
09:30 - 03/05/2017
Đại học chiều thẳng đứng
“Đại học chiều thẳng đứng” gồm 31 điểm học tập “lớp học sống” từ thấp đến cao dọc theo những ngọn núi Kanchenjunga.

Vertical University vừa được 246 người ủng hộ trên cổng thông tin gọi vốn cộng đồng chuyên dành cho khởi nghiệp Kickstarter với tổng số tiền 102.594 USD. Ảnh: TLTN.
Đó là tên gọi của một ngôi trường đặc biệt, dịch theo nguyên nghĩa: Vertical University. Ngôi trường này vừa được 246 người ủng hộ trên cổng thông tin gọi vốn cộng đồng chuyên dành cho khởi nghiệp Kickstarter với tổng số tiền 102.594 USD, nhằm hiện thực hoá một mô hình dạy học kéo dài từ khu rừng ngay sát chân núi Koshi Tappu cao 67m, kéo dài mãi tới đỉnh Kanchenjunga cao đến 8.586m lẩn khuất đâu đó trên mây mù Hy Mã Lạp Sơn, phía đông nước Nepal.
Dự án này nằm lọt thỏm trong hằng hà sa số những ứng dụng, sản phẩm khởi nghiệp đầy sắc màu, công nghệ cao nhằm làm thay đổi cuộc sống của con người. Nhóm dự án dựng một video ngắn, chiếu cảnh núi cao hùng vĩ, nơi có chằng chịt cây cổ thụ và chim chóc, cùng với những người dân tộc sống tản mác đó đây, và chuyển một thông điệp lạnh lùng: 15 năm qua, xứ sở Nepal đã mất 1,2 triệu ha rừng, tức là 25% tổng diện tích rừng của quốc gia nằm trên triền núi này. Và nếu không ai làm gì, thì tốc độ mất rừng ngày một tăng.
Giải pháp “Đại học chiều thẳng đứng” mà người ta đưa ra, là xây dựng 31 điểm học tập “lớp học sống” từ thấp đến cao dọc theo những ngọn núi này. Tựa theo 31 lớp học, sẽ là bài giảng thực tế về 600 loài thực vật, từ cây nhiệt đới, hoa lan rừng, các loại thảo mộc cho đến những kiến thức nông nghiệp rừng vốn còn là “bí mật rừng thiêng” của những cư dân bản địa. Trường đại học này cũng sẽ cùng người học, người dạy tạo ra những ngân hàng hạt giống những cây bản địa để có thể bảo tồn tốt hơn cho sự đa dạng sinh học, vốn là nguồn sống quan trọng nhất của hệ sinh thái kỳ diệu của xứ sở này.
Những con số về sự tuyệt chủng dần dần của các loài chim, loài thú, cũng như những cây bản địa, thực vật nguyên sinh luôn là cơn ác mộng của những nhà bảo tồn sinh học lẫn những ai quan tâm đến môi trường. Nhưng chưa bao giờ, những con người tội nghiệp này có thể đứng ra bảo vệ cho sự đa dạng sinh học trước sự bành trướng của đô thị hoá, của việc thay rừng tạp bằng rừng tái sinh có khả năng cung cấp gỗ hàng loạt, hay đổi rừng nhiệt đới lấy rừng cao su, rừng cọ hay rừng cây keo theo mô hình lâm nghiệp thương mại hoá. Diện tích rừng tự nhiên bị đẩy lùi, thảm thực vật biến mất cùng với những loài thú, chủng chim muông cũng không còn đất sống. Tất cả rồi cũng có ngày như khủng long, hoàn toàn chỉ còn trong ký ức.
Một nhóm những nhà hoạt động xã hội đã quyết định chọn vùng núi phía đông của Nepal, nơi được xem là 1 trong 34 vị trí đa dạng sinh học lớn nhất thế giới với hơn 118 kiểu rừng khác nhau, làm điểm khởi đầu cho một câu chuyện dài: làm thế nào mỗi người dân sống trên núi sẽ dùng kiến thức của mình, kết hợp với hiểu biết của những người ở vùng núi cao hơn, hay vùng rừng lân cận, cùng ngồi lại, chia sẻ, dạy cho những ai muốn tìm hiểu và biến toàn bộ quá trình này thành cuộc vận động bảo tồn đa dạng sinh học của rừng, cho người dân toàn thế giới.
Chọn Kickstarter làm điểm giới thiệu và quyên góp quỹ, rõ ràng chàng kiến trúc sư người Canada Priyanka Bista và nhóm các thầy giáo địa phương và nhà bảo tồn học Kumar Bishwakarma đã quyết định “hô to lên cùng thế giới” về hành trình
xây đại học trên đỉnh núi 8.000m của mình.
Hành trình này, được truyền cảm hứng từ một sáng kiến mang tên “Làm châu Âu hoang dã một lần nữa” của một nhóm nhà hoạt động xã hội người Hà Lan. “Đại học chiều thẳng đứng” hy vọng rằng sau thành công của Nepal, với sức lan toả của cộng đồng khởi nghiệp thế giới mà họ vừa chạm đến, mô hình này sẽ được nhân rộng
và đi xa hơn, nhanh hơn.
Dẫu gì, chỉ đóng góp có 10 đôla Mỹ, mà đã được một suất đi coi cây rừng, lan rừng và những loài chim tưởng chỉ còn trong cổ tích, thật là lãi to…
Trần Nguyên
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này