
13:36 - 05/09/2019
Chú Sáu khởi nghiệp
Ông bắt đầu gieo khái niệm và ý tưởng khởi nghiệp từ dàn cán bộ Đảng và quản lý nhà nước ở địa phương. Đó sẽ là lứa “men-khuyến-khởi-nghiệp”.

Các bạn trẻ ở Đồng Tháp trìu mến gọi ông là “Chú Sáu khởi nghiệp”, vì ông luôn sát cánh bên họ. Ảnh: Anh Tuấn.
Ông nói, nếu dàn lãnh đạo mà không thông suốt và thấy rõ là họ cần làm gì, thì không thể thực sự hỗ trợ bạn trẻ khởi nghiệp được.
Việc xoay chuyển tư tưởng này được ông nhìn nhận qua câu chuyện người ăn xin và ba người bạn: ngày nào người ăn xin cũng ngồi đây, người thứ nhất thấy thương nên cho ông con cá. Người thứ hai nói nên cho cần câu chứ con cá không giải quyết được gì. Người ăn xin có con cá, cần câu nhưng vẫn ăn xin. Người thứ ba nói ăn xin thì biết gì mà đi câu, phải chỉ cho ổng cách câu cá. Cuối cùng người ăn xin vẫn ngồi đó. Một lão ngư thấy vậy nói “hình như còn thiếu cái gì đó”, liền hỏi: “sao một người còn sức vóc vậy mà đi ăn xin? Người ăn xin trả lời: “tui dở, dốt, nghèo lắm, số phận vậy rồi đâu có giỏi giang như ông để làm việc khác, nên từ đời ông nội đã để lại bí kíp ăn xin cho cha tui, thành ra tui không thể làm được gì khác ngoài ăn xin”.
Ở Đồng Tháp, các bạn trẻ khởi nghiệp thường gọi ông (bí thư Đồng Tháp – Lê Minh Hoan) với cái tên trìu mến: “chú Sáu khởi nghiệp”. Không chỉ các bạn trẻ, dân Đồng Tháp ai ai cũng rành rẽ về chú Sáu. Nhưng ông không chỉ dừng ở gầy dựng phong trào. Tại cuộc thi sơ kết các dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp ở Đồng Tháp, ít ai ngờ ông Sáu có mặt suốt đêm trước, để cùng các bạn trẻ khởi nghiệp trưng bày gian hàng và dợt kịch bản thuyết trình trước ban giám khảo. Hôm sau là ngày thuyết trình chính, ông ngồi từ sáng đến chiều và nếu len lén theo dõi, sẽ thấy nét mặt ông vui buồn, lo âu, hứng thú tuỳ theo diễn biến trên sân khấu. Rồi đến cuộc thi chung kết, dù phải đi nước ngoài công tác, ông không quên dành những phút cuối cùng trước khi ra sân bay, đến góp ý với từng gian hàng của “lính” ông. Tôi nhìn ông trò chuyện với họ, tự hỏi, khà khà, ông bí thư này làm cách nào để thuộc tên từng chủ dự án, nội dung từng dự án để mà chia sẻ niềm vui, khuyến cáo chút chi tiết còn thiếu sót hay chưa đủ cẩn thận? Ông vi hành đến từng dự án, hiện trường, cánh đồng hay nhà xưởng của các chủ dự án. Và, khi các dự án đã mọc lông mọc cánh tạm đủ, ông bắt đầu kết nối họ với thị trường: chỉ đạo Đoàn Thanh niên, sở Kế hoạch và đầu tư… tổ chức hội chợ hàng khởi nghiệp tại tỉnh nhà, hay giới thiệu để các bạn tham gia Phiên chợ Xanh – Tử tế ở Sài Gòn.
Những chi tết nhỏ xúc tiến sản phẩm của các bạn trẻ cũng được ông cẩn trọng lưu tâm.Những bức tranh treo trong hội trường là những sản phẩm trang trí làm từ lá sen của một startup địa phương. Trà, rượu tiếp khách hay tặng phẩm của Tỉnh uỷ và uỷ ban, cũng là trà sen và rượu sen của các startup khác. Tôi nhớ có lần theo chân tụi nhỏ khởi nghiệp đi Thái Lan học hỏi kinh nghiệm, vào thăm trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Thái, ông rất tâm đắc khi đây là nơi giúp cộng đồng khởi nghiệp Thái nghiên cứu, làm ra sản phẩm ban đầu, để đánh giá hiệu quả trước khi sản xuất hàng loạt ra thị trường. Trung tâm đầu tư quá xá thiết bị máy móc, có đủ sắt thép, nguyên liệu cho một bạn có thể vào đây sản xuất ra chiếc xe đạp, ra chiếc máy khâu, hay nơi nghiên cứu ra cây, con giống mà không hề… lấy phí. Họ hỗ trợ tận răng cho các dự án. Chú Sáu, sau đó đã về lập ngay ra trung tâm tương tự ở Đồng Tháp, ông gọi đó là một cái xưởng… quèn, nhưng qua đây đủ để thấy tấm lòng của ông chăm chút cho tụi nhỏ khởi nghiệp như thế nào.
Chắp lại tất cả những mảnh rời rạc đó thì thấy: tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực xây dựng nền tảng của hệ sinh thái khởi nghiệp, qua các hoạt động thực hành cụ thể: Gầy dựng thống nhất quan điểm và sự ủng hộ của nhà nước – Xây dựng từng bước các định chế công, tư hỗ trợ – Truyền thông – Kết nối với thị trường.
Có thể thấy một nét rất “chú Sáu khởi nghiệp”: những việc làm cụ thể tràn đầy cảm hứng (nên dễ lan truyền cảm hứng) thể hiện tình cảm ưu ái các bạn khởi nghiệp, ví dụ, tìm đến tận “hang ổ” các dự án khởi nghiệp để thăm hỏi động viên, để cho cháu nội quảng cáo sản phẩm khởi nghiệp… Nói theo cách phân tích quen thuộc thì ông bí thư quan tâm tạo nền về quan điểm, tạo nguồn lực ủng hộ bằng chính sách và lực lượng bảo trợ căn cơ là các doanh nghiệp dẫn đầu của tỉnh, liên tục truyền thông bằng nhiều loại hình và công cụ nhiều cấp, và rất dày công kết nối với thị trường.
Vũ Khánh – Hoàng Lan (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này