
10:23 - 26/10/2019
Ung thư vú nam giới, ít gặp nhưng nguy hiểm
Tháng 10 hàng năm được tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là Tháng nhận thức ung thư vú. Trong khi nhiều người vẫn nghĩ ung thư vú (UTV) chỉ xảy ra cho nữ giới, thì thật sự bệnh vẫn có ở nam giới và nguy hiểm hơn nhiều.
Có lẽ thế mà hồi đầu tháng này, để gia tăng nhận thức cho mọi người, trên chương trình Good Morning America của đài truyền hình ABC, ông Mathew Knowles, người cha của hai siêu sao âm nhạc thế giới Beyonce và Solange, không ngần ngại tiết lộ mình đang mắc UTV.
Phát hiện trễ vì xấu hổ
Nhiều nghiên cứu cho thấy mặc dù nam giới không có nhiều mô vú, nhưng họ vẫn có thể bị UTV với tỷ lệ 1% so với nữ. Tại Mỹ, trong khi mỗi năm có khoảng 245.000 ca UTV nữ giới, thì có 2.200 ca UTV nam giới, nhưng theo nghiên cứu mới công bố trong tháng này trên tờ JAMA Oncology, tỷ lệ tử vong của nam lại 19% nhiều hơn nữ.
TS Xiao-ou Shu, giáo sư dịch tễ học đại học Vanderbilt, đồng thời chủ trì nghiên cứu nói: “UTV không chỉ là bệnh của nữ. Nam giới mắc UTV có cơ may sống sót từ 3 – 5 năm thường thấp hơn nữ, và chúng tôi không hiểu được lý do chính xác tại sao có sự khác biệt này, có lẽ cần phải phân tích nhiều hơn về mặt sinh học và trị liệu”.
Dù chưa giải thích được đầy đủ, nhưng một nguyên nhân lớn góp phần làm cho UTV trở nên nguy hiểm đặc biệt ở nam đó là tình trạng kỳ thị.Thật vậy, một số nghiên cứu đã phát hiện nam giới thường cảm thấy bối rối, mắc cỡ khi ngực họ to ra (dấu hiệu của UTV) nên không đi khám bệnh.Vì thế, nam giới thường phát hiện UTV ở giai đoạn trễ, khiến bệnh trở nên khó chữa và tăng nguy cơ tử vong.
Do điều này, khi phát biểu trên đài truyền hình, ông Knowles nhấn mạnh: “Đàn ông muốn che giấu UTV vì họ cảm thấy xấu hổ, nhưng theo tôi không có lý do gì để làm như thế. Tôi hy vọng đến đây để nói cho mọi người biết rằng, bạn có thể chữa khỏi UTV nếu bệnh được phát hiện sớm”.
Nhưng ngay cả khi được chẩn đoán mắc UTV, nam giới cũng ít dám kể bệnh của mình cho người khác – qua đó có thể giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng, do sợ mọi người thắc mắc về giới tính, vì cho rằng UTV là “bệnh của phụ nữ”. Một khảo sát cho thấy có đến 43% nam giới tự hỏi về “nam tính” của mình sau khi được phát hiện UTV. Do đó, theo giới chuyên môn, xác nhận lại giới tính nam cho bệnh nhân nam UTV là cách hiệu quả để giúp họ đối mặt với bệnh.
Nói về trường hợp của mình, ông Knowles, năm nay 67 tuổi, cho biết ông vài lần nhìn thấy một vệt máu trên áo thun của mình, đồng thời vợ ông cũng phát hiện điều tương tự trên tấm chăn trải giường. Nghi bất thường, ông đi khám, bác sĩ cho chụp nhũ ảnh và xác định ông bị UTV. Tháng 7 qua, ông trải qua một cuộc phẫu thuật và cảm thấy mình đang ổn. Ông nói: “Trong quãng đời còn lại tôi sẽ nhận thức rất nhiều và làm tất cả để phát hiện sớm…”.
Bệnh có yếu tố di truyền
Knowles đề cập đến chuyện phát hiện sớm vì ông có đột biến gien BRCA2 khiến ông có nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau. Tỏ ra hiểu biết về bệnh, nên sau khi được bác sĩ chẩn đoán UTV, Knowles liền gọi điện cho gia đình để mọi người cũng đi kiểm tra. “Đó là bệnh di truyền, vì thế các con của tôi, ngay cả những đứa cháu, cũng có nguy cơ cao mắc bệnh”, ông nói. Kết quả mới nhất là cả Beyoncé và Solange đều âm tính với đột biến gien BRCA2.
Ở nước ta tình hình UTV nam giới không khác gì thế giới. Tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM, mỗi năm gặp khoảng mười ca UTV nam, nhưng phần lớn được phát hiện trong tình trạng muộn, ở giai đoạn 3 (di căn hạch), hoặc sớm nhất cũng giai đoạn 2 (chưa di căn hạch). PGS.TS Phạm Hùng Cường, trưởng khoa ngoại 2 bệnh viện Ung bướu TP.HCM, giải thích: “Bệnh thường bị bỏ qua ở nam giới cho tới khi chuyển biến nặng mới phát hiện, do ít ai nghĩ nam giới cũng bị UTV”.
Theo BS Cường, nam giới gần như không có tuyến vú, chỉ có phần mô vú mỏng, áp sát dưới da thịt. Vì vậy UTV ở nam tiến triển nhanh, xâm lấn, di căn qua các cơ quan khác nhanh và nguy hiểm hơn ở nữ. Ông nói: “Với nữ, khối u kích thước 1cm được xem ở giai đoạn sớm, nhưng ở nam khối u 1cm đã được xem là muộn. Bởi vì mô vú nam giới rất nhỏ, khối u với kích thước này đã “ăn” gần như hết mô vú và có thể xâm lấn ra da hoặc thành ngực và các cơ quan khác”.
Tháng 3 năm nay, bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới phẫu thuật chữa UTV cho một người đàn ông 67 tuổi. Trước đó bốn năm, bệnh nhân thấy một khối u nhỏ như hạt đậu ở vú, nghĩ là bình thường nên ông không đi khám. Dần dà u ngày một lớn, khi bệnh nhân đi khám, bệnh đã chuyển sang giai đoạn 3, bác sĩ phải cắt bỏ toàn bộ vú có kèm khối u và nạo vét hạch.
Người ta nhận thấy UTV nam giới gặp ở người trên 40 tuổi, phổ biến từ 50 – 70 tuổi. Biểu hiện sớm là một cục cứng ở vùng vú, không đau; hoặc núm vú bất thường, bị thụt, móp, có thể kèm theo tiết dịch, điều này làm cho bệnh nhân thấy áo của mình thường ố bẩn ở phần ngực, do dịch từ khối u rỉ ra ngoài qua núm vú.
Phát hiện sớm UTV, nam vẫn có cơ hội chữa lành như nữ. Theo nhà chuyên môn, dù khoa học chưa xác định nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến UTV ở nam giới, nhưng vài nghiên cứu phát hiện mối liên quan giữa bệnh và người có các hành vi nguy cơ như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, béo phì, đái tháo đường. Do đó, để phòng tránh bệnh, nam giới cần sống lành mạnh, siêng năng vận động và tầm soát sức khoẻ định kỳ.
Dương Cầm (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Vắc xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi của Pfizer được Mỹ chứng nhận
Mẹ dùng viên đa sinh tố, con giảm nguy cơ tự kỷ?
WHO: Chưa nên giới hạn đi lại vì biến chủng mới
Cười lăn với giải Ig Nobel 2018
Tháng 8/2017, 30 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Tags:nam giớiung thư vú
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này