
12:05 - 31/03/2019
Còn xem nhẹ công tác xã hội bệnh viện
Ngày 25/3 hàng năm được chọn là Ngày công tác xã hội Việt Nam. Từ chỗ ít ai biết đến, nhân viên công tác xã hội (CTXH) đang định hình và phát huy vai trò của mình, đặc biệt ở các bệnh viện.
Nhưng so với nhu cầu thực tế, CTXH bệnh viện vẫn còn một khoảng cách.
Sở dĩ CTXH có mặt ở nhiều bệnh viện hiện nay vì theo quy định của bộ Y tế, đến hết năm 2020 100% bệnh viện trung ương, 60% bệnh viện tỉnh và 30% bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện phải có phòng CTXH. Mô hình CTXH bệnh viện phát triển nhanh còn bởi nó đóng vai trò chính trong việc vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ bệnh nhân nghèo, qua đó giảm bớt khó khăn cho bệnh viện khi phải dùng nguồn quỹ cơ sởđể làm việc này như trước đây.
Vừa qua, nhân kỷ niệm Ngày CTXH Việt Nam, ThS Lê Minh Hiển, trưởng phòng CTXH bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong năm 2018 đã có 1.027 nhà hảo tâm giúp đỡ 1.942 lượt bệnh nhân với số tiền 14,5 tỷ đồng, hỗ trợ 4.500 suất ăn miễn phí mỗi ngày, 102 lượt bệnh nhân nhận được nguồn sữa đặc hiệu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vitamin theo phác đồ điều trị.
Trong suy nghĩ của nhiều người, CTXH bệnh viện vẫn được xem là hoạt động từ thiện. Điều đó không sai, nhưng chưa chính xác, vì theo thông tư số 43/2015/TT-BYT của bộ Y tế quy định về nhiệm vụ CTXH trong bệnh viện, phòng CTXH còn phải hỗ trợ, giải quyết những vấn đề tâm lý cho người bệnh và người nhà người bệnh; tổ chức tiếp đón, hướng dẫn người bệnh về quy trình, thủ tục khám chữa bệnh; giải thích, tư vấn về các chế độ chính sách, đặc biệt là chính sách bảo hiểm y tế; kể cả hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế và thực hiện công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.
Một khối lượng công việc khá lớn dành cho phòng CTXH bệnh viện, và thực tế có lẽ không mấy nơi thực hiện trọn vẹn được những nhiệm vụ này.Cản trở lớn nhất vẫn là thiếu người làm chuyên nghiệp. Tại nhiều bệnh viện, đứng đầu phòng CTXH không phải là người có chuyên môn và kinh nghiệm lĩnh vực này, mà là bác sĩ kiêm nhiệm lấy từ các khoa, thậm chí có bệnh viện chọn bác sĩ còn vài năm nghỉ hưu, không thểbổ nhiệm vào vị trí khác.
Nhân viên CTXH bệnh viện cũng thế, rất ít người được học bài bản CTXH từ trường đại học, phần lớn họ vừa học, vừa làm. B., 24 tuổi, nhân viên CTXH của một bệnh viện lớn, cho biết em từ An Giang lên TP.HCM làm việc sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành… nông nghiệp. Em tâm sự: “Ra trường em không đi làm vì thấy nghề mình học không phù hợp. Có người quen giới thiệu, em vào bệnh viện làm nhân viên CTXH và thấy nghề này cũng hay.Sắp tới em dự định học đại học để lấy bằng chuyên ngành này”.
Không chỉ hạn chế chất lượng, đội ngũ CTXH ở các bệnh viện còn thiếu cả số lượng. Theo quy định của bộ Y tế, nhân sự làm CTXH tối thiểu phải chiếm 1 – 2% tổng số nhân lực bệnh viện, chắc chắn không bệnh viện nào đáp ứng được yêu cầu này, đặc biệt khi bệnh viện phải đau đầu với bài toán tự chủ tài chính và nhân sự hiện nay. Để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự, có bệnh viện chọn người không làm được việc hoặc bị kỷ luật ở khoa, phòng khác chuyển về phòng CTXH!
Thế nhưng khó khăn lớn nhất để phát triển nghề CTXH bệnh viện là chương trình đào tạo CTXH ở nước ta còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, vì đây là một ngành khá mới mẻ. Tại một hội thảo về đào tạo nhân lực ngành CTXH hồi tháng 10/2018, một khó khăn được nêu ra là “thiếu nguồn nhân lực tiến sĩ, thạc sĩ giảng dạy, chương trình chưa rõ ràng, trình độ ngoại ngữ của người học và dạy còn hạn chế, hệ thống giáo trình còn thiếu, thiếu cơ sở thực tập và giáo viên hướng dẫn”.
Đó là khó khăn chung trong đào tạo CTXH, chưa kể đào tạo chuyên sâu CTXH trong y khoa, ngành nghề với những đặc thù riêng, hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, phó vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ – bộ Y tế, đến năm 2020 bộ sẽ xây dựng chương trình và hoàn thành tài liệu đào tạo về nghề CTXH trong bệnh viện, sao cho người học có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc khi ra trường.
Bất chấp mọi khó khăn, CTXH bệnh viện đang làm được rất nhiều việc, trở thành cầu nối giữa các nhà hảo tâm và bệnh nhân, giúp nhiều bệnh nhân vượt qua được số phận nghiệt ngã, vì bản thân và gia đình cạn kiệt tài chính. Nhờ các hoạt động CTXH mà nhiều bệnh viện – đặc biệt là bệnh viện công – đang tạo ra được một hình ảnh nhân văn trong mắt người dân, mang lại sự hài lòng ngày càng nhiều cho bệnh nhân, từ đó nâng cao vị thế đối với cộng đồng. CTXH bệnh viện là một nghề còn nhiều tiềm năng, nhưng để đáp ứng được yêu cầu thực có lẽ còn cần nhiều giải pháp khác nhau.
bài, ảnh Châu Giang (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này