22:11 - 29/09/2024
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và ‘hai câu chuyện nhỏ khởi nghiệp’
Nhận lời mời của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tham dự vòng bán kết ý tưởng khởi nghiệp tổ chức trên đất Sen Hồng tôi rất phấn khích. Tuy nhiên, do bận công việc nên không thể thu xếp về được, thôi thì kể cho mọi người trong hệ sinh thái BSA những điều ngẫm nghĩ trên từng bước chân đến nơi này nơi kia, biết đâu “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”.
Câu chuyện thứ nhất: “Tơ chuối của người Thái”
Đến thăm một không gian khởi nghiệp được giới thiệu một túi xách làm từ sợi tơ chuối. Sản phẩm tơ từ thực vật như tơ chuối, tơ sen… không xa lạ gì với chúng ta. Theo tôi được biết nhiều bạn trẻ khởi nghiệp cũng đã tạo ra được nhiều dòng sản phẩm này và đạt nhiều giải thưởng khởi nghiệp.
Tuy nhiên, câu chuyện sau đây mới là những gì tôi suy ngẫm. Họ chia sẻ rằng túi xách như thế này người khác bán với giá 100.000 đồng (tạm quy đổi). Khi họ nói với khách hàng rằng, nông thôn Thái Lan có rất nhiều chuối, trái chuối để ăn thì ai cũng biết rồi, phần lõi thì làm thức ăn cho người và gia súc. Vỏ thân chuối bỏ đi, người dân thường có thói quen vứt xuống sông rạch, làm ô nhiễm môi trường. Vậy là sản phẩm tơ chuối góp phần đem lại môi trường trong lành cho nông thôn. Nghe vậy, người tiêu dùng chấp nhận mua giá cao hơn 30%.
Khi họ nói tiếp với người tiêu dùng rằng, sản phẩm tơ chuối không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn góp phần giảm phát tán khí mê-tan lên bầu khí quyển là tác nhân ảnh hưởng đến khí hậu trái đất. Khi họ thuyết minh như vậy, người tiêu dùng lại chấp nhận trả giá cao thêm khoảng 50%.
Đây là câu chuyện minh chứng xu thế tiêu dùng mới, đó là người ta không chỉ mua một sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm đó. Khởi nghiệp là tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới có tính vượt trội. Muốn có tính vượt trội cần đến công nghệ từ thấp tới cao, từ đơn giản đến phức tạp. Ngoài ra, theo xu thế tiêu dùng xanh cần những câu chuyện kể về trách nhiệm xã hội, thân thiện với môi trường ở cấp độ địa phương đến toàn cầu của người tạo ra sản phẩm khởi nghiệp.
Câu chuyện thứ hai: “Khởi nghiệp trong một trường Đại học Bỉ”
Nhân chuyến thăm và làm việc với một trường Đại học Vương quốc Bỉ đã cố gắng thuyết phục họ cho tìm hiểu thế nào là hệ sinh thái khởi nghiệp, và vì sao đại học luôn được xem là vườn ươm khởi nghiệp. Và câu chuyện ghi nhận được như thế này xin chia sẻ mọi người.
Người phụ trách khởi nghiệp của trường kể: có một doanh nghiệp đến trình bày ý tưởng tạo ra một sản phẩm từ trà kết hợp với vỏ cây thông đặc biệt ở vùng quê của bạn ấy. Vậy là hai bên phối hợp nghiên cứu và kết quả là làm ra được sản phẩm trà thông thơm ngon, có chứa nhiều dược tính và thiết kế bao bì đẹp. Sau đó họ nhờ chuyên gia đem sản phẩm đi tiếp thị để nhận phản hồi từ người dùng thử.
Sau một thời gian tiếp thị, các chuyên gia báo cáo kết quả phản hồi của người tiêu dùng, cả về chất lượng, hình thức bao bì và sự tiện dụng. Bản báo cáo bằng đồ hoạ phân chia ý kiến những người dùng thử theo từng nhóm đối tượng: lứa tuổi, giới tính, vị trí xã hội, tình hình thu nhập, địa bàn sinh sống… Căn cứ những ý kiến phản hồi, họ cùng nhau cải tiến sản phẩm từ chất lượng, hình thức bao bì cho đến sự tiện dụng cho người tiêu dùng. Qua vài lần thăm dò và cải tiến, họ có một sản phẩm hoàn hảo hơn.
Thường con người hay rơi vào cái bẫy, sản phẩm mình làm ra đều ngon nhất, đẹp nhất, tốt nhất. Chúng ta quên rằng đôi khi người tiêu dùng không nghĩ như vậy hoặc đánh giá ngược lại. Như vậy sản xuất thử, nhờ dùng thử, thậm chí thuê người chuyên nghiệp hỗ trợ khảo sát phản hồi từ người tiêu dùng. Ngay trong hệ sinh thái khởi nghiệp cũng là không gian dùng thử sản phẩm của nhau và góp ý cho nhau một cách chân thành và chân tình.
Gợi ý: Các bạn khởi nghiệp nên tìm đọc 2 quyển sách có thể giúp ích cho mình: Tâm lý hành vi khách hàng và Chu du vào tâm trí khách hàng.
Theo Lê Minh Hoan/BSA Media
Ngày đăng: 29/9/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này