12:22 - 07/04/2019
Chuyện Ino Mayu dạy học trò trồng rau hữu cơ
Chiều qua ngồi cà phê với Ino Mayu – cô gái người Nhật làm nông nghiệp ở miền Tây, bàn về một đề tài định nhờ Mayu dạy cho các bạn trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp, chợt nghe câu chuyện nhỏ mà thật hay, cảm động: Chuyện Mayu dạy học trò Bến Tre trồng rau hữu cơ.
Mayu là chuyên gia về canh tác hữu cơ, đã đi dạy cho nông dân nhiều tỉnh từ miền Bắc vô tới Nam, nhưng Mayu luôn luôn “đính chính” rằng chị chỉ là chuyên gia “phát triển cộng đồng” thôi. Về Bến Tre, Mayu đã bày chuyện mới: dạy học sinh trồng rau hữu cơ trong trường.
Từ năm 2017 tới giờ, lặng lẽ lầm lũi làm, Mayu đã tổ chức vườn rau hữu cơ ở 12 trường, cả trung học cơ sở lẫn phổ thông ở sáu huyện: Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Ba Tri, Châu Thành, Giồng Trôm, Chợ Lách. Diện tích vườn rau tại mỗi trường là từ 300 – 1.000m2.
Điều kiện là sở Giáo dục tỉnh giới thiệu, giải thích để các trường tự nguyện tham gia, chứ không chỉ định và mỗi trường cũng không chỉ định tham gia.Sau khi chốt danh sách các em thì chia nhóm và giao các liếp rau cho các em quản lý. Dự án cũng đề nghị trường không hướng dẫn từ A đến Z cho các em, mà để các em TỰ bàn bạc, phân công, giúp đỡ lẫn nhau để chăm sóc và quản lý rau.
Đầu tiên, dự án cung cấp khoá tập huấn về nông nghiệp hữu cơ (NNHC) cho các nhóm. Khoá có 17 lớp, nội dung gồm: khái nhiệm về NNHC, đất khoẻ và hệ sinh thái là gì, các kỹ thuật như cách ủ phân, làm thuốc thảo mộc, dung dịch dinh dưỡng, kỹ thuật trồng rau các loại, v.v. Các em sẽ được học lý thuyết kèm thực hành luôn: quan sát, ghi nhận. Thời gian tập huấn kéo dài từ 4 – 5 tháng.Khoá đào tạo này cũng y hệt như khoá đào tạo nông dân, để khi các em và các thầy cô học xong là nắm được rất rõ về NNHC và hệ sinh thái.
Trong quá trình chăm sóc rau, các em chọn đề tài nghiên cứu nhỏ và viết thành kết quả nghiên cứu tại tổng kết hàng năm.
Bên cạnh đó, tổ chức Seed to table của Mayu hỗ trợ mỗi trường các chi phí xét nghiệm mẫu đất và nước, kinh phí mua sắm vật tư như lưới, cuốc xẻng, hạt giống rau và hoa, phân bò, bộ kít kiểm tra nitrat, cung cấp tập huấn, v.v. để hoạt động. Sau khi sản xuất rau, các trường sẽ bán rau, thu nhập được dùng đầu tư lại để phát triển hoạt động này. Rau thì các em bán luôn tại trường, giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg và không đủ bán cho cả trường.
Mayu xởi lởi kể rằng, đầu tiên một số bố mẹ không đồng tình vì họ vốn là nhà nông, “ớn” làm nông rồi, cực quá, không muốn cho con đi theo nông nghiệp.
Nhưng sau khi các em học về NNHC tại trường rồi, về nhà kể cho bố mẹ thì nhiều bố mẹ bắt đầu quan tâm đến NNHC và một số bố mẹ thử áp dụng kỹ thuật ủ phân… Một số học sinh bắt đầu say mê NNHC và từ đó, tự chọn (dự tính, kỳ thi 2019) thi vào khoa nông nghiệp của các trường đại học như ĐH Cần Thơ, Nông lâm TP.HCM, v.v.
Mừng hơn là các thầy cô cũng thay đổi. Bước đầu các thầy cô hơi băn khoăn, có người sợ… mất thì giờ học tập của các em. Nhưng sau khi xây dựng vườn rau xong, bắt đầu chăm sóc rau, các thầy cô cũng mê luôn. Có lúc thầy cô gọi Mayu và hỏi chuyện trồng rau, và khi Mayu hỏi, em X, Y đang ở đâu thì thầy cô cười và nói: “Em đang ở vườn rau của trường. Làm cỏ chưa xong”. Nhiều thầy cô bận lắm mà đã dành nhiều thời gian tại vườn rau, còn rất thích trồng rau hữu cơ nữa.
Kết quả chắc chắn là lớn về ý nghĩa. Mayu nói, cô thấy qua hoạt động này, các em học sinh chủ động tự tin hơn, chịu trách nhiệm hơn, biết sắp xếp công việc tốt hơn và nhất là hợp tác với nhau tốt hơn. Như vậy, ngoài vấn đề giáo dục về môi trường, cách tổ chức hoạt động này có nhiều ý nghĩa khác.
Rồi Mayu nhìn tôi, hơi ngập ngừng: “Em thấy điểm yếu của người Việt Nam là… không tin nhau, không hợp tác được với nhau trong công việc. Vậy nên, cùng trồng rau hữu cơ là tạo điều kiện và giúp thêm kinh nghiệm hợp tác và chịu trách nhiệm với nhau để hoàn thành một công việc chung. Em tin tưởng là kinh nghiệm này sẽ giúp cho các bạn nhỏ nhiều khi ra đời làm ăn”.
Giữa thời 4.0, khi con nít châu Á đã chuẩn bị (hay đang thực hiện) học kỹ năng số song song học vỡ lòng đọc viết chữ, để làm chủ nền kinh tế sáng tạo và không bị rơi ra ngoài vòng xoáy kết nối toàn cầu, thì nền giáo dục ta chừng như còn đang giải quyết chuyện thời hồng hoang hái lượm, mà không xong: đừng áp bức kẻ yếu thế, tự biết bảo vệ cơ thể vật lý của mình, thì còn thời gian, tâm trí đâu mà rèn luyện thành công dân số toàn cầu?
Kim Hạnh (theo TGTT)
Có thể bạn quan tâm
‘Hãy để doanh nghiệp nhà nước tự do kinh doanh’
Nhân tai và thiên tai
Phải ‘bơm dầu’ cho ‘đầu tàu’ TP.HCM
Ông Dương Văn Ni: Cần ứng xử đúng đắn với dòng sông
Bối rối sửa quy định điều kiện kinh doanh vận tải
Tags:ino Mayurau hữu cơ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này