái đáng quý mà cũng khó vượt qua là Tiếng đã dũng cảm thoát ra khỏi tâm lý đám đông, dám tìm cho riêng mình một hướng đi và luôn tự tin về một đích đến, đó là làm ra nông sản sạch, trước hết là vì sức khỏe cho gia đình, sau đó là cho cộng đồng.
Tâm Việt – cái tâm của người Việt, là chỗ đó. Đổi mới đôi khi đơn giản chỉ là quay về cái cũ, nhưng phải là cái hợp lý, cái đi đúng xu hướng của thời đại. Hãy nhìn cả một cánh đồng mênh mông sản xuất theo cách cũ, lọt thỏm trong đó là cánh đồng nhỏ nhoi của Tâm Việt, mới thấy hết cái đáng quý của một mô hình, một cách làm, một hướng đi.
Thì đó, xu hướng người tiêu dùng ngày nay là sản phẩm sạch, an toàn. Đã qua rồi thời ăn cho no, ăn cho ngon, bây giờ thì ăn phải sạch, an toàn, ăn cho bổ dưỡng. Nếu đi ngược lại xu hướng đó, chúng ta sẽ phải trả giá, mà hình như chúng ta đã trả giá và đang trả giá rồi còn gì? Thì đó, chỉ vượt qua biên giới vài mươi cây số thôi thì người ta đã sản xuất ra những hạt gạo có thương hiệu xuất khẩu được vào các thị trường mà người tiêu dùng khó tính chấp nhận trả giá cao hơn để có hạt gạo sạch hơn. Đó là thương hiệu gạo Campuchia mà bà con mình gọi là gạo Sóc Miên.
Không có sự thay đổi nào là dễ dàng cả. Nó gập ghềnh như những thửa ruộng mà Tiếng chưa kịp trang phẳng. Đâu dễ gì ngày một ngày hai, vụ trước vụ sau mà thay đổi được tập quán nhiều đời, nhưng phải hành động thay vì chỉ biết “dòm ngó và chỉ trích”. Người lãnh đạo phải tự nhủ rằng không phải là hỗ trợ cho Tiếng, mà cùng đồng hành với Tiếng làm nên một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, như tên quyển sách “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm” của lão nông Nhật Bản Fukuoka mà Tiếng giới thiệu. Đó là một sự thay đổi về chiều sâu trong phương thức sản xuất. Nó bắt đầu từ một vài héc ta nhỏ nhoi ban đầu, đến vài mươi héc ta hôm nay, và ước vọng mai này là cả cánh đồng Tứ Thường, cả vùng biên và cả Đồng Tháp này. Như vậy, chuyện của Tiếng cũng chính là chuyện của tất cả chúng ta.
Lúa sạch Tâm Việt là khởi đầu cho xu hướng chuyển sang sản xuất sạch và tiến tới kinh doanh nông nghiệp. Kỳ vọng trong một ngày không xa, trên cánh đồng Tứ Thường này và những cánh đồng khắp đây đó, sẽ có chuỗi giá trị trong nông nghiệp lúa gạo khép kín, từ gieo trồng, thu hoạch, đến xay xát, đóng gói và buôn bán qua mạng nữa. Rồi sao không nghĩ đến ngày nào đó, hạt gạo Tứ Thường sẽ được chế biến thành bột, thành bánh và nhiều sản phẩm khác ngay trên cánh đồng này, từ những người nông dân trên cánh đồng này. Đó là chặng đường chuyển những người nông dân thành những nhà kinh doanh nông nghiệp. Nhiều quốc gia đi trước đã đi trên con đường đó để trở nên thịnh vượng, nông dân trở nên giàu có. Chúng ta chọn con đường đó hay vẫn cố hữu với cách sản xuất truyền thống kém hiệu quả để rồi chấp nhận tụt hậu.
Ngọn gió xuân đang thổi. Một chàng trai bình thường như bao người trẻ tuổi khác, đã khởi nghiệp. Tất cả bắt đầu từ chữ “Tâm”, chữ “Tâm” của tất cả chúng ta…
Lê Minh Hoan
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này