09:42 - 05/08/2016
Buôn tiền
Ai đó có thể nói rằng người của Tân Hiệp Phát tham lam. Thay bằng gửi tiền của doanh nghiệp một cách đàng hoàng, họ đã tìm cách để gửi dưới tên các cá nhân và hưởng lãi suất cao. Nó chẳng khác nào đi buôn tiền.
Tòa án Nhân dân TPHCM đã mất nhiều ngày để thẩm vấn các bị cáo và những người có liên quan đến bà Trần Ngọc Bích cũng như bản thân bà Bích trong vụ án Phạm Công Danh về việc gửi hàng ngàn tỷ đồng vào Ngân hàng Xây dựng và sau đó thế chấp các sổ tiết kiệm để vay ra tổng số tiền gấp ba, bốn lần với nhiều vòng quay khác nhau.
Hãy tạm gác qua một bên về nguồn gốc số tiền mặt lớn, về chuyện vì sao họ lại chỉ gửi ở Ngân hàng Xây dựng mà không phải một số các ngân hàng khác (vì những năm 2011-2013 không phải chỉ Ngân hàng Xây dựng mới huy động vốn lãi suất cao).
Băn khoăn ở đây là vì sao họ làm như vậy và hành động đó liệu có vi phạm quy định về gửi và vay vốn ngân hàng?
Cho đến nay, khi khách hàng cá nhân gửi tiền vào ngân hàng, thí dụ kỳ hạn ba tháng, mới được hai tháng, người gửi cần tiền.
Thay bằng rút tiền ra và hưởng lãi suất không kỳ hạn rất thấp, ngân hàng thường cho người gửi vay lại bằng cách cầm cố chính sổ tiết kiệm đó cho tới ngày đáo hạn với lãi suất bằng lãi suất gửi cộng 2-2,5%/năm tùy nơi. Bằng cách này, người gửi đỡ thiệt thòi. Đó là con đường “danh chính ngôn thuận”.
Bà Bích và những người khác nhận tiền từ ông Trần Quí Thanh, ông chủ của Công ty Tân Hiệp Phát và gửi vào Ngân hàng Xây dựng. Điều này cũng chưa vi phạm bất cứ quy định nào của ngành ngân hàng. Các ông bà chủ của Tân Hiệp Phát có hai cái lợi khi thực hiện như vậy.
Thứ nhất tiền gửi của cá nhân thường được hưởng lãi suất cao hơn so với của doanh nghiệp. Thứ hai gửi tiền có kỳ hạn, trong trường hợp cần tiền có thể vay lại, mà vẫn tận dụng được lãi suất cao.
Theo lời khai của một số bị cáo và bà Bích tại tòa, lãi suất tiền gửi họ nhận được ở Ngân hàng Xây dựng khoảng 10-11%/năm, trong khi lãi suất vay chỉ cao hơn lãi suất tiền gửi 0,5%/năm.
Đây là mức chênh lệch thấp chưa từng có. Rất hãn hữu và hầu như không có ngân hàng nào chấp nhận sự chênh lệch thấp như vậy.
Ngoài ra, theo lời khai của Phạm Công Danh và chứng cứ tại tòa, ông Danh đã chi chênh lệch lãi suất tiền gửi cho nhóm bà Bích.
Nói ngắn gọn là trên sổ tiết kiệm, lãi suất ghi là 10-11%/năm, nhưng lãi suất thực mà người gửi nhận được có thể thêm 2-4%/năm, tức 13-15%/năm. Cái này là sai luật, nhưng thực tế nó lại khá phổ biến trong các năm 2011-2012.
Ngày ấy một số ngân hàng đã áp dụng các hình thức hạch toán khác nhau để hợp thức hóa các khoản chi ngoài từ chênh lệch lãi suất. Tại sao?
Tại họ cần huy động vốn trong thời điểm thắt chặt tiền tệ, thanh khoản khó khăn. Riêng với Ngân hàng Xây dựng, thanh khoản không chỉ khó khăn mà là cấp bách.
Cũng trong cùng khoảng thời gian nói trên xảy ra vụ án Huyền Như. Việc Ngân hàng ACB và một số tổ chức tín dụng khác đưa tiền cho nhân viên gửi ở VietinBank thông qua Huyền Như để được hưởng lãi suất cao, trong đó có cả việc chi ngoài chênh lệch lãi suất.
Về bản chất việc nhân viên ACB gửi tiền ở VietinBank và bà Bích cùng những người liên quan nhận tiền từ ông chủ Tân Hiệp Phát và gửi ở Ngân hàng Xây dựng giống nhau cả về hình thức lẫn nội dung. Kết luận của tòa tại vụ án Huyền Như là Huyền Như lừa đảo các ngân hàng và người gửi tiền, trách nhiệm không thuộc về Vietinbank.
Vậy trong vụ án Phạm Công Danh, câu hỏi đặt ra là liệu ông Danh có lừa đảo nhóm bà Bích để rút tiền ra và Ngân hàng Xây dựng có phải chịu trách nhiệm? Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, hành vi của Danh và các đồng phạm đã vi phạm điều 6, điều 14 Luật Kế toán.
Đến nay Ngân hàng Xây dựng không thu hồi được 5.490 tỷ đồng mà Danh và các đồng phạm đã rút ra từ Ngân hàng Xây dựng, họ phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nên nhớ khác với vụ án Huyền Như, ở Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại ngân hàng với giá 0 đồng đi kèm trách nhiệm đảm bảo chi trả đầy đủ gốc và lãi cho người gửi tiền.
Tiền mà NHNN phải bỏ ra để đảm bảo chi trả cho người gửi tiền là tiền của Nhà nước, của ngân sách, tiền đóng thuế của người dân.
Ai đó có thể nói rằng người của Tân Hiệp Phát tham lam. Thay bằng gửi tiền của doanh nghiệp một cách đàng hoàng, họ đã tìm cách để gửi dưới tên các cá nhân và hưởng lãi suất cao. Nó chẳng khác nào đi buôn tiền.
Tuy nhiên Tân Hiệp Phát không phải là doanh nghiệp duy nhất làm như thế trong bối cảnh bấy giờ. Đã có không ít doanh nghiệp tiến hành cách thức tương tự. Họ thậm chí thế chấp sổ tiết kiệm tiền gửi ở ngân hàng A để vay tiền ở ngân hàng B, rồi đem tiền vay ở ngân hàng B gửi tiếp ở ngân hàng C…
Tất nhiên sự chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi và tiền vay phải mang lại lợi ích vật chất thì người ta mới làm. Có ngân hàng chấp nhận cho vay lãi suất thấp vì cần duy trì doanh số, mức tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng khác cần đáp ứng chỉ tiêu huy động vốn…
Riêng với lời khai của ông Phạm Công Danh tại tòa là ông ta vay lại tiền của nhóm bà Bích lại là một vấn đề khác nữa.
Những kẽ hở của luật pháp đã bị khai thác và có lẽ cơ quan quản lý không phải không nắm rõ. Vì sao chúng không được ngăn chặn?
Chỉ đến khi xảy ra hậu quả, các cơ quan quản lý mới vào cuộc xử lý, thì đã muộn. Trước hết vấn nạn buôn tiền phải được giải quyết từ góc độ ngân hàng.
Nếu ngân hàng thực hiện đúng quy định, không “xé rào”, không “đi đêm” lãi suất, thì dù có muốn người gửi tiền cũng không thể đòi hỏi, thương lượng lãi suất vượt trần dưới hình thức này, hình thức nọ.
Hải Lý
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này