
11:21 - 30/09/2016
Cú ‘gạt tay’ vào má làng báo
Cú gạt tay đó vô hình trung đã chạm phải cả làng báo và đằng sau nó là những câu hỏi nghiêm túc hơn về niềm tin vào công lý, vào một nhà nước pháp quyền nữa, đúng không?

Cú gạt tay đó vô hình trung đã chạm phải cả làng báo và đương nhiên tác hại để lại là không ít những nỗi đau cả những trăn trở.
Đêm qua, làng báo, nhiều người mất ngủ bởi những kết luận ban đầu của Cơ quan điều tra về vụ việc mà theo lời Phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội – đại tá Nguyễn Duy Ngọc- là “xô xát” giữa chiến sĩ Công an thuộc đội hình sự Công an huyện Đông Anh với nhà báo Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) trên cầu Nhật Tân ngày 23/9.
Nhưng đằng sau những tranh cãi đúng- sai là cả một nỗi niềm…
Theo kết luận của Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội thì phía công an sai về tác phong điều lệnh, phóng viên sai về hành chính.
Tất nhiên, cả hai bên còn có quyền khiếu nại, kiến nghị, giải thích. Nhưng chắc rằng câu chuyện vẫn chưa thể khép lại. Ít nhất là trong tâm trí xã hội.
Vẫn còn đó những hình ảnh đầy ám ảnh về cú ra tay giữa mặt, cú đá nhằm thẳng phóng viên, cú ra tay tung máy quay rơi xuống đất…
Cùng đó là cuộc rượt đuổi, lời lẽ nặng nề không khác gì cuộc truy đuổi trong phim hành động đầy bạo lực.
Cho nên, chẳng “thuận tai” khi nói cú đánh ấy chỉ sượt qua má, cú đá đó chỉ sượt qua người và Quang Thế không có thương tích?
Phải chăng sự ấm ức đã tạo ra nỗi đau không lời cùng vô vàn thở than của báo giới ngập tràn mạng xã hội. Cú gạt tay đó vô hình trung đã chạm phải cả làng báo và đương nhiên tác hại để lại là không ít những nỗi đau cả những trăn trở.
Đêm qua, có lẽ là một đêm ngon giấc của nhà báo Quang Thế khi sau nhiều ngày chờ đợi, công an Hà Nội đã có kết luận ban đầu về vụ việc.
Kết luận cho dù có thế nào thì cũng đã nói lên một sự thật mà nhiều người chưa thực sự đón nhận. Ngay sau kết luận, báo Tuổi trẻ đã có bài viết “phản ánh đúng” tinh thần của Kết luận.
Nhưng, dường như đằng sau những câu chữ, là sự nín nhịn, ấm ức cho những gì mà phóng viên của họ đã phải trải qua.
Bởi họ đã hy vọng công an và báo giới cũng nhìn về một hướng, đó là hướng của sự thật. Nhưng giờ đã khác.
Đã có nhiều người nói rằng đã đến lúc nhà báo cần phải xem lại tác phong của mình khi tác nghiệp. Tôi tin rằng, không ít nhà báo hiện nay ý thức rõ điều này.
Nhưng, cũng không thể không đặt câu hỏi: Giữa con người với con người có thể hành xử với nhau như thế sao?
Suy cho cùng, những hành vi như thế, liệu có chấp nhận được ở lực lượng được giao cho quyền bảo vệ nhân dân?
Làm bất cứ nghề gì cũng phải có nghiệp vụ, quy định và trên hết là văn hóa, đạo đức. Ở khía cạnh khác, bất cứ nghề gì, chức vụ gì, quyền hạn gì cũng đều có những chế tài, đều phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật.
Chúng ta đang cố gắng để được sống đúng nghĩa trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vì thế, không thể để những việc làm vô pháp làm ảnh hưởng đến pháp chế xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang nỗ lực bảo vệ và xây dựng.
Là ai đi nữa, anh không thể cho mình cái quyền đứng trên điều đó. Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đó mới là điều quan trọng trên những đúng, sai…
Quang Vĩnh
Theo báo Công Luận
Có thể bạn quan tâm
Cổ phần hóa, cần biện pháp mạnh
Thu hút FDI, những góc khuất nguy hiểm
Một sự kết nối – hội nhập đúng lúc
Chính phủ điện tử và trở ngại tư tưởng
Lãi suất đang ‘nóng’, trái phiếu còn ‘nóng hơn’
Tags:công an đông anhcông an hành hung phóng viêngiám đốc cahnnhà báo quang thếphóng viênphóng viên tuổi trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này