10:42 - 17/12/2016
Cạnh tranh với robot
“Chúng ta đang phải cạnh tranh với robot. Tiền lương của robot đang giảm đi. Trong khi tiền lương của người lao động lại đang tăng lên. Khi các chi phí tăng, người ta sẽ chuyển hết sang robot vì robot không đình công, không phải mua bảo hiểm, có thể làm việc 24/24…”
“Chúng ta sáng tạo ra robot, điều khiển và tương tác với robot. Vì vậy, trong cuộc cách mạng mới, rất cần một thế hệ người lao động sáng tạo”.
Đó là dự báo trong tương lai gần của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại buổi đối thoại chính sách việc làm “Việt Nam cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và kỹ năng lao động”, do Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 13/12.
Thực tế, ở địa phương nào cũng vậy, các doanh nghiệp, các công ty luôn than thở về vấn đề nhân lực trong khi đó thực trạng nguồn lực con người luôn dồi dào. Đang có sự lệch pha trong cách sử dụng, phát triển nguồn lực con người trong lĩnh vực phát triển kinh tế nói riêng. Do đó, người viết khơi gợi vấn đề một chút để thấy chúng ta đang lãng phí nguồn lực con người trong thời đại làn sóng tự động hóa đang dần hình thành.
Nền kinh tế thị trường đã mang lại cho đất nước những bước chuyển mình khá tích cực, cùng với đó là nhu cầu hưởng thụ của người dân tăng cao, trong có lớp trẻ. Họ phải chạy theo những giá trị vật chất để đảm bảo cho cuộc sống thoải mái và tiện nghi hơn.
Cuốn theo xu thế đó thì tất nhiên họ không có thời gian để thưởng thức những giá trị tinh thần cao đẹp. Ta có thể thấy rằng, cuộc sống càng văn minh, hiện đại thì hình như con người càng làm nô lệ cho nhiều thứ như thời trang, bia rượu, xì ke, thuốc lắc, ma túy, ăn chơi trác táng.
Tuổi trẻ hiện nay đang bị ăn mòn quá nhiều về đạo đức, lối sống. Do lối sống thiếu ý thức, sống buông thả, đua đòi, đặc biệt là lạm dụng tự do để làm những chuyện phi đạo đức đang diễn ra ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn – nơi vốn luôn được xem là mảnh đất trong lành nhất về lối sống, tư tưởng của người dân. Chính điều đó đang tự làm xói mòn lòng tin và nhiệt huyết học tập, làm giảm khả năng khám phá, óc sáng tạo của con người, nhất là của thế hệ trẻ.
Với tư cách là một công dân bình thường sống có trách nhiệm, một con người bình thường nhưng có một chút suy nghĩ, người viết và rất nhiều người không phản đối quan niệm của người tuổi trẻ về cách sống, lối sống có phần thiên về vật chất, thực dụng nhưng cũng không hoàn toàn đồng tình.
Bởi ý nghĩa thực sự cuộc sống này của mỗi con người chúng ta là biết nhận thức được đâu là giá trị bền vững, đâu là “con đường hưởng thụ” khôn ngoan nhất. Người khôn ngoan sẽ là người chọn con đường đi bằng tinh thần hơn là thể hiện mình theo kiểu “tốt nước sơn” như hiện nay.
Đây có phải là sự lãng phí lớn lao nguồn lực con người? Làm cách nào để khơi dậy nguồn lực tiềm năng này cho sự phát triển kinh tế? Câu hỏi này chỉ có những người có thẩm quyền, chức trách mới trả lời được và hành động một cách thiết thực hơn. Chứ bản thân “nguồn lực” không thể tự phát triển, tự định hướng theo đúng nghĩa của nó.
Chúng ta đang lãng phí quá lớn, chưa khai thác đúng hướng nguồn lực con người cho sự phát triển kinh tế. Đã đến lúc cần khơi gợi sức sống tiềm tàng từ nguồn lực con người, đặc biệt là dân số thanh niên, tuổi trẻ hiện nay. Để thời kỳ “dân số vàng” không bị lãng phí một cách vô nghĩa.
Thiết nghĩ, toàn cầu hóa và nền kinh tế trí thức, một mặt tạo ra những khả năng và cơ hội phát triển to lớn cho dân tộc và quốc gia. Mặt khác nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm cho khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng sâu sắc hơn. Muốn không bị tụt hậu, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực. Cái mà chúng ta có thế mạnh và tương đối dồi dào chính là con người
Trong thời đại mà làn sóng “tự động hóa” đang dần hình thành thì chúng ta đang có quá nhiều việc phải làm.
“Thời đại khoa học công nghệ, kiến thức chuyên môn thay đổi nhanh chóng, để không bị robot “đánh cắp” việc làm, cần trang bị cho người lao động kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng ứng phó với thay đổi… Những kỹ năng này, trong hệ thống giáo dục của mình làm chưa tốt, dạy nghề phải song song với dạy kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên”, đúng như ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị.
Lầu Thanh
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này