10:46 - 12/10/2019
Bác sĩ đánh đổi tất cả để cứu mạng nhiều người
Dám nói sự thật về tình trạng lây nhiễm chéo HIV trong khi nhiều người muốn bưng bít và chấp nhận mất mát nhiều thứ quan trọng, câu chuyện về bác sĩ Shuping Wang – qua đời vào ngày 21/9 vừa qua – khiến người ta phải suy nghĩ về vai trò của người trí thức trong cuộc đời.
“Tôi là phụ nữ, không phải đàn ông”
Dù chỉ sống 59 năm, nhưng bác sĩ Wang để lại bài học lớn về tinh thần ngoan cường của người làm khoa học chân chính, chỉ nói sự thật dù sự nghiệp và cuộc sống cá nhân bị đổ vỡ.
Bà Wang sinh ngày 20/10/1959 ở tỉnh Hà Nam, mẹ là một y sĩ thôn quê, còn cha là thầy giáo dạy toán. Thời Cách mạng văn hoá, do từ chối đấu tố cha mẹ nên bà bị đuổi học lúc mới tám tuổi. Người ta kể, do quá ham học nên bà vẫn đến trường, lén nhìn qua cửa sổ xem thầy dạy học cho đến khi sự việc bị phát hiện. Năm 13 tuổi, bà chuyển đi nơi khác sống, được một người chú làm việc trong chính quyền nhận nuôi, cải thành họ Wang, nên lại được đến trường.
Sau khi tốt nghiệp y khoa trong vai trò bác sĩ nghiên cứu về viêm gan, năm 1991 bà đến làm việc ở một trạm tiếp nhận máu của trung tâm phòng ngừa dịch bệnh TP Zhoukou. Tại đây, người ta mua plasma (huyết tương) của người nghèo rồi bán lại cho một công ty dược phẩm nước ngoài để làm ra các sản phẩm chữa bệnh.
Vào năm 1992, nhận thấy nguy cơ nhiễm chéo viêm gan siêu vi C giữa những người cho máu rất lớn do quy trình lấy máu không chặt chẽ, bác sĩ Wang đề nghị cấp trên làm tốt hơn, nhưng họ từ chối vì sẽ phát sinh chi phí, lợi nhuận ít đi. Không chấp nhận, bà tự điều tra và phát hiện tỷ lệ dương tính viêm gan C ở người cho máu lên đến… 84,3%. Bà nói: “Là một bác sĩ, tôi rất lo lắng. Tôi biết viêm gan C và HIV có cùng đường lây truyền. Tôi không muốn ngồi trong nhà và chứng kiến dịch AIDs xuất hiện. Tôi muốn trực tiếp theo dõi và ngăn chặn nó”.
Cảnh báo của bác sĩ Wang đến được bộ Y tế. Vào năm 1993 quy trình hiến plasma được kiểm soát chặt, nhưng bà lại bị chuyển công tác vì người ta nói bà cản trở việc kinh doanh của họ.
Theo đuổi sự việc đến cùng, năm 1995 bác sĩ Wang hé lộ bê bối về người cho máu nhiễm HIV. Cũng vì cấp trên không chịu tầm soát HIV ở người cho máu do cho rằng tốn kém, bà bỏ tiền túi mua test về làm xét nghiệm và phát hiện tỷ lệ dương tính HIV ở người cho máu lên đến 13%. Sau khi báo cáo sự việc lên chính quyền trung ương, cuộc sống của bác sĩ Wang bị đảo lộn hoàn toàn. Người ta muốn bà thay đổi số liệu về dịch HIV ở người cho máu, nhưng bà từ chối. Thế là người ta đập phá các thiết bị của trung tâm xét nghiệm nơi bà làm việc, cắt điện nước, thậm chí còn dùng gậy tấn công bà.
Năm 1996, mọi điểm tiếp nhận máu và plasma khắp Trung Quốc phải đóng cửa để “điều chỉnh”. Khi mở lại, xét nghiệm HIV được bổ sung. Bà nói: “Tôi rất vui vì có thể bảo vệ được người nghèo”. Nhưng nhiều người lại không vui.Tại một hội nghị y tế năm đó, một quan chức cấp cao lên tiếng về “một gã đàn ông làm việc ở một trung tâm xét nghiệm cấp huyện dám báo cáo dịch HIV trưc tiếp lên trung ương”. Ông ta hỏi: “Gã đó là ai?”. Có mặt tại chỗ, bác sĩ Wang đứng lên dõng dạc nói: “Tôi là phụ nữ, không phải đàn ông và tôi đã làm chuyện đó”.
Yêu thương và kiên định
Cuối năm 1996, người ta sa thải bác sĩ Wang. Bà nói: “Tôi mất việc và họ bảo tôi nên ở nhà lo cho gia đình”. Nhưng không chỉ bà, mà chồng bà, một nhân viên của bộ Y tế cũng bị mọi người quấy rầy. Vì điều này, hôn nhân của họ tan vỡ.
Năm 2001, bác sĩ Wang chuyển đến Mỹ tìm việc và nhập tịch dưới cái tên mới bằng tiếng Anh “Ánh Dương” (Sunshine). Cùng năm đó, chính quyền Trung Quốc thừa nhận có hơn nửa triệu người, phần lớn là người nghèo, đã nhiễm HIV sau khi bán máu cho những trung tâm tiếp nhận. Nhiều năm sau, bà tái hôn với Gary Christensen và họ chuyển đến TP Salt Lake City sống.Bà làm việc cho đại học Utah, còn chồng làm việc cho một trung tâm khoa học cộng đồng.
Nhưng dù phải làm việc vất vả để xây dựng lại cuộc sống mới, bà Wang vẫn tiếp tục lên tiếng về câu chuyện dịch AIDs ở một vùng quê tỉnh Hà Nam gây ra bởi sự thờ ơ của chính quyền. Mỗi lần như thế, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của bà ở trong nước lại gặp rắc rối.
Câu chuyện của bác sĩ Shuping Wang là nguồn cảm hứng cho nhà hát Hampstead cho ra vở nhạc kịch Cung điện của Vua địa ngục (The King of Hell’s Palace) ra mắt vào ngày 12/9 vừa qua tại London. Trao đổi với báo chí trước sự kiện này, bà Wang cho biết gia đình và bạn bè của bà ở trong nước bị đe doạ, nhằm gây sức ép để vở kịch không ra mắt.
Khi PV của website nhà hát Hampstead hỏi: “Câu chuyện xảy ra vào những năm đầu 1990, vì sao nó vẫn quan trọng và có ý nghĩa đến ngày nay?”, bà trả lời: “Khi nói lên sự thật tôi đã phải trả giá bằng mất việc, hôn nhân và hạnh phúc tan vỡ, nhưng điều này lại giúp cứu được mạng sống của hàng chục ngàn người. Vở kịch mô tả một vấn đề y tế công cộng có thực đã xảy ra và vẫn có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Điều quan trọng là vấn đề phải được giải quyết theo cách mở, dù nó không phù hợp”.
Bác sĩ Wang có một con gái với người chồng đầu và hai con với người chồng sau. Cả ba đều sống ở Mỹ và đi theo con đường y khoa của bà. Ngày 21/9, bà qua đời vì nhồi máu cơ tim khi đang leo núi cùng người thân. Sau khi nghe tin này, David Cowhig, người bạn thân của bác sĩ Wang, viết: “Bà ấy là một phụ nữ kiên định, tràn đầy lạc quan và yêu thương.” Bà chọn cái tên Ánh Dương có lẽ vì một lý do: Dù bị đối xử thô bạo, nhưng bà vẫn luôn yêu thương và kiên định”.
Dương Cầm (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này