
13:22 - 04/04/2020
Bớt lo âu, căng thẳng thời dịch bệnh
Chứng kiến số ca mắc, tử vong vì Covid-19 gia tăng mỗi ngày trên toàn cầu cùng những hậu quả của dịch bệnh này, nhiều người không khỏi lo âu, căng thẳng.
Nhưng theo các nhà chuyên môn, tâm trạng này không tốt vì có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ.
Catherine Belling, phó giáo sư trường y khoa Feinberg của đại học Northwestern (Hoa Kỳ), so sánh như thế khi trả lời phỏng vấn đài ABC News trong tháng qua. Nghiên cứu về vai trò của sợ hãi và sự bất định trong giới y khoa, theo Belling con người lo lắng về nCovi cũng là thường tình, vì “ngay cả giới khoa học còn chưa hiểu rõ đầy đủ và chính xác những gì về nó”.
Bà nói: “Có sự khác nhau giữa lo lắng, lo âu, sợ hãi và hoảng sợ. Hoảng sợ là một phản ứng sợ hãi vô lý, khi đó phản ứng của cơ thể và những đáp ứng của adrenaline vượt quá khả năng đánh giá tình huống một cách lý lẽ. Nếu tránh được hoảng sợ thì rất tốt”.
“Lo âu lan nhanh hơn virus”
Giáo sư Baruch Fischhoff, chuyên gia nghiên cứu hành vi con người, cũng đồng tình: “Sợ hãi và lo âu là hợp lý, vì những hiểu biết về virus mới của khoa học còn ít ỏi và chúng ta chưa biết chắc hậu quả sức khoẻ khi nhiễm virus này ra sao, cũng như ảnh hưởng xã hội như thế nào”.
Nhằm trấn an nỗi sợ hãi của công chúng về Covid-19, một số nhà chuyên môn đã so sánh số tử vong của nó so với số tử vong gây ra bởi những nguy cơ quen thuộc thường ngày. Fischhoff nói: “Rõ ràng số chết vì bệnh cúm mùa hay tai nạn giao thông cao hơn, nhưng về mặt khách quan lẫn chủ quan, chúng ta vẫn chưa biết khi nào số chết của Covid-19 dừng lại”.
Để xua tan lo âu, căng thẳng, Paul Slovic, giáo sư về nhận thức nguy cơ của đại học Oregon (Hoa Kỳ), cho rằng con người thường tìm kiếm những câu trả lời ngoài đời thực. Nhưng những tín hiệu đáng ngại như số tử vong gia tăng, tác động kinh tế tiêu cực, việc huỷ bỏ các sự kiện quan trọng, đóng cửa trường học và cách ly xã hội dồn dập xảy đến, lại khiến con người lo âu.
“Con người vốn không giỏi về những con số, nhưng lại giỏi về những câu chuyện”, Beiling nhận định. “Vì thế khi nhìn vào những con số thống kê khô khan, chúng ta không biết phải áp dụng như thế nào, vì con số không gắn kết với óc tưởng tượng của chúng ta theo cùng một cách”.
Trong thực tế, sợ hãi hay lo âu chẳng có gì xấu. Slovic cho rằng mọi cảm xúc đều có lý vì chúng giúp bảo vệ con người, như tránh xa những mối nguy hiểm. Ông nói: “Bạn đừng khoá chặt mọi cảm xúc của mình. Điều quan trọng ở đây là học cách quản lý cảm xúc một cách đúng đắn, chẳng hạn lo lắng sẽ giúp chúng ta biết cách chuẩn bị và phòng ngừa”.
Bí quyết giảm lo âu: lùi xa mạng xã hội
Dĩ nhiên, khi không quản lý được cảm xúc, hậu quả tiêu cực dễ xảy ra. Trong trường hợp Covid-19, theo Belling, sự lan truyền lo âu không kiểm soát tạo ra những vấn đề xã hội như nạn kỳ thị, vì virus truyền từ người sang người; khác xa một căn bệnh dễ gây tử vong như ung thư, nhưng lại không có khả năng lây lan.
Cách kỳ thị người châu Á trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19 ở một số nước phương Tây là thí dụ. Tại Việt Nam, sau ca bệnh mắc nCoV thứ 17 vào đầu tháng 3, không ít người hoảng loạn đi mua lương thực, thực phẩm về tích trữ trong nhà, bất chấp sự trấn an và phản ứng kịp thời của chính quyền.
Đáng nói trong những thứ người ta “vơ vét” về nhà có giấy vệ sinh, sản phẩm chỉ có ích sau khi đi vệ sinh chứ không có tác dụng gì trong phòng chống dịch bệnh.
Fischhoff giải thích: “Đôi lúc chúng ta đi quá xa, để cho lo âu “ngấu nghiến” lý trí và khả năng lắng nghe những khuyến cáo hợp lý của các chuyên gia. Tệ hơn nữa là sự lan truyền thông tin sai trái hoặc tỏ thái độ kỳ thị đối với những đối tượng đặc biệt. Đó là dấu hiệu của tình trạng lo âu bất thường và bệnh lý”.
Trong thời đại số hiện nay, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích to lớn cho con người, nhưng cũng góp phần tạo ra nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ sức khoẻ. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Health Communication năm 2018 cho thấy trong thời dịch bệnh Ebola 2014, tin tức chia sẻ trên mạng xã hội đã tạo ra hoảng sợ và bất định ở con người về bệnh này nhiều hơn báo chí chính thống.
Không khó tìm những thí dụ về nỗi hoang mang, lo âu, hoảng sợ trên mạng xã hội thời Covid-19, từ những status tiêu cực, vô hồn, cho đến các thể loại tin giả, bịa đặt lan đi với tốc độ ánh sáng. Loại “dịch thông tin” (“infodemic”, ghép hai từ “information” – thông tin và “epidemic” – dịch bệnh) này gây ra nỗi sợ hãi đối với Covid-19 trong công chúng, đến nỗi nhà báo Micah Zenko của tờ Foreign Policy (Hoa Kỳ) gọi là… khủng hoảng an ninh quốc gia.
Để xua bớt lo âu, căng thẳng vì dịch bệnh, Zenko khuyên mọi người tránh xa những thông tin trên mạng xã hội, nếu không muốn mình bị “xỏ mũi” hay “tra tấn” vì những thông tin sai lệch. Thay vào đó, ông đề nghị theo dõi các thông tin chính thống từ tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), bộ Y tế.
Trong khi đó, Belling khuyên mọi người cần “suy nghĩ, hành động có lý lẽ hơn và nhận thức rõ khi nào nỗi lo lắng dẫn bạn đến những suy nghĩ tiêu cực”. Ông nói: “Hãy tự giáo dục mình như rửa tay đúng cách, và nghĩ đây là một cơ hội giúp bạn phát triển được những thói quen vệ sinh tốt hơn về lâu dài. Cũng nên kết nối với những người suy nghĩ tích cực, lạc quan, vì qua đó bạn sẽ cân bằng lại những cảm xúc của mình”.
Vô Thường (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này