
14:23 - 29/12/2016
Ăn để sướng hay ăn để sợ?
Chúng ta đang sống trong thời đại thực phẩm bị khủng bố – khủng bố từ nhà sản xuất thiếu lương tâm cho đến các phương tiện truyền thông tinh quái (trích “Lời mở đầu” trong quyển Ăn để sướng hay ăn để sợ?).
Nghiên cứu về an toàn thực phẩm không sòng phẳng như ngành dược (dược lực, dược động, tương tác thuốc, liều lượng, tác dụng phụ…) hay ngành y (lâm sàng, điều trị, hiệu quả…). Mọi thứ đều phải rõ ràng. Chữa bệnh không phải chuyện ăn uống.
An toàn thực phẩm chỉ là cách phòng thủ bệnh tật từ xa, hiệu quả không thấy trước mắt, ai nói sao cũng được. Chúng ta thường quên đi tính đa dạng của thực phẩm, và chỉ muốn thấy một vài điểm lợi nào đó của thực phẩm để yên tâm tiêu thụ… quá lố, hay uống một viên thần dược là bổ nguyên ngày. Không ai muốn nhìn thấy mặt sau của thần dược.
Các hãng thực phẩm chức năng là bậc thầy khai thác những điểm lợi này. Với họ, cái gì tốt cho chuột đều tốt cho người. Cái gì mơ hồ đều là có thể. Cái gì có thể nghĩa là chắc chắn, và khuếch đại bằng mọi phương tiện quảng cáo.
Lại thêm nhiều bài báo viết về an toàn thực phẩm trích dẫn lung tung, đầu xuôi đuôi ngược, nhìn đâu cũng thấy độc hại, ung thư. Người viết thiếu chuyên môn, nhưng có biệt tài giựt tít, chơi chữ rùng rợn, tạo ấn tượng sợ hãi cho người đọc.
Tổ sư về độc tố học, Paracelsus nói một câu bất hủ “Liều lượng mới gây ngộ độc”. Đâu phải cứ ăn rau quả có dư lượng nitrate cao một chút là bị ung thư gan ngay đâu. Trừ vài thứ gây ngộ độc cấp tính như tetrodotoxin trong cá nóc, còn thì hôm nay lỡ ăn nhiều thứ này, thì mai ăn ít lại. Pháp luật quy định mức giới hạn hoá chất trong thực phẩm là tính chuyện đường dài cho người tiêu dùng, và ngăn chặn lạm dụng của nhà chế biến.
Thức ăn đường phố ở Việt Nam cũng là một vấn nạn về nhiễm khuẩn, ngộ độc có thể xảy ra trước mắt, thấy nên sợ. Nhưng vấn nạn lớn hơn là nguồn nước sạch. Sông ngòi chằng chịt, nước nhiễm arsenic, thuốc diệt cỏ, trừ sâu… thì nông sản làm sao không nhiễm được. Nước thải công nghiệp làm chết tôm cá. Rồi heo siêu nạc clenbuterol, gà phết phẩm vàng, tôm bơm agar, rau muống xịt nhớt thải…
Chưa hết, hoá chất cấm dùng trong thực phẩm bày bán thoải mái, chặn đầu này, lách đầu kia, chỉ cắt ngọn, chứ không chặt gốc. Xuất xứ của những chất độc hại đó từ đâu? Những thứ “vĩ mô” này ngoài tầm tay người viết.
Chúng ta đang sống trong thời đại thực phẩm bị khủng bố – khủng bố từ nhà sản xuất thiếu lương tâm cho đến các phương tiện truyền thông tinh quái. Đất nước đang phát triển, giàu nghèo cách biệt. Người giàu rất ít, dân nghèo quá nhiều. Đâu phải ai cũng thừa tiền ăn bò Kobe, rau quả nhập từ Singapore, hay dầu ôliu extra virgin chính hiệu Italy.
Sách “Ăn để sướng hay ăn để sợ?” này tập hợp những bài viết về an toàn thực phẩm đăng hàng tuần trên báo Thế Giới Tiếp Thị. Tôi viết để chia sẻ với những người ăn để sống, nhưng lúc rủng rỉnh tiền, cũng dám ăn để… sướng. Nhưng dù ăn để sống hay ăn để sướng, thì cũng phải biết cách để né tránh bất lợi trong điều kiện có thể, ăn sao để thừa sức sống mà vẫn an toàn, chứ không phải vừa ăn vừa sợ.
Sau cùng, xin cảm ơn các thân hữu đã khích lệ, nhất là các bạn bên lĩnh vực y học đã góp ý “mạnh mẽ” giúp chỉnh sửa những đoạn vô tình “chạm biên” ngành y, những bạn tẩn mẩn sửa lỗi chính tả, những câu văn tối nghĩa, kể cả những phản hồi từ độc giả đều góp phần hình thành quyển sách này.
Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này