
16:20 - 08/03/2016
Mùa săn bắn và cuộc đả phá các đại tư bản

Cho đến nay thì chiến lược nhẫn nhục này tỏ ra có hiệu quả rất lớn. Cơn giận của công chúng trút vào các đại tư bản vẫn chỉ như nước thoảng mưa trôi mà thôi.
Tạp chí Bloomberg Businessweek số ra ngày 29/2 đăng ở bìa một tấm hình thật không biết nói thế nào: Các ứng cử viên tổng thống kẻ đạp người đấm vào giới đại tư bản Mỹ.
Giữa cuộc loạn đả đó là hình ảnh một chú chó đang thản nhiên giơ chân tè vào dòng chữ “Business” vốn đã bị đổ nghiêng đổ ngả.
Tựa đề của bài báo dài của tạp chí này: Open Season on Big Business”, lẩy ý từ bộ phim hoạt hình nổi tiếng Open Season – Mùa Săn bắn – để nói về chuyện các ứng viên tổng thống Mỹ đang thi nhau nả đạn vào các đại công ty.
Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa bầu cử tổng thống Mỹ, bốn năm một lần, các đại công ty (Big Business) ở Mỹ lại trở thành mục tiêu công kích của các ứng viên mà mục đích cũng chỉ muốn nhằm tìm lá phiếu của công chúng.
Vậy các ứng viên đã tuyên chiến như thế nào với các đại công ty Mỹ?
Tờ tạp chí Businessweek dẫn một số câu nói của các ứng viên như sau:
Tỉ phú Donald Trump “Tôi sẽ không bao giờ ăn lại một sản phẩm nào của Oreo cả. Không bao giờ! Không bao giờ nhé!”
Bà Hillary Clinton: “Tôi không chấp nhận chuyện đã thành niềm tin rồi rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và chính phủ của chúng ta không thể đấu tranh với chuyện gian lận của ngành dược phẩm được”.
Đối thủ trong phe dân chủ của bà Clinton là Bernie Sanders: Mô hình kinh doanh của Phố Wall là đầy gian trá. Mô hình đó là gian trá! Tôi tin rằng chuyện hối lộ diễn ra rất tràn lan”
Marco Rubio: “Những người Cộng hòa cho phép bản thân mình theo một đảng không phải vì mục đích phát triển mà chỉ cho các Đại công ty mà thôi. Chuyện này quá thường xuyên!”
Thống đốc John Kasich của Cộng hòa: “Các đại gia lúc nào cũng chỉ muốn đòi quà mà thôi”.
Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Ben Carson, người đã chính thức bỏ cuộc chơi, thì tuyên bố hùng hồn: “Tôi đã từ chối liếm giày của các tỉ phú để cầu xiên nguồn lực từ họ”.
Còn Jeb Bush, người cũng đã bỏ cuộc đua, thì hùng hồn: Chúng ta cần phải lau chùi lại nhà cửa cho sạch sẽ và việc đó cần phải bắt đầu bằng xóa bỏ chủ nghĩa tư bản thân hữu vốn đang tràn lan khắp nơi trong chính phủ liên bang này”.
Tỉ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa, người đang nổi lên là ứng viên số 1, đã đả kích những đại gia Ford Motor, Kraft Foods và Apple về chuyện sản xuất ngoài nước Mỹ. Ông này đang hứa hẹn sẽ lấy việc làm về cho người Mỹ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam…
Ted Cruz thì tự tiếp thị mình là một vị thần báo ứng của phúc lợi xã hội và chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Nhà dân chủ xã hội chủ nghĩa Bernie Sanders thì xây dựng một chiến dịch toàn diện xung quanh việc kìm hãm-kiềm chế chuyện Phố Wall đầy gian dối tội lỗi về “tham lam, gian trá, bất tín và ngạo mạn”.
Với những cáo buộc và những đợt tổng tấn công trong Mùa săn bắn đó, hẵn bạn sẽ nghĩ rằng các đại gia Mỹ sẽ tìm cách phản pháo lại, hay ít nhất cũng tự bảo vệ mình. Nhưng không, các đại công ty Mỹ chỉ phản ứng lại một cách hết sức yếu ớt. Trong trận khẩu chiến này hầu như chỉ một phe công kích, còn phe kia thì hầu như né tránh, hoặc nhã nhặn, thậm chí là khổ nhục kế.
Khi Trump gây chuyện Ford có các kế hoạch xây dựng một đại nhà máy của mình ở Mexico thì CEO của công ty này là Mark Field, viết cho Trump một lá thư lời lẽ nhẹ nhàng giải thích rằng nhà sản xuất xe hơi này cũng đang tạo công ăn việc làm cho chính người Mỹ ở Mỹ đấy chứ.
Còn CEO của JPMorgan Chase là Jamie Dimon, người vốn dĩ rất dễ nóng giận, nhưng bình tĩnh nói với chương trình CNNMoney hồi tháng 11 năm ngoái rằng ông nghĩ là có thể khuyên răn chuyện với ứng viên Bernie Sanders về chuyện ông này đòi chia nhỏ các ngân hàng lớn ra. “Tôi cho rằng ông Bernie sẽ không thắng cử được đâu, nên tôi chẳng lo gì cả”.
Kể cả chuyện bà Hillary Clinton đang chống đối Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi chăng nữa, các đại công ty, vốn được cho là đứng đằng sau, cũng cư xử chiếu lệ, thậm chí là thờ ơ.
Lý do là rất nhiều CEO tin rằng khi bầu cử xong xuôi thì sự ồn ào của các chiến dịch này rồi cũng tắt tiếng, và giới kinh doanh thì lại tiếp tục công việc như thường lệ mà thôi.
Cho đến nay thì chiến lược nhẫn nhục này tỏ ra có hiệu quả rất lớn. Cơn giận của công chúng trút vào các đại tư bản vẫn chỉ như nước thoảng mưa trôi mà thôi.
Mọi thứ rồi sẽ đâu vào đấy khi nước Mỹ có một vị tổng thống mới, vì suy cho cùng những lời hứa hẹn cao đẹp trong chiến dịch cũng chỉ là để kiếm phiếu, còn thực hiện nó hay không thì lại là chuyện khác. Nước Mỹ có một đội ngũ các nhà vận động hành lang chuyên nghiệp và đông đảo khắp nơi, và đứng đằng sau họ chính là các nhà đại tư bản.
Cho nên bây giờ thì cứ xin mời, kiểu khi bị tát vào má phải, họ cứ chìa má trái ra, chẳng việc gì phải ăn thua đủ cả.
Trần Phi Tuấn
Theo Bsa.org.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này