
17:03 - 07/07/2018
Không hút thuốc, vẫn ung thư phổi
Nói đến ung thư phổi (UTP), người ta nghĩ ngay đến thủ phạm là thuốc lá. Nhưng vấn đề đặt ra, vẫn có những người sống lành mạnh, giữ gìn sức khoẻ tốt, đặc biệt là không hút thuốc mà vẫn bị UTP. Điều này được giải thích thế nào?
Nguy cơ hút thuốc thụ động
Năm qua, khi được bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chẩn đoán mắc UTP, bà N.T.T, 62 tuổi, ngụ tại Vũng Tàu, cứ thắc mắc với bác sĩ điều trị: “Tôi không hút thuốc lá, ăn ngủ điều độ, nhà lại gần biển nên không khí trong lành, vậy tại sao bị UTP được?”
Bà T. thắc mắc đúng, bởi các nghiên cứu trên thế giới cho thấy khoảng 85% trường hợp UTP liên quan đến hút thuốc.Chưa hết, người ta cũng thấy những ai hút thuốc nhưng bỏ thuốc, đặc biệt là bỏ càng sớm, thì nguy cơ mắc UTP giảm đi rõ rệt.
Theo báo cáo của Globocan, dự án của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), UTP là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới, với 1,8 triệu ca mắc mới hàng năm (báo cáo sau cùng năm 2012). Ở Việt Nam, UTP cũng chỉ đứng sau ung thư gan trong danh sách các loại ung thư phổ biến nhất ở cả nam, nữ. Nhưng đáng nói UTP tại nước ta đang tăng nhanh. Vào năm 2000, cả nước chỉ có 6.900 ca mắc mới mỗi năm, 13 năm sau, con số này là 22.000!
Khác với một số bệnh ung thư mà nguyên nhân gây bệnh khá mù mờ, khi nói đến UTP người ta nghĩ ngay đến thuốc lá và nam giới phải bị nhiều hơn nữ. Thế nhưng, theo nhà báo Naomi Elster của BBC, suy nghĩ này có hai điểm chưa đúng. Đầu tiên, số ca UTP không giảm trên thế giới bất chấp những nỗ lực bài trừ thuốc lá. Trong khi đó, trên toàn cầu, nếu số ca nam giới UTP giảm đi trong 20 năm qua, thì số ca nữ giới mắc bệnh này lại tăng 27%.
Các nhà nghiên cứu chưa biết tại sao, nhưng vài người gợi ý rằng phụ nữ phản ứng với nicotine của thuốc lá theo một cách khác và DNA của phụ nữ dễ bị tổn thương, cũng như tổn thương nặng hơn khi tiếp xúc với các chất sinh ung thư trong thuốc lá.
Sự gia tăng UTP ở nữ giới cũng được lý giải một phần do chiến thắng của phong trào bình đẳng giới. Nữ giới ngày nay hút thuốc không thua nam giới, bởi thế người ta nhận thấy ở quốc gia nữ quyền phát triển mạnh, tỷ lệ hút thuốc nữ giới còn nhiều hơn cả nam giới.
Điểm chưa đúng khác về mối liên quan giữa UTP và thuốc lá là có khoảng 5 – 10% người bị UTP chưa lần nào hút thuốc trong đời. Một khảo sát trên những bệnh nhân UTP điều trị bằng phẫu thuật ở Anh từ năm 2008 – 2014, cho thấy 67% số người không bao giờ hút thuốc là nữ giới.
Như thế, không hút thuốc không bảo đảm tránh được UTP. Trong trường hợp này, một giải thích khả dĩ là tình trạng hút thuốc thụ động. Bởi thế một nghiên cứu tại Anh cho thấy người vợ nào có chồng hút thuốc nhiều thì nguy cơ UTP của họ cũng tăng lên. Bà T. nói ở trên là minh chứng.Sau khi tìm hiểu kỹ, bác sĩ mới biết chồng bà từng hút cả bao thuốc lá mỗi ngày trong suốt 30 năm trời.
Ô nhiễm không khí, không ai tránh được
Kể từ tháng 4 năm nay, người xem truyền hình khá quen thuộc với một clip quảng cáo phòng chống tác hại thuốc lá do bộ Y tế và tổ chức Chăm sóc sức khoẻ toàn cầu (Vital Strategies) phối hợp thực hiện. Thông điệp đưa ra là không được hút thuốc lá nơi công cộng, vì có thể gây hại cho người chung quanh bởi hút thuốc thụ động.
Đáng lưu ý nguy cơ này, bởi theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ UTP của người không hút thuốc lên 20 – 30% và gây ra 430.000 ca tử vong mỗi năm trên thế giới, 64% số đó là phụ nữ.
Báo cáo của WHO viết: “Phụ nữ và trẻ em lại không đủ quyền lực để tạo ra một không gian không khói thuốc, trong đó có ngôi nhà mà họ sinh sống”. Vai trò giới tính không chỉ thể hiện như thế. Chẳng hạn tại Trung Quốc, việc sử dụng than, củi nấu nướng và sưởi ấm trong nhà cũng làm tăng nguy cơ UTP ở phụ nữ không hút thuốc.
Nhưng trong nhiều năm gần đây, người ta ngày càng nói nhiều đến nguy cơ ô nhiễm không khí. IARC ước tính hàng năm có 223.000 ca tử vong vì UTP có liên quan đến bụi PM 2.5, loại bụi siêu mịn thải ra từ xây dựng và động cơ xe. Hơn một nửa số chết này ở Trung Quốc và các nước Đông Á, nơi bùng nổ công nghiệp hoá và tạo ra những thành phố sương mù.
Cơ quan nghiên cứu ung thư Anh quốc nhấn mạnh: “Nguy cơ UTP do ô nhiễm không khí không nhiều, nhưng nó lại rất quan trọng vì bạn không thể tránh được nó. Không ai có thể cô lập mình tránh xa bầu không khí (ô nhiễm) bên ngoài”.
Thế nhưng bất chấp cảnh báo của khoa học về những nguy cơ không liên quan đến thuốc lá, nhiều người không hút thuốc vẫn có “cảm giác an toàn sai lầm” về UTP. Một khi thấy mình khó mắc UTP, họ dễ chủ quan với những triệu chứng bệnh và chỉ được chẩn đoán khi bệnh… tiến triển xa.
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, chuyên gia ung thư Việt Nam, UTP sớm có thể không có triệu chứng đặc hiệu. Mới đầu là ho hung hắng và dai dẳng. Rồi tới sưng phổi, nặng ngực, sụt cân vô cớ, chán ăn, mệt mỏi. Về lâu càng xấu hơn, bệnh nhân sẽ đau vai, đau lưng thường xuyên, ho ra máu, thở ngắn, khàn tiếng, đàm dính máu… “Khi phát hiện lúc UPT còn khu trú, tỷ lệ sống còn năm năm là 50%, thế nhưng chỉ có 15% là được chẩn đoán sớm”, ông nói.
UTP liên quan và không liên quan đến thuốc lá rất có ý nghĩa, vì trong mỗi trường hợp các gien bị thay đổi một cách khác nhau.Đối với người không hút thuốc, UTP thường gây ra bởi những biến đổi của gien EGFR (còn gọi là UTP có đột biến gien), và những trường hợp này có thể được điều trị hiệu quả bới các loại thuốc nhắm trúng đích.
An Nhiên (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này