11:31 - 05/10/2017
Vũ Thế Thành: Thực phẩm bị mốc, ăn hay vứt?
Bánh mì, phó mát, các loại rau củ quả, táo, lê, khoai tây, khoai lang, bắp cải, đậu xanh, đậu Hà Lan… bị mốc xanh, mốc trắng… Những thực phẩm bị nhiễm mốc này có độc hại không? Nên ăn hay nên vứt?
Ẩm độ là điều kiện tuyệt vời để nấm mốc phát triển. Có rất nhiều loại nấm mốc. Có loại sinh độc tố, có loại không, có loại gây ngộ độc nặng, có loại nhẹ, nhưng thường là nặng, làm hại gan, gây độc thần kinh, xuất huyết, thậm chí gây ung thư.
Một số người bị dị ứng với mốc, nghĩa là ăn bánh nhiễm mốc, dù chỉ nhiễm chút xíu, cũng có thể bị khó thở, hoặc shock.
Các loại bánh nhiễm mốc
Bánh mì ổ, hay bánh sandwich mới ra lò, nấm mốc và vi khuẩn gây bệnh chết sạch, nhưng ở môi trường ẩm, nấm mốc sẽ nảy sinh.
Các loại bánh như bánh mì, sandwich, bánh bông lan… dù được bao gói cẩn thận, nhưng hơi nước trong bao có thể ngưng tụ, thế là nấm mốc phát triển.
Bánh trung thu cũng thế, dù nhà sản xuất đã bỏ vào trong gói bánh túi nhỏ hút ẩm, nhưng mốc vẫn có cơ hội phát triển. Sắp tới rằm, là bánh hạ giá. Sau rằm còn đại hạ giá hơn nữa.
Độc tố nấm (mycotoxins) thường rất bền với nhiệt, có đem nướng lại bánh mì chẳng ăn thua gì. Nấm khởi sinh từ bề mặt bánh, rồi lan dần vào trong, lan thực sự tới đâu cũng khó biết, chứ không chỉ chỗ nào bánh đổi màu, chỗ đó mới có mốc. Các loại bánh thường xốp, tha hồ cho mốc len lỏi ‘mọc rễ’…
Nhìn bằng mắt thường khó lòng nói, mốc này độc, mốc kia không độc. Vậy thì bánh nhiễm mốc nên ăn hay bỏ? Đối với bánh mì, nếu bị nhiễm mốc ít, chỉ mới chớm ở khu vực nhỏ, có thể cắt bỏ cách xa chỗ nhiễm khoảng vài phân. Còn với bánh có nhân, có bơ, phó mát… dù nhiễm nhiều hay ít, tốt nhất nên bỏ luôn.
Cẩn thận với đậu phụng, khoai tây và pho mát mềm
Các loại rau củ có thân cứng như cà rốt, su hào… có thể cắt bỏ chỗ mốc, cách xa chỗ nhiễm khoảng vài phân. Còn với rau hoặc trái cây có thân mọng như cà chua, dưa leo, xà lách… nên bỏ luôn. Nên nhớ, nấm mốc rất ưa độ ẩm, và chúng phát triển rất nhanh trong môi trường ẩm.
Đáng ngại nhất là các loại ngũ cốc như gạo, đậu xanh, đậu đỏ, và các loại hạt như đậu xanh, đậu phụng… Chúng bị nhiễm mốc do tồn trữ ở khu vực ẩm và thường phát sinh độc tố aflatoxin (rất độc). Nếu những loại hạt này bị nhiễm mốc, nên bỏ.
Đối với khoai, nhất là khoai tây, nên lưu ý: vùng vỏ khoai tây bị hoá xanh, thậm chí lan vào vùng thân củ (ngay dưới vỏ) là dấu hiệu khoai có nhiều glycoalkaloid (ăn có vị đắng). Những vùng vỏ xanh như thế chứa độc tố gấp vài trăm lần so với khoai bình thường.
Độc tố loại glycoalkaloids (chủ yếu là solanine) trong khoai có thể gây nhức đầu, tiêu chảy, nặng hơn có thể hôn mê, gây tử vong. Nấu nướng khoai khó làm phân huỷ chất này.
Tuy nhiên màu xanh của vỏ có thể do khoai tây tiếp xúc lâu dài với ánh nắng (tổng hợp chlorophyll). Màu xanh này lại không độc.
Như vậy, khoai tây hoá xanh có thể do chứa độc tố, hoặc do bảo quản không tốt, nhưng khó phân biệt được màu xanh độc hay không. Chắc ăn thì nên bỏ luôn.
Riêng với phó mát, cần phân biệt hai loại : pho mát mềm như phó mát hiệu ‘Đầu bò’ khá phổ biến trong nước hiện nay, và loại phó mát cứng như loại Cheddar.
Phó mát mềm, kể cả loại nửa mềm nửa cứng, nếu nhiễm mốc, nhiễm ít hay nhiều cũng nên bỏ. Tuy vậy, với loại phó mát cứng, do độ ẩm thấp, nếu bị nhiễm mốc, thì chỉ nhiễm ở mặt ngoài, mốc khó len vào bên trong, có thể cắt bỏ chỗ mốc, phần còn lại ăn được.
Tóm lại, bánh mì hoặc sandwich khô không nhân, không có bơ hay phó mát cứng có thể cắt bỏ phần nhiễm. Các loại hạt, ngũ cốc, rau quả mềm, khoai lang nhiễm mốc, nên bỏ. Phó mát mềm nhiễm mốc cũng bỏ luôn, không thể cứu vãn.
Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này