17:20 - 24/08/2018
Ung thư tuỵ: ‘kẻ giết người thầm lặng’
Tuần qua, làng âm nhạc thế giới tiếc thương cho sự ra đi của “Nữ hoàng nhạc soul” Aretha Franklin ở tuổi 76 vì chứng ung thư tuỵ.
Dù loại bệnh ung thư này ít được nói đến, nhưng lại rất nguy hiểm và từng cướp đi sinh mạng nhiều người nổi tiếng.
Bệnh khó phát hiện sớm
Trước Aretha Franklin là thiên tài Steve Jobs – người sáng lập Apple, nhà sinh học Ralph Steinman, đồng chủ nhân Nobel Y học 2011. Cả hai người này qua đời vì ung thư tuỵ vào năm 2011, thậm chí Steinman còn không biết mình được trao giải Nobel vì ông trút hơi thở ba ngày trước ngày trao giải. Ngoài hai nhân vật nổi tiếng này, người cha và ba anh chị em của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng chết vì ung thư tuỵ.
Tuyến tuỵ, hay còn gọi là “lá mía”, nằm vắt ngang từ phần đầu ruột non đến lá lách, nấp sau dạ dày và sâu trong ổ bụng. Tuỵ có hai chức năng, tuỵ nội tiết điều hoà lượng đường trong máu bằng các hormone, tuỵ ngoại tiết chế tạo enzyme và thải vào ruột làm nhiệm vụ tiêu hoá thức ăn.
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, chủ tịch hội Ung thư Việt Nam, ung thư mọc từ tuỵ ngoại tiết loại thường gặp nhất là ung thư tuyến (adenocarcenoma) chiếm 95%, còn ung thư mọc từ tuỵ nội tiết hiếm gặp hơn gọi là bướu thần kinh (neuroendocrine). “Ung thư tuỵ đe doạ tính mạng vì nó âm thầm lan rộng trước khi định bệnh.Nguy cơ nam, nữmắc ngang nhau, gặp sau tuổi 45”, ông nói.
Ung thư tuỵ được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì rất khó phát hiện sớm. Theo TS Otis Brawley, chủ tịch hội Ung thư Hoa Kỳ, vì tuỵ nằm sâu trong cơ thể nên khó nhìn thấy khối u. Ông phân tích: “Tuỵ là cơ quan duy nhất mà ung thư di căn nhanh đến những bộ phận khác. Nó không có lớp bọc ngoài như gan, thận, đại tràng và tử cung để “giữ” ung thư lại một thời gian. Do vậy khi u phát triển, ung thư tuỵ ít khi nằm tại chỗ mà lan đi”.
Ung thư tuỵ có tỷ lệ sống rất thấp, 75% bệnh nhân tử vong chưa đến một năm sau chẩn đoán và 94% tử vong trong năm năm. Aretha Franklin là trường hợp hiếm hoi thách thức tỷ lệ này.Bà biết bệnh cách đây nhiều năm và từng trải qua một lần phẫu thuật vào tháng 12.2010, nhưng bà không cho một ai biết bệnh của mình.
Tám năm trời chiến đấu với ung thư khiến Franklin sụt mất gần 40kg, vì thế có người đoán bà trải qua phẫu thuật để giảm cân. Nghe thế, bà chỉ cười: “Tôi không nói đó là phẫu thuật gì, nhưng quả tình tôi mập thật”. Nhưng có một điều chắc chắn là sau lần phẫu thuật đó, chế độ ăn của “Nữ hoàng nhạc soul” thay đổi. Bà loại bỏ thức ăn nhiều dầu mỡ, ăn nhiều các loại hạt, thực phẩm tươi và rau củ. Bà thường xuyên đi bộ 2,5km/lần, ba lần mỗi tuần.
Điều trị chưa sáng
Có lẽ là căn bệnh hung hãn và cần nâng cao nhận thức cho công chúng, nên tại Mỹ có cả một tổ chức chuyên về ung thư tuỵ có tên PanCan (Mạng lưới hành động ung thư tuỵ). Theo tổ chức này, những triệu chứng đầu tiên của bệnh là đau sau lưng hay như đau dạ dày và đau tăng lên mỗi khi ăn uống. Bệnh nhân kèm theo sụt cân, chán ăn, buồn nôn, thay đổi trong phân. Triệu chứng khác có thể gặp là vàng da, vàng mắt. Cho đến nay người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân nào gây ra ung thư tuỵ. Người ta ghi nhận yếu tố chủng tộc, béo phì, hút thuốc, uống rượu và tuổi tác liên quan đến bệnh này. Là người Mỹ gốc Phi và từng có thời gian dài chiến đấu với chứng nghiện rượu, nên có lẽ nguy cơ mắc bệnh của Franklin tăng lên.
Tuy nhiên, điều đáng nói là bất chấp những tiến bộ y khoa đã cải thiện được tỷ lệ sống và thời gian sống cho bệnh nhân ung thư nói chung, đến nay ung thư tuỵ vẫn khó điều trị. Lý giải điều này, theo các nhà chuyên môn vì bệnh liên quan đến đến một đột biến của gien sinh ung, vì thế nó không đáp ứng với hoá trị. Y học đang tìm nhiều cách để làm chậm những bệnh ung thư liên quan đến gien sinh ung, nhưng tiến triển vẫn rất chậm. Brawley nhận định: “Nếu tìm được cách kiểm soát gien này, y học hoàn toàn có thể chữa được ung thư tuỵ và một số dạng ung thư phổi, não, đại tràng”.
Do bệnh thường được phát hiện trễ và khó điều trị, nên không ít bệnh nhân ung thư tuỵ tìm kiếm các biện pháp chữa trị không chính thống. Steve Jobs là điển hình. Phát hiện bệnh vào năm 2003, nhưng bất chấp mọi động viên của gia đình và bạn bè, ông lại tìm cách chữa bệnh bằng các loại nước trái cây, ghé thăm “các chuyên gia tinh thần”, áp dụng các biện pháp chữa trị tìm thấy trên internet, thậm chí áp dụng cả… châm cứu! Sau này Jobs thừa nhận đây là một sai lầm, nếu phẫu thuật sớm hơn có lẽ cuộc sống của ông còn kéo dài thêm.
Ralph Steinman khi biết mình bị bệnh ông thử nghiệm ngay liệu pháp miễn dịch, được phát triển bởi đồng nghiệp và một số khám phá mà ông đang theo đuổi. Ông kéo dài cuộc sống được bốn năm, có lẽ một phần nhờ liệu pháp này, cho dù đến nay nó vẫn tiếp tục được thử nghiệm.
Giọng ca nhiều ảnh hưởng
Sự nghiệp ca hát cực kỳ thành công của Aretha Franklin đánh dấu bằng việc bà giành tới 18 giải Grammy và là một trong những nghệ sĩ có số đĩa bán chạy nhất thế giới (hơn 75 triệu đĩa). Tạp chí âm nhạc hàng đầu Rolling Stone (Mỹ) năm 2008 xếp bà ở vị trí số một trong 100 ca sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại. Trước đó, Time xếp bà vào danh sách những nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20. Nhắc đến bà, người ta không thể quên bài hát Respect (1967), được xem là tuyên ngôn nữ quyền và quyền tự do của con người.
Bình Yên (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này