10:21 - 18/11/2017
Cảnh báo cúm gia cầm lan tràn ở châu Á
Đã có gần 1.600 người dương tính với virus cúm H7N9 ở Trung Quốc từ tháng 10/2016 đến nay, trong đó 40% bệnh nhân tử vong.
Đa số các ca nhiễm đều tiếp xúc với gia cầm sống, nhưng một số ít trường hợp có thể nhiễm từ người sang người, nếu thế đây có thể là một đại họa.
Tháng qua, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ công bố một số dấu hiệu đáng lo ngại về virus H7N9, theo đó chúng tỏ ra độc hại hơn với gia cầm và như thế sẽ rất nguy hiểm với người. Gần một nửa số ca nhập viện ở Trung Quốc trong 4 năm qua tập trung vào năm 2016, tình trạng được mô tả là “đợt sóng nhiễm H7N9 thứ 5”.
Theo tờ South China Morning Press, chủng virus cúm H7N9 hiện tại đã lưu hành khắp Trung Quốc từ năm 2013 và mới đây đã “tách” thành hai biến thể mới có tên là Yangtze và Pearl, và đề kháng với các loại vắc xin ngừa hiện nay.
Các thử nghiệm cho thấy virus hoàn toàn có khả năng lây lan từ gia cầm sang những động vật khác, trong đó có con người, đây là yếu tố dẫn đến một đại dịch toàn cầu.
Phát hiện mới nhất của TS Yoshihiro Kawaoka thuộc đại học Wisconsin (Hoa Kỳ) cho thấy dòng virus H7N9 Trung Quốc có thể giết chết chồn và làm lây lan bệnh giữa chúng. Bởi bệnh cúm ở chồn gần giống với bệnh cúm ở người, nên điều này “không tốt cho sức khỏe công cộng”, Kawaoka nhận định như thế.
Năm 1918, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã giết chết hàng triệu người trên thế giới. Vì sự bộc phát của cúm không thể tiên đoán được, nên các chuyên gia đang phát đi cảnh báo để mọi người đừng lơ là.
Năm 2005, đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 đã ảnh hưởng nhiều nước trên thế giới. Hàng triệu gà, vịt đã nhiễm bệnh và chết, và sau đó bệnh cũng lan đến người. Đến nay, H5N1 vẫn lưu hành chủ yếu ở Ai Cập và Indonesia nhưng không gây ra dịch bệnh cho người. Tháng qua, có 860 người ở 16 quốc gia nhiễm virus H5N1, hơn một nửa số họ đã tử vong.
Châu Giang (theo NYT)
Theo Thời Đại
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này