
18:11 - 14/12/2018
Đánh cược số phận để có con
Xinh xắn, khoẻ mạnh như mọi em bé khác, nhưng Luisa lại là trường hợp đầu tiên chào đời từ tử cung một người hiến tạng qua đời.
Trả lời độc quyền tờ Daily Mail (Anh) tuần qua, những người trong cuộc hé lộ hành trình gian nan và nguy hiểm này.
Khao khát làm mẹ
Tại một căn hộ tồi tàn trong khu phố nghèo của Guarulhos, ngoại ô TP Sao Paulo, phía đông nam Brazil, vợ chồng anh Claudio Santos và chị Fabiana Amorim de Lima đã sống chung với nhau từ năm 2012.
Là chuyên viên tâm lý, vài tuần trước khi lập gia đình, khi đi khám sức khoẻ Fabiana mới biết mình mắc hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser (MRKH), căn bệnh khiến chị vô sinh vì không có tử cung. Chị chia sẻ: “Tôi 28 tuổi, từ nhỏ đến lớn tôi không hành kinh lần nào, nhưng tôi lại không mấy quan tâm và đi kiểm tra để tìm hiểu lý do”.
Dù không có tử cung, nhưng bác sĩ nói Fabiana vẫn có trứng như mọi phụ nữ khác. Không cơ hội có con, nhưng đôi uyên ương vẫn quyết định lấy nhau, bởi anh Claudio cho rằng dù gì mình vẫn có thể xin con nuôi.
Một năm rưỡi đầu tiên của cuộc sống chung là thời gian khó khăn nhất của hai người. Sau khi tìm hiểu khả năng ghép tử cung với quá nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng, anh Claudio thuyết phục vợ xin con nuôi, nhưng Fabiana lại muốn mang thai như mọi phụ nữ khác. Chị nói: “Tôi muốn trải nghiệm quá trình mang thai, nhìn thấy đứa con qua siêu âm và được mang nặng đẻ đau. Dù nguy hiểm thế nào tôi cũng chấp nhận những trải nghiệm đó”.
Họ bắt đầu tìm hiểu về hội chứng MRKH và gia nhập một nhóm Facebook kín của những phụ nữ cùng cảnh ngộ để chia sẻ.Năm 2015, nhóm biết được các nhà nghiên cứu bệnh viện das Clinicas ở Sao Paulo tìm kiếm tình nguyện viên cho thử nghiệm ghép tử cung đầu tiên từ người cho chết.Mười cặp vợ chồng đăng ký, Fabiana và Claudio được bệnh viện chọn lựa và trả mọi chi phí.
Tháng 2/2016, Fabiana bắt đầu điều trị thụ tinh trong ống nghiệm. Bác sĩ lấy 16 tế bào trứng của chị cho thụ tinh với tinh trùng của Claudio, từ đó chọn ra tám phôi thai tốt nhất bảo quản lạnh rồi chờ một người hiến tử cung phù hợp. Tháng ngày chờ đợi dằng dặc với nhiều cảm xúc, một mặt Fabiana muốn nhanh chóng có được tạng ghép, mặt khác chị đau khổ vì biết rằng như thếsẽ có một gia đình mất người thân yêu.
Tháng 9/2016, bác sĩ thông báo có thể tiến hành ghép tử cung vì một phụ nữ 45 tuổi chết não vừa đồng ý hiến tạng. Cuộc chạy đua với thời gian bắt đầu, trong khi một nhóm bác sĩ phải lấy tử cung thật nhanh trước khi người hiến chết thật sự thì một nhóm bác sĩ khác lại chuẩn bị cho Fabiana có tử cung.Quá trình diễn ra trong 11 giờ, hoàn toàn suôn sẻ và Fabiana xuất viện một tuần sau. Trong vài tuần tiếp theo, Fabiana bắt đầu hành kinh như mọi phụ nữ bình thường.
Bảy tháng sau, bác sĩ rã đông một phôi thai và đặt vào tử cung mới của Fabiana để nó lớn lên. Đó là giây phút kỳ diệu nhất trong đời, chị không bao giờ nghĩ mình có được khả năng làm mẹbởi mắc căn bệnh quá đặc biệt.
Hy vọng cho nhiều người
Hội chứng MRKH là một bất thường bẩm sinh, bệnh nhân không phát triển âm đạo và tử cung dù di truyền giới tính và buồng trứng vẫn hoạt động bình thường. Một số người còn có thêm bất thường ở thận, xương, tai và tim.
Tại Việt Nam, một số bác sĩ hiếm muộn cho biết cũng bắt gặp bệnh nhân bị hội chứng MRKH, vì thống kê cho thấy cứ 5.000 bé gái chào đời khoẻ mạnh có một bé mắc bệnh. Đối với những phụ nữ vô sinh vì không có tử cung, bác sĩ chỉ biết khuyên họ xin con nuôi hoặc nhờ mang thai hộ.
Nhưng vài năm qua thế giới bắt đầu ghép tử cung để giải quyết những tình trạng không có tử cung do hội chứng MRKH, ung thư và các bệnh khác. Đã có 11 em bé ra đời từ giải pháp này, nhưng tất cả người hiến tử cung đều là người sống, gần huyết thống với bệnh nhân. Tại Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hoà Séc, người ta cũng thử ghép tử cung từ người cho chết, nhưng mười ca đều thất bại.
Vì thế trong chín tháng mang thai, Fabiana và chồng luôn sống trong lo lắng vì sợ trường hợp mình cũng thất bại, và nếu thành công, không biết em bé ra đời có bị ảnh hưởng sức khoẻ gì không, bởi trong ba tháng đầu tiên mỗi ngày Fabiana phải uống đến 14 loại thuốc khác nhau, trong đó có thuốc ức chế miễn dịch với nhiều tác dụng phụ.
Tuy nhiên thời điểm sinh nở cũng đến. Ngày 15/12/2017, lúc thai 35 tuần, bác sĩ cho Fabiana sinh mổ đồng thời cắt bỏ luôn tử cung để chị không phải dùng thuốc ức chế miễn dịch nữa. Trong vài ngày đầu tiên, Claudio khá vất vả vì vừa chăm con và cho con bú, nhưng anh thật hạnh phúc.
Anh nói: “Khi con lớn, tôi sẽ kể cho nó nghe về sự quyết tâm và can đảm của mẹ nó, về hành trình kỳ diệu mẹ đã đi qua để đưa nó ra đời. Hành trình mà Fabiana với hơn 100 lần đi bệnh viện, thực hiện vô số xét nghiệm và gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý hàng trăm lần để tư vấn. Tôi không giấu con điều gì, ngay cả sự thật là nó lớn lên trong tử cung của một phụ nữ đã qua đời”.
Ca bệnh được đăng trên tạp chí The Lancet tuần qua. Ở thời điểm nghiên cứu viết ra, bé Luisa được bảy tháng 20 ngày, nặng 7,2 ký và vẫn bú mẹ. TS Dani Ejzenberg, người chủ trì nghiên cứu, nói: “Do nguồn hiến từ người cho sống quá ít, nên thành công này mở ra hy vọng cho nhiều phụ nữ hưởng lợi từ ghép tử cung của người cho chết”.
Trong khi đó, TS Srdjan Saso, đại học Hoàng gia London (Anh), nói: “Chỉ có một ca mang thai thành công sau ghép tử cung từ người cho chết vào năm 2011, nhưng cuối cùng cũng thất bại vì bệnh nhân sẩy thai. Từ đó y học nghi ngờrằng giải pháp này không thể thành công”.
Châu Giang (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này