14:55 - 29/06/2018
Cần nói không với phế liệu nhập khẩu
Nói chữ là “nhập khẩu phế liệu” thực ra là rước rác của thiên hạ vào nhà. Quốc gia bán rác mừng rơn vừa được tiền vừa đẩy được cái của nợ đi, sạch môi trường, khỏi tốn công dọn dẹp, mất mặt bằng tồn chứa.
Rác ngoại phải mua bằng ngoại tệ mạnh đã đành, đưa được hàng về còn phải nhọc nhằn bao thủ tục, cõng bao tốn phí khác. Đơn cử như mức thu phí cấp, cấp lại giấy xác nhận đối với trường hợp tổ chức, cá nhân nhận ủy thác có kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu là 20 triệu đồng/hồ sơ. Trường hợp không có kho, bãi là 12 triệu đồng/hồ sơ(*).
Phế liệu phát sinh từ sản xuất, sinh hoạt trong nước ta đã nguy hại tới mức báo động. Vấn nạn đó được tiếp ứng bởi nguồn phế thải nhập khẩu ngày càng nhiều, dồn môi trường tới chân tường.
Rác ngoại tha lôi về bằng nhiều ngả, nhanh nhất là ập qua đường biên, và từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Singapore, Canada… Việt Nam nay đã là một trong những nước nhập khẩu phế liệu nhiều nhất thế giới. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc ngừng việc nhập khẩu phế liệu sau tiêu dùng thì không loại trừ nhiều lô hàng sẽ rẽ lối vào Việt Nam. Trong các quí đầu năm 2018, ta đã nhập từ Mỹ 40 triệu pound nhựa tái chế trị giá 5,8 triệu đôla Mỹ. Việc nước ta “bứt tốp” thành bãi rác số 1 của toàn cầu chắc chỉ còn là vấn đề thời gian. Gần đây tình hình trở nên bức bách khi hàng ngàn container rác ngoại đang chất đống, chật cứng các cảng biển, nhất là cảng Cát Lái (TP.HCM). Trong số này chắc có nhiều lô hàng vô chủ!
Tận dụng phế liệu cũng là tiết kiệm nguyên liệu, nhưng đó chỉ nên là nguyên vật liệu sẵn có trong nước và chỉ dùng trong một số khâu thứ yếu, chế tác sản phẩm phụ. Nhập khẩu phế liệu là việc cực chẳng đã trong thời thiếu thốn trăm bề, bị bao vây cấm vận tứ phía. Nay đã có chuỗi định chế thương mại tự do, nền sản xuất thời hội nhập phải vận hành bằng nguyên liệu tốt, có thương hiệu, xuất xứ minh bạch. Nhiều hàng nội địa đã không làm bằng sắt thép phế thải, nhựa tái chế, cao su tái sinh, đầu mẩu tận dụng… huống hồ là sản xuất hàng xuất khẩu. Cho nên, đến bây giờ vẫn lập luận rằng để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội cần cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu là khiên cưỡng.
Và, đổ lỗi cho những sai phạm trong việc nhập khẩu phế liệu là do các tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định về môi trường là che đậy những bất cập từ cơ chế chính sách, thiếu tinh thần trách nhiệm từ cơ quan quản lý đến bộ phận thừa hành. Cùng một lô hàng phế liệu nhập khẩu về, cơ quan này gật gù bảo được phép, cơ quan nọ lắc đầu kêu trái phép… không phải là hiện tượng cá biệt và từng lặp lại. Từ đó mà vẫn cho rằng cần sửa đổi bổ sung chính sách, tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu phế liệu là lỗi thời. Cần chia tay với tất cả các loại phế liệu nhập khẩu, thực ra là đoạn tuyệt với nhập khẩu… rác.
Theo Nguyễn Duy Nghĩa/TBKTSG
———————–
(*) Theo Thông tư số 62/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này