
12:17 - 04/04/2020
Sống an toàn trong mùa dịch, đừng chạm tay vào mặt!
Các nhà khoa học không khuyến cáo đại chúng mang khẩu trang để ngăn ngừa nCoV, thay vào đó là rửa tay thường xuyên. Tuy nhiên rửa tay lại không có ý nghĩa nhiều nếu người ta… hay đưa tay lên mặt.
Một trong những thách thức lớn nhất trong y tế công cộng là dạy công chúng rửa tay thường xuyên và không chạm vào những màng nhầy trên mặt – mắt, mũi, miệng, những cửa ngõ để virus corona mới và những mầm bệnh khác xâm nhập cơ thể.
Chạm tay lên mặt 23 lần/giờ
Nancy C. Elder, giáo sư lĩnh vực bác sĩ gia đình tại đại học Khoa học và sức khoẻ Oregon (Hoa Kỳ), người từng nghiên cứu hành động chạm tay vào mặt của bác sĩ và nhân viên y tế, nói: “Ngoáy mũi, dụi mắt, chống cằm là những cách người ta hay làm. Mọi người đều chạm tay vào mặt và khó bỏ được thói quen này”.
Trước việc lan truyền virus corona khắp toàn cầu, khuyến cáo cơ bản nhất của giới khoa học dành cho công chúng là rửa tay thường xuyên. Nhưng theo một số người, khuyến cáo này còn phải bao gồm cảnh báo mạnh mẽ về tác hại của chạm tay vào mặt.
William P. Sawyer, bác sĩ gia đình ở Sharonville, Ohio (Hoa Kỳ), người sáng lập trang HenrytheHand.com, nhằm giáo dục công chúng về vệ sinh tay và mặt, chia sẻ: “Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ luôn kêu mọi người đừng chạm tay vào mắt, mũi và miệng. Nếu làm được như thế, bạn sẽ giảm đáng kểkhả năng nhiễm bất kỳ virus hô hấp nào”.
Để hiểu tại sao vệ sinh tay và chạm tay vào mặt có thể giúp bạn phòng chống đáng kể nguy cơ nhiễm Covid – 19, bạn có thể xem xét câu chuyện sau: Một người mắc bệnh đi vào thang máy, chạm tay vào nút bấm cả trong và ngoài, hoặc cũng có thể hắt hơi trong khi di chuyển. Khi người này bỏ đi, các hạt bắn li ti chứa virus nằm lại phía sau. Người kế tiếp đi thang máy chạm tay vào nút bấm hoặc bề mặt rồi dính virus vào tay, sau đó họ đưa tay lên ngoáy mũi hoặc dụi mắt.
Mary-Louise McLaws, giáo sư kiểm soát bệnh nhiễm trùng đại học New South Wales (Úc), nhận định: “Mắt, mũi, miệng là cửa ngõ để một loại virus như Covid-19 hay SARS đi vào cơ thể. Trong cuộc họp mới đây, tôi nhận thấy một người chạm tay vào mặt mười lần trong vòng hai phút. Đây là thói quen rất phổ biến, và công chúng cần được cảnh báo việc họ chạm tay lên mặt thường xuyên như thế nào”.
Bác sĩ McLaws cũng là tác giả chính của một khảo sát vào năm 2015 về hành động chạm tay lên mặt, khảo sát được nhiều người trích dẫn. Trong khi các sinh viên y khoa nghe giảng bài, người ta bí mật quay phim và đếm số lần họ chạm tay vào bất kỳ vị trí nào trên mặt. Kết quả chỉ trong một giờ, các sinh viên chạm tay lên mặt trung bình… 23 lần. Gần phân nửa số này là mắt, mũi hoặc miệng, nơi các nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm gọi là “vùng chữ T”. Nghiên cứu trên đối tượng bác sĩ gia đình, dân làm việc văn phòng hoặc sinh viên cũng cho ra kết quả tương tự. Bác sĩ McLaws nói: “Tôi rất ngạc nhiên vì khi chạm tay vào mặt thì mỗi giờ bạn đang cho virus 11 cơ hội xâm nhập vào cơ thể nếu trước đó bạn đã chạm vào mầm bệnh”.
Làm sao tránh chạm tay lên mặt?
Nguy cơ đưa một loại virus vào cơ thể bằng cách chạm tay lên mặt phụ thuộc nhiều yếu tố bao gồm loại virus, bề mặt có thấm nước hay không, virus nằm lại trên bề mặt trước đó bao lâu, người nhiễm bệnh tới lui chỗ đó bao nhiêu lần, nhiệt độ và độ ẩm.
Theo WHO, con người chưa biết được chủng virus corona mới tồn tại được bao lâu trên bề mặt, dù một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Hospital Infection cho thấy các chủng virus corona tương tự có thể tồn tại đến chín ngày trong điều kiện lý tưởng. Đây là thông tin đáng ngại, vì virus cúm chỉ có thể sống được 24 giờ trên bề mặt cứng. Tuy nhiên, cơ quan Y tế công cộng Anh quốc (PHE) cho rằng, nếu căn cứ những nghiên cứu về virus corona khác như SARS và MERS, “nguy cơ con người nhiễm virus sống từ một bề mặt nhiễm trùng” trong điều kiện sống thực tế “lại giảm đáng kể sau 72 giờ”.
Nói chung, virus tồn tại lâu nhất trên những bề mặt không thấm nước bằng kim loại và plastic – như nắm cửa, kệ bếp, tay vịn. Một khi hiện diện trên tay bạn, virus bắt đầu mất sức mạnh, chỉ tồn tại đủ cho đến khi bạn chạm tay vào mặt. Cần nhiều nghiên cứu về virus corona, nhưng một nghiên cứu về virus rhino gây bệnh cảm lạnh, cho thấy khi nhiễm vào bàn tay người thì 1 giờ sau đó 40% virus vẫn còn hiện diện và sau 3 giờ tỷ lệ này còn 16%.
Vì lý do trên, các bác sĩ luôn kêu gọi mọi người rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Trong dịch SARS trước đây, rửa tay giúp giảm nguy cơ lây nhiễm từ 30 – 50%. Nhưng theo bác sĩ Sawyer, tránh chạm tay vào mặt cũng là điều nên làm. Ông nói: “Bàn tay bạn chỉ sạch cho đến trước khi bạn chạm vào một bề mặt kế tiếp. Khi chạm vào nắm cửa hay tay vịn, bạn sẽ làm tay tái nhiễm với một tác nhân nào đó. Nếu chạm tay lên mặt, bạn lại có thể nhiễm bệnh. Vì thế, điều cần làm là đừng chạm tay lên vùng chữ T”.
Nhưng không dễ thực hiện. Một vài người cho biết càng nghĩ nhiều về nó, con người càng… chạm tay lên mặt. Trên mạng xã hội nhiều người cũng cho biết bất chấp những cảnh báo về nguy cơ của virus corona, họ vẫn không thể dừng đưa tay lên mặt. Vì sao như thế? Một khảo sát tại Đức gợi ý hành động này có tác dụng làm giảm stress và kiểm soát cảm xúc con người.
Để bỏ thói quen chạm tay lên mặt, người ta đề nghị dùng khăn giấy nếu cần ngoáy mũi hay dụi mắt. Trang điểm mặt cũng giảm được thói quen này, vì một nghiên cứu cho thấy phụ nữ sẽ ít chạm tay vào mặt nếu họ có khuôn mặt trang điểm. Một giải pháp khác là nhận diện những yếu tố gây khó chịu mặt bạn như khô da, mắt ngứa và sử dụng kem làm ẩm hay thuốc nhỏ mắt để giải quyết, như thế bạn không phải dùng đến bàn tay.
Đeo kính cũng giảm nguy cơ chạm tay lên mặt vì kính giống hàng rào bảo vệ mắt. Mang găng tay cũng là một cách hay vì bạn không dễ dụi mắt, ngoáy mũi khi… mang găng. Dĩ nhiên găng tay cũng có thể bị nhiễm mầm bệnh, nhưng virus lại không sống lâu
trên vải hay da.
Dương Cầm (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Gần 3.600 loại thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế được gia hạn lưu hành
Ngân hàng tinh trùng HIV+ để giảm kỳ thị với người có HIV
Bộ Y tế đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 1.151 điều kiện kinh doanh
Hội chứng ‘Rapunzel’
Mỹ có thêm vắc xin ngừa Covid-19 mới, hiệu quả 94,5%
Tags:chạm tay vào mặt
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này