
09:28 - 16/04/2016
‘Cân’ ngân sách bằng phí, tính sao cho ổn?
Ngành giao thông cứ chăm chăm thu phí của dân mà chưa nhìn lại sự quản lý, điều hành yếu kém của mình.

Thu phí để bù ngân sách thâm hụt ư? Trạm thu phí dày đặc đã gây bức xúc. Phí thu tăng chóng mặt càng gây bức xúc hơn. Ảnh: TL
“Phí qua trạm BOT sẽ tăng”, “Tận thu phí, doanh nghiệp kêu trời”, “Phí tăng sao cho hợp lý”,… là hàng loạt tiêu đề các bài báo viết về thực trạng “mãi lộ” ở Việt Nam.
Càng bức xúc hơn là “mãi lộ” dày đặc ở các tuyến quốc lộ.
Tốn tiền bức xúc là đúng. Nhưng chỉ trách chủ trạm BOT là chưa đủ. Bởi làm ăn thì phải có hợp đồng, có kế hoạch. Chủ các trạm thu phí theo hợp đồng, theo kế hoạch đã được ký kết với cơ quan nhà nước.
Làm sao họ dám làm sai luật? Vậy có trách thì phải trách chính quyền đã tạo điều kiện cho chủ trạm phí tận thu.
Ừ, đất nước đang khan ngân sách nên rất cần nguồn BOT là chuyện hoàn toàn đúng, nhưng cần thế nào cho hợp lý, cho dân không “rên xiết” mới là câu hỏi đáng phải đặt ra.
Chẳng hạn ở trạm thu phí cầu Bình Triệu (TPHCM) từ nhiều năm qua dân luôn than trời vì công trình sửa chữa xây mới hai cây cầu Bình Triệu 1 và 2 cách đây hơn chục năm chỉ có tổng vốn hơn 250 tỷ đồng, nhưng đã thu phí xuyên suốt cả chục năm vẫn chưa có hồi kết.
Theo quyết toán của đơn vị thu phí cầu này, còn lâu mới kết thúc thu phí dù ban đầu dự kiến thu chỉ có vài năm.
Câu hỏi dư luận đặt ra ở đây là chính quyền thành phố sẵn sàng bỏ ra trăm tỷ này, trăm tỷ kia để xây cái này, dựng cái kia từ tiền ngân sách, sao không “dám bỏ” ra hơn 250 tỷ đồng để hoàn lại ngân sách, nhằm dỡ bỏ hai trạm thu phí trên – các trạm thu này vốn được cho là nguy hiểm vì nó đặt ngay dưới chân cầu – để dân bớt đi phần nào gánh nặng.
Ngoài ra, khi trạm tăng phí, thường kẻ la nhiều nhất là đại diện các hiệp hội vận tải… Thế nhưng, ai cũng thấy họ la cho có, la cho người ta thấy là mình có la, còn chuyện Nhà nước có quyết tăng phí hay không cũng mặc kệ.
Sao vậy? Dễ thôi, ai cũng thấy mỗi khi phí tăng thì cước vận tải tăng, mà cước vận tải tăng thì giá thành sản phẩm tăng.
Theo đó, từ nhà sản xuất đến nhà vận tải đâu có thiệt, thiệt ở đây chỉ có người tiêu dùng –
tức người dân – phải còng lưng cõng thêm phí.
Quay trở lại chuyện hạ tầng, dù các dự án BOT đang tràn khắp, nhưng thực tế thì vốn đầu tư cho hạ tầng hiện vẫn phần nhiều phụ thuộc vào ngân sách – thuế dân – do đó, không thể nói nếu không thu phí của dân thì không có tiền đầu tư cho hạ tầng giao thông được.
Mặc dù, gần đây cơ sở hạ tầng giao thông có một số chuyển biến nhờ vào sự tích cực và quyết đoán của lãnh đạo ngành giao thông.
Tuy nhiên, về tổng thể, hạ tầng giao thông vẫn còn yếu kém, nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng… trách nhiệm chính là của ngành giao thông vận tải.
Việc thu phí là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của kinh tế thị trường. Nhưng ta hãy thử nhìn lại xem, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, hạ tầng giao thông yếu kém, nhất là công tác quản lý hệ thống giao thông công cộng…
Nhiều công trình đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng chưa sử dụng đã có hỏng hóc, hoặc có tuổi thọ rất thấp, phải tu sửa thường xuyên tiêu tốn thêm hàng chục tỷ đồng.
Đã có những ý kiến cho rằng ngành giao thông cứ chăm chăm thu phí của dân mà chưa nhìn lại sự quản lý, điều hành yếu kém của mình.
Anh Minh
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này