22:42 - 25/05/2018
Khai tử trans fat trong thực phẩm chế biến
Cách đây 100 năm, khi Paul Sabatier (Pháp) và Wilhelm Normann (Đức) tìm ra phương pháp hydrô hoá và cách chế tạo trans fat, họ không ngờ đến một ngày con người phải tận diệt chất béo này, đơn giản vì nó khiến 500.000 người tử vong/năm vì bệnh tim mạch.
Loại bỏ trước năm 2023
Trên website của mình, tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi công chúng bình luận về bản nháp “Hướng dẫn thu nạp trans fat và axít béo bão hoà ở người lớn và trẻ em”. Đây được xem là một lời “tuyên chiến” mạnh nhất từ trước đến nay, bởi WHO muốn loại bỏ trans fat (axít béo chuyển hoá) khỏi những thực phẩm chế biến trên toàn cầu trước năm 2023.
Không thể khác hơn vì trans fat là thủ phạm hàng đầu gây bệnh tim mạch, khiến 500.000 ca tử vong/năm, phần lớn ở các nước đang phát triển. Chiến dịch của WHO được đồng hành bởi Vital Strategies, tập đoàn sức khoẻ toàn cầu có sự hỗ trợ của Michael Bloomberg, người vào năm 2006 khi là thị trưởng TP New York, lần đầu tiên kêu gọi loại bỏ trans fat khỏi nước Mỹ.
Theo TS Thomas R. Frieden, nguyên uỷ viên y tế TP New York, nỗ lực của WHO là giải pháp ít tốn kém cho những nước đang phát triển để giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Frieden hiện là chủ tịch của Resolve to Save Lives, trực thuộc Vital Strategies, tập trung vào việc loại bỏ trans fat khỏi thực phẩm chế biến trên toàn cầu. Ông nói: “Nếu thế giới thay trans fat, con người sẽ không thấy sự khác biệt về vị giác, nhưng trái tim của bạn lại biết đến sự khác biệt”.
Những năm qua một số quốc gia đã bắt đầu hạn chế hoặc loại bỏ trans fat như Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Canada, Anh quốc và Hoa Kỳ. Gần nước ta, Thái Lan cũng sẽ làm điều tương tự trong vài tuần tới. Nhưng ngoài Thái Lan, nhiều nền kinh tế mới nổi, đặc biệt ở vùng Nam Á, lại bình chân như vại, vì chính phủ chưa nhận thức được tác hại của trans fat.
Ở Ấn Độ, trans fat thường ở dạng vanaspati, một loại dầu ăn rẻ tiền thường được dùng đi dùng lại nhiều lần tại nhà hàng và quầy bán thức ăn đường phố. Theo giới khoa học, việc xử lý nhiệt vanaspati nhiều lần khiến nó nguy hiểm bội phần và góp phần làm tăng vọt bệnh tim mạch. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nutrition, cho thấy nam giới Pakistan có nguy cơ tử vong vì nhồi máu cơ tim cao hơn 62% so với nam giới nước Anh!
Bỏ trans fat để sống khoẻ
Phổ biến trong những năm 1950 vì được xem là sản phẩm thay thế lành mạnh cho chất béo bão hoà, nhưng đến một ngày người ta nhận ra trans fat lại liên quan đến chứng đột quỵ não và nhồi máu cơ tim. Chưa kể nó còn làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường type 2 và chứng vô sinh phụ nữ.
Ra đời vào đầu thế kỷ 20, trans fat được tạo ra bằng cách hydrô hoá dầu thực vật, khiến chúng săn chắc hơn, kéo dài thời gian sử dụng và sản phẩm làm ra đẹp đẽ hơn. Thế nhưng trans fat lại làm tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt.
Loại bỏ trans fat giúp người ta tránh xa nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch. Một nghiên cứu công bố năm qua trên tạp chí American Medical Association, cho thấy những người dân sống ở các khu vực của TP New York đã loại bỏ trans fat cách đây ba năm hay lâu hơn, giảm được đáng kể nguy cơ đột quỵ não và nhồi máu cơ tim. Ở Đan Mạch, quốc gia đầu tiên loại trans fat khỏi thực phẩm chế biến, cứ 100.000 người dân, mỗi năm có 14,2 người thoát chết vì bệnh tim mạch.
Thực tế, theo TS Francesco Branca, trưởng bộ phận dinh dưỡng của WHO, rất dễ chuyển đổi trans fat thành dầu ăn có lợi cho sức khoẻ và người tiêu dùng sẽ không nhận thấy khác biệt nào. “Đây là mục tiêu dễ đạt để phòng ngừa bệnh tim mạch và không tốn kém nhiều, nếu nhà quản lý thực sự muốn làm”.
Tại Mỹ, trước khi cơ quan Kiểm soát thực phẩm và thuốc men (FDA) tuyên bố sẽ loại bỏ trans fat cách đây ba năm, phần lớn hãng chế biến thực phẩm bắt đầu giảm hoặc dừng sử dụng trans fat trong sản phẩm làm ra. Họ phải làm thế nếu không muốn bị người tiêu dùng tẩy chay. Theo TS Walter C. Willett, GS dịch tễ và dinh dưỡng đại học Y tế công cộng Harvard, sáng kiến của WHO sẽ dẫn đến sự “tuyệt chủng” trans fat trong tương lai gần. Nhưng ông nói: “Ngay cả khi không đạt được điều này, nỗ lực của WHO cũng khiến các chính phủ trên thế giới phải nghiêm túc hành động theo lời khuyên của họ”.
Vào những năm 1970, TS Willett là một trong những người đầu tiên báo động về tác hại của trans fat. Dĩ nhiên ông gặp phải sự phản kháng của nhiều công ty chế biến thực phẩm.Nhưng dù sao nỗ lực của ông và mọi người cũng đã có kết quả. Ngày 18.6.2018 tới, quy định loại bỏ trans fat của FDA chính thức có hiệu lực. Để kỷ niệm sự kiện này, ông dự định làm một chiếc tháp hoàn toàn bằng chất béo chuyển hoá rồi… đập bỏ nó. Thế nhưng ông nói vui với phóng viên tờ The New York Times: “Chúng tôi tìm mua trans fat, nhưng giờ đây không tìm thấy nó bán ở đâu cả”.
WHO xem xét hành động trong tuần này
Tại cuộc họp đại hội đồng sức khoẻ thế giới thứ 71 của WHO diễn ra từ 21 – 26/5/2018, kế hoạch loại bỏ trên phạm vi toàn cầu trans fat trong thực phẩm công nghiệp sẽ được xem xét thấu đáo. Đây là một phần của Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc nhằm giảm tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm còn 1/3 vào năm 2030. Có hai nguồn trans fat: nguồn tự nhiên trong các sản phẩm sữa và thịt động vật nhai lại như bò, cừu; và nguồn thực phẩm chế biến công nghiệp. Chế độ ăn nhiều trans fat, theo WHO, làm tăng 21% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và 28% nguy cơ tử vong.
Châu Giang (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này