15:25 - 28/11/2018
Việt Nam thiếu các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phù hợp
Việt Nam được đánh giá là nơi ngành thực phẩm có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 15% và nằm trong số các thị trường có tốc độ tăng trưởng hàng đầu châu Á.
Ngày 28/11, lần đầu tiên Diễn đàn An toàn Thực phẩm Quốc tế lần thứ 7, với chủ đề “Thực phẩm An toàn hơn, Kinh doanh Tốt hơn” đã được IFC – Một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Việt Nam đã khai mạc tại TP.HCM.
Diễn đàn diễn ra trong hai ngày, tập trung thảo luận việc đầu tư vào an toàn thực phẩm và xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm có thể giúp các doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới, tạo thêm việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là nơi ngành thực phẩm có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 15% và nằm trong số các thị trường có tốc độ tăng trưởng hàng đầu châu Á.
Tuy nhiên, việc thiếu các tiêu chuẩn an toàn phù hợp sẽ có thể cản trở sự tăng trưởng bền vững của ngành. Đồng thời, làm giảm các cơ hội thị trường cho các nhà sản xuất thực phẩm trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo bà Rana Karadsheh, Giám đốc Châu Á của IFC phụ trách khối ngành Sản xuất, Nông nghiệp và Dịch vụ cho biết, các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận đã chứng minh là mang lại kết quả tích cực. Trong đó, có thể kể đến tiêu chuẩn quản lý rủi ro tốt hơn và tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.
Ngoài ra, đối với nhà đầu tư, một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm toàn diện và hiệu quả là dấu hiệu của một doanh nghiệp bền vững. Song song đó, đầu tư vào các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết đối với sự tăng trưởng của ngành kinh doanh nông nghiệp của bất kỳ quốc gia nào
Đồng quan điểm, bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho rằng, kinh doanh nông nghiệp và an ninh lương thực là một trong những lĩnh vực mà New Zealand ưu tiên hỗ trợ, bởi vai trò quan trọng của nó đối với việc đảm bảo sức khỏe người dân, giảm nghèo và tạo việc làm.
Thông qua IFC, New Zealand đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực và áp dụng các hệ thống quản lý hiệu quả trong sản xuất thực phẩm an toàn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Thống kê cho thấy, các Dịch vụ Tư vấn An toàn Thực phẩm của IFC cho các khách hàng là các doanh nghiệp nông nghiệp và nhà bán lẻ trên toàn thế giới đã hỗ trợ 150 khách hàng đến từ 30 quốc gia thu hút tổng đầu tư trị giá 290 triệu USD và tạo ra thêm hơn 230 triệu USD doanh thu.
Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của New Zealand và Cộng hòa Slovak, IFC giúp nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đào tạo các nông hộ nhỏ nhằm đạt được các chứng nhận quốc tế, qua đó nâng cao thu nhập và đóng góp vào an toàn thực phẩm.
Nhân Phương (theo TTXVN)
Có thể bạn quan tâm
Vũ Thế Thành: Thực phẩm nhiễm thuỷ ngân như thế nào?
‘Nhập ma’ do ăn quá nhiều protein
Vũ Thế Thành: Liều lượng mới gây ngộ độc
Vũ Thế Thành: Tái đông thịt đã rã đông có an toàn không?
Trà sữa trân châu ‘thần thánh’ cỡ nào?
Tags:an toàn thực phẩm
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này