09:06 - 26/04/2017
Cứ vậy thì chịu sao thấu?
Xứ mình, chủ trương hay, chính sách đúng nhưng có hai đường diễn ra trong thực tế, một là “nói vậy mà không phải vậy”, tức là khi thực hiện thì các bộ ngành cứ tìm mọi cách “vô hiệu hoá” chính sách; thứ hai là kéo mọi thứ thật dài, thật nhiêu khê khiến DN nản mà bỏ cuộc.
Tuần trước tôi chạm mặt mấy câu hỏi khó khi họp báo giới thiệu về hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tại TPHCM sắp khai mạc (27/4/2017). Rằng quy mô hội chợ thế nào, ban tổ chức có thêm những hỗ trợ đặc biệt nào cho doanh nghiệp (DN) trong tình hình khó khăn hiện nay?
Tôi giải thích, nhà tổ chức là hội DN.HVNCLC là một tổ chức phi lợi nhuận, không nhận kinh phí Nhà nước, hoạt động bằng nguồn thu từ DN, nên khi DN khó thì hội cũng khó.
Tuy nhiên, hội vẫn tìm mọi cách tạo sức hấp dẫn mới. Nhưng tôi nhấn mạnh, DN cũng cần được giới truyền thông giúp đỡ chứ, thực sự là họ đang rất cần báo chí giúp đỡ. Cuối giờ, các bạn truyền hình ở lại, tiếp tục truy tôi: “Theo chị thì truyền thông làm gì để giúp DN?”. Hơi ngạc nhiên vì câu hỏi, tôi bộc bạch: việc dễ nhất, hợp tình hợp lý nhất, là khi thấy DN nhỏ Việt Nam đang quá khó, các bạn hãy gắn với họ, tìm hiểu sâu về những cố gắng bền bỉ đáng kính phục của họ và phản ánh thôi. Người tiêu dùng đâu có sát và càng không có đủ thông tin về thực tế này, nếu hiểu rõ, họ sẽ thông cảm hơn, thậm chí ưu ái với hàng Việt hơn. Nhất là truyền hình, bớt ra chừng 1/10 thời lượng cho những gameshow cười vô duyên là tốt rồi.
Có tới ba đơn vị báo chí đều lắc đầu: không được đâu. Bài sẽ khó được duyệt lắm. Nhiều báo quy định cấm phóng viên viết bài PR, và hễ bài viết tốt cho DN là dễ bị coi là bài PR lắm. “Vậy đăng bài PR có trả tiền thì ổn chứ”, tôi hỏi. “Dĩ nhiên là ổn, còn hơn cả ổn nữa”.
Tuần qua tôi cũng đọc được đoạn viết ngắn trên Facebook của một doanh nhân trẻ rất đam mê khởi nghiệp. Anh cứ khởi nghiệp hoài để lấy chất liệu thực cho công việc anh ham thích là huấn luyện cho DN trẻ. Anh này là Mark Chang, Trương Cẩm Minh. Minh viết. Lần này, mình lại khởi nghiệp lần nữa với công ty phân gà xử lý vi sinh. Và mình thấy rõ ràng là thà làm cá thể buôn bán nhỏ lẻ còn khoẻ hơn là mở công ty bởi vì nó nhiêu khê đủ thứ:
Thứ nhất là thủ tục đăng ký kinh doanh dù đã cho đăng ký tại nhà trước khi nộp hồ sơ, nhưng cũng nhiều thứ phải làm: từ bảng điều lệ cho đến chọn lựa ngành nghề kinh doanh, chứ không đơn giản là mình không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh (hay như mình thường được nghe là miễn là kinh doanh ngành nghề Nhà nước không cấm). Rồi đến con dấu. Hiện có giảm phiền hà là con dấu không còn do Bộ Công an quản lý nữa, nhưng việc đăng ký với cơ quan quản lý thuế vẫn khá nhiêu khê vì phải nắm rõ về phương pháp khấu hao, phương pháp ghi sổ, tài khoản ngân hàng rồi tới xác minh địa điểm… là những thứ làm mất thời gian của DN, trong khi họ còn quá nhiều thứ ưu tiên phải lo. Thứ ba là việc chuyển nhượng cổ phần còn rắc rối hơn (lưu ý cho các bạn nào chuyển nhượng cổ phần thì phải nộp trong vòng mười ngày ngay sau khi ký hợp đồng), và nếu không biết cứ ngâm lâu thì sở Kế hoạch và đầu tư sẽ không giải quyết thay đổi nội dung cổ đông đâu…
Cũng có lẽ vì thế mà các bạn trẻ kéo nhau qua Singapore lập DN khởi nghiệp không ít. Theo lời kể của những người này, đã không bị phiền hà, mà khi làm ra được sản phẩm thị trường chấp nhận thì còn được hỗ trợ toàn bộ chi phí của quá trình sản xuất ra sản phẩm. Nghĩa là không phải là vấp phải số âm, những tốn kém phiền hà, mà còn được tặng số dương, được thưởng bù rất khá.
Xứ mình, chủ trương hay, chính sách đúng nhưng có hai đường diễn ra trong thực tế, một là “nói vậy mà không phải vậy”, tức là khi thực hiện thì các bộ ngành cứ tìm mọi cách “vô hiệu hoá” chính sách; thứ hai là kéo mọi thứ thật dài, thật nhiêu khê khiến DN nản mà bỏ cuộc. Tôi nhớ cố TS Phạm Văn Thuyết có lần nói, Việt Nam thường có những “mẹo” rất tinh quái để DN phải việt vị, mà xài “mẹo” trong nước thì được, ra làm ăn với quốc tế mà cứ đem mẹo ra là chết.
Một ví dụ mới xảy ra: để được công nhận là DN công nghệ cao trong nông nghiệp thì phải ra Hà Nội, chạy thủ tục quá phức tạp, quá tốn thời gian nên như ông Lê Văn Nưng, phó chủ tịch tỉnh An Giang than giùm DN, sau thời gian đeo đuổi, gần chục DN của tỉnh đã bỏ cuộc. Còn cái sự LÂU của nhà quản lý thì cũng rất khiếp. Việc thực hiện chủ trương diễn ra rất lâu khiến cho cả hai nghị quyết 19 và 35 mòn mỏi luôn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa khen Bộ Công Thương đã có thông tư 23 ngày 12/10/2016 bãi bỏ thông tư 37 kiểm tra hàm lượng formaldehyde trên sản phẩm dệt may, từng làm DN tốn hàng ngàn tỷ và hàng vạn ngày công. Thay đổi nhỏ nhưng đem lại hiệu quả xã hội lớn? DN cười: “Cái tay 37 đó, quy định nhỏ mà bao năm đã gây thiệt hại to lắm”.
Các DN tính ra, những thay đổi cụ thể, nhỏ như vậy mà thường cũng phải mất tới năm năm là mức trung bình, sau nhiều lần kiến nghị “dai nhách” của DN.
Năm năm, than ôi, trong cuộc hội nhập này, cuộc cạnh tranh quyết liệt sống còn tính từng ngày từng giờ trên thị trường hiện nay mà DN phải chờ trung bình năm năm cho những thay đổi nhỏ, từng li từng tí, rồi nhẩn nha tích tiểu mới thành đại để thay đổi môi trường kinh doanh thì… DN chịu sao thấu?
Kim Hạnh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này