15:19 - 30/10/2016
‘Cây xoài nhà tôi’ hay chuyện trồng cây với một cú nhấp chuột
Với mô hình này, bà con khắp nơi dù không có đất trồng xoài, chỉ cần một cú nhấp chuột trên máy tính đã có thể sở hữu một hoặc nhiều cây xoài để rồi có thể tự hào khoe với mọi người: cây xoài của nhà tui đây nhe!
Hợp tác xã xoài Mỹ Xương ở miệt Đồng Tháp vừa cho ra mắt mô hình “Cây xoài nhà tôi”.
Vậy là từ nay, bà con khắp nơi dù không có đất trồng xoài, chỉ cần một cú nhấp chuột trên máy tính đã có thể sở hữu một hoặc nhiều cây xoài để rồi có thể tự hào khoe với mọi người: cây xoài của nhà tui đây nhe!
Một ý tưởng chắc là không mới của nước này, nước nọ, nhưng đối với xứ mình nó còn lạ lắm, còn hiếm lắm. Suy nghĩ vẫn vơ một hồi mới nhận ra nhiều điều thật thú vị chung quanh câu chuyện còn mới mẽ này…
Truyền thống bao đời nay ở xứ mình là nông dân trồng và thu hoạch nông sản rồi chở ra chợ hoặc nhà vựa để mà mua mua, bán bán. Có người thì ngồi trông chờ thương lái hay doanh nghiệp đến mặc cả, bán bán, mua mua.
Người ta gọi như vậy là bán nông sản thô. Giờ thì với mô hình mới này bà con mình sẽ “mua tận gốc, bán tận ngọn” rồi còn gì?
Nhìn ở một góc độ khác thì tái cơ cấu nông nghiệp cũng là quá trình chuyển tăng trưởng dựa vào quy mô sản xuất – tức là thu lợi nhuận nhờ sản xuất với số lượng nhiều – sang tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế tri thức.
Đó là tiến trình chuyển từ sản xuất nông nghiệp thành kinh doanh nông nghiệp và người nông dân sẽ chuyển thành nhà kinh doanh.
Nhân câu chuyện “Cây xoài nhà tôi”, ngẫm nghĩ lại cách ví von của một chuyên gia về hạn chế trong phương thức sản xuất của đất nước mình.
Một sản phẩm như cái ly chẳng hạn, quy trình tạo ra nó có ba công đoạn: ban đầu là nghiên cứu mẫu mã, sau đó là sản xuất ra cái ly và sau cùng là tổ chức phân phối để cái ly ấy đến tay người dùng.
Trong ba công đoạn nói trên, công đoạn hai đem lại giá trị gia tăng thấp nhất, công đoạn một và ba cần đến tư duy sáng tạo và mang lại giá trị gia tăng cao nhất.
Còn nói theo ngôn từ của các nhà kinh tế học thì sản xuất là một chuyện nhưng biết thương mại hóa sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường mới bảo đảm cho sản xuất bền vững và người sản xuất có thêm phần giá trị gia tăng trong khâu phân phối.
Trong thời đại của công nghệ số, người ta tận dụng mọi cơ hội buôn bán bằng thương mại điện tử. Từ ngôi chợ truyền thống gắn với hình ảnh “buôn gánh, bán bưng”, thiên hạ giờ đã mua bán trên một cái chợ khác gọi là kinh doanh trực tuyến trên “chợ ảo” hay là “chợ trên mạng”.
Trên cái chợ này, người ta quảng cáo, rao hàng bằng hình ảnh trực quan, ký kết hợp đồng qua mạng rồi thanh toán cũng qua mạng. Tiện lợi và nhanh chóng biết chừng nào!
Chỉ một lời rao qua mạng là cả thế giới đều nhận được và trong số đó sẽ có những phản ứng tích cực từ người tiêu dùng. “Cây xoài nhà tôi” cũng bước đầu đi theo hướng đó.
Lê Minh Hoan
Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này