09:47 - 22/06/2019
Khi thầy thuốc khóc
Ngày nay, bước vào bất kỳ một bệnh viện lớn nào người ta có thể bắt gặp hai hình ảnh quen thuộc: bệnh nhân quá tải và nhân viên y tế tất bật.
Trong bối cảnh đó, dường như chỉ có chỗ cho công việc và thiếu chỗ cho tình người.
Bạn tôi, một bác sĩ ngoại khoa lâu năm, cho biết lâu rồi anh không còn chứng kiến những giọt nước mắt của bác sĩ, điều dưỡng trước sự mất mát của bệnh nhân. Anh nói: “Trước đây khi còn là sinh viên thực tập, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy cảnh đàn anh, đàn chị của mình đi tìm một góc khuất nào đó để khóc trước sự ra đi của bệnh nhân. Hình ảnh đó ấn tượng và làm tôi thêm yêu mến ngành y”.
Bởi lẽ đó, trước câu chuyện hơn 20 y, bác sĩ phía Bắc bật khóc sau ca mổ lấy thai cho một sản phụ ung thư giai đoạn cuối hồi tháng qua, bạn tôi thốt lên: “Đó là hình ảnh nhân văn quen thuộc của thầy thuốc, dù đâu đó ngành y chúng tôi vẫn còn những chuyện không hay”.
Nghe PGS.TS Trần Danh Cường, giám đốc bệnh viện Phụ sản trung ương, người tham gia ca sinh hôm đó chia sẻ, nhiều người không khỏi xúc động. Ông nói: “Nhìn sản phụ ngồi nghiêng, cúi người để thở, tôi cảm thấy sự sống của chị rất mong manh và chị có thể ra đi bất kỳ lúc nào. Vậy mà chị vẫn gắng gượng, dồn hết chút sức lực cuối cùng để đón con chào đời”.
Thầy thuốc cũng là con người, nhỏ lệ trước mất mát, đau thương cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình khi cho rằng trong công việc người bác sĩ không nên để cảm xúc chen vào, vì có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của những quyết định chuyên môn.
Một trong những người nêu suy nghĩ trên chính là Sir William Osler (1849 – 1919), ông tổ của ngành y hiện đại, khi là người đầu tiên xây dựng chương trình huấn luyện cho bác sĩ tại bệnh viện, chứ không phải trong giảng đường với mớ lý thuyết khô khan. Trong bài nói chuyện có tên Aequanimitas, ông nói với sinh viên: “Điều cốt lõi hàng đầu là bạn phải có thần kinh tốt và tập luyện sao cho những trung tâm thần kinh của mình không co giãn làm ảnh hưởng đến mạch máu trên gương mặt mỗi khi thực hành nghề nghiệp”.
Bác sĩ William Osler có thể có lý khi dạy sinh viên như thế, nhưng nhiều hậu sinh của ông dường như không nghe theo, và một số nghiên cứu khoa học thời nay cũng chứng minh suy nghĩ của bậc tiền bối không đúng. Một nghiên cứu vào năm 2009, cho thấy 69% sinh viên y khoa và 74% bác sĩ nội trú (nữ gấp đôi nam) thừa nhận mình từng khóc vì những lý do nghề nghiệp, như bệnh nhân ra đi.
Trong một bài viết đăng trên The New York Times đầu năm nay có tựa đề: Một bác sĩ dễ thương có điều trị tốt hơn không?, bằng những nghiên cứu của mình, Lauren Howe và Kari Leibowitz, hai chuyên gia tâm lý xã hội của đại học Stanford, cho thấy một bác sĩ tận tâm, biết an ủi và kết nối với bệnh nhân, sẽ mang lại những kết quả điều trịtốt hơn một bác sĩ nghiêm nghị, kiệm lời.
Tương tự, trong một bài viết đăng trên The Washington Post, bác sĩ ung thư học Jalal Baig kể về bệnh nhân của mình, 31 tuổi, cha ba đứa con, đang đối mặt với chứng ung thư não giai đoạn cuối. Cũng là người cha trẻ, bác sĩ Baig khó chấp nhận chuyện một người chuẩn bị ra đi ở tuổi quá trẻ như thế.Và dù nhiều năm cố gắng trở thành một bác sĩ cứng rắn trong nghề nghiệp, bác sĩ Baig cũng phải khóc.
Ông viết: “Khóc là biểu hiện nhân văn của người thầy thuốc, một tín hiệu cho thấy bệnh tật là trải nghiệm cần chia sẻ. Bởi thế không ngạc nhiên khi bệnh nhân luôn muốn được chăm sóc bởi những bác sĩ cảm nhận sâu sắc cảm xúc của họ, và kết quả điều trị cũng sẽ tốt hơn khi bác sĩ biết chia sẻ cảm xúc khi chăm sóc bệnh nhân”.
Năm 2015, hình ảnh một nam bác sĩ cấp cứu tại California trong chiếc áo blouse trắng đổ sụp người ven đường, đã làm lay động lòng người, ông ta khóc vì bất lực khi chứng kiến bệnh nhân của mình ra đi. Hình ảnh này lan truyền chóng mặt trên mạng và khắc hoạ lại một giá trịnhân văn của ngành y: chia sẻ và cảm thông.
Sir William Osler đúng khi nhận định “Y khoa là bất định”, và dạy sinh viên cần giữ thần kinh thép khi hành nghề, nhưng hậu sinh của ông, bác sĩ Jalal Baig, lại viết: “Bài học ở đây thật đơn giản: Dù chúng ta luôn điều trị bệnh nhân bằng chiếc ống nghe, nhưng đôi lúc chỉ bằng con tim nhỏ lệ dưới chiếc áo blouse trắng, chúng ta lại có thể chữa lành họ thật sự”.
“Dù chúng ta luôn điều trị bệnh nhân bằng chiếc ống nghe, nhưng đôi lúc chỉ bằng con tim nhỏ lệ dưới chiếc áo blouse trắng, chúng ta lại có thể chữa lành họ thật sự” – bác sĩ Jalal Baig
Bình Yên (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Triệu chứng Covid-19 có thể kéo dài đến 9 tháng
PFAS, độc chất chưa được cảnh báo đúng mức
Bộ Y tế khuyến cáo về sử dụng kết hợp 2 loại vắc xin phòng Covid-19
Công nhân sẽ có những bữa ăn chất lượng hơn
TPHCM thí điểm lọc thận nhân tạo ngay tại trạm y tế phường
Tags:bác sĩthầy thuốc
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này