21:53 - 14/03/2019
Luật sư trưởng của Masan tham gia soạn thảo quy chuẩn nước mắm
Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản đã ra quyết định đưa luật sư trưởng của Masan vào Ban biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm.
Trong văn bản chuẩn bị gửi lãnh đạo Chính phủ vào cuối năm 2018, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, đã “tố” việc lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và cơ quan tham mưu cho đại diện Masan vào Ban biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm.
Không dùng cụm từ “nước mắm truyền thống”
Theo bà Hồ Kim Liên, sau sự cố truyền thông về nước mắm nhiễm asen, căn cứ đề nghị của CLB Nước mắm truyền thống (do VASEP – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam – thành lập), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển giao việc soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm từ Bộ Y tế sang Bộ NN-PTNT.
Ngày 23/2/2017, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã ra Quyết định số 200/QĐ-QLCL thành lập Ban biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm. Theo quyết định này, thành phần ban đầu của ban biên soạn không có đại diện Masan và Ban biên soạn đã đi được 2/3 chặng đường soạn thảo. Ngày 6/2/2018, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản ban hành Quyết định số 46/QĐ-QLCL về việc kiện toàn ban biên soạn thay thế Quyết định số 200/QĐ-QLCL để bổ sung đại diện của Masan vào thành phần ban biên soạn theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT.
Bà Hồ Kim Liên cho biết sau khi được bổ sung vào ban biên soạn, đại diện của Masan đã kiên quyết đòi thay thế cụm từ “nước mắm truyền thống” bằng “nước mắm nguyên chất” và giữ cụm từ “nước mắm” để chỉ nước mắm pha chế công nghiệp.
Theo thông tin mà báo Người Lao Động có được, trong Quyết định số 200/QĐ-QLCL do Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Nguyễn Như Tiệp ký, có 10 thành viên, trong đó gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia độc lập và 3 hội nước mắm gồm: Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang.
Còn tại Quyết định số 46/QĐ-QLCL cũng do Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp ký, có 14 thành viên, trong đó đáng chú ý có sự tham dự của ông Trần Phương Bắc, luật sư trưởng, Giám đốc tuân thủ của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan.
Đồng thuận mới ban hành
Để làm rõ những thông tin này, ngày 13/3, phóng viên báo Người Lao Động đã liên hệ với ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và ông Nguyễn Như Tiệp để rộng đường dư luận.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, nói: “Không có chuyện tôi chỉ đạo. Không có chuyện đó. Đây là việc mà các cục họ đề nghị bổ sung các thành phần và các nhà khoa học nói chung để làm”.
“Tôi chỉ nói chung thế này, giờ tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm cũng đã dừng lại để tiếp thu ý kiến, đến khi nào tạo được sự đồng thuận mới ban hành. Còn nội dung cụ thể về Quy chuẩn nước mắm chỗ ông Tiệp, tôi không có chỉ đạo nào về việc thêm đại diện Masan vào, nhà báo cứ kiểm tra chỗ ông Tiệp” – ông Doanh nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng quy chuẩn quốc gia về nước mắm cần thiết phải xây dựng. Tuy nhiên, việc xây dựng phải khoa học, phù hợp với điều kiện sản xuất từ thực tiễn. Vì vậy Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã chỉ đạo phải có một đề tài nghiên cứu làm cơ sở khoa học.
“Hiện giờ, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 ở Nha Trang đang được giao làm đề tài này. Ban soạn thảo đang đôn đốc và chờ kết quả của đề tài để xây dựng quy chuẩn dựa trên các đề tài nghiên cứu khoa học” – ông Tiệp thông tin .
Đối với Ban biên soạn quy chuẩn, ông Tiệp cho rằng có mời các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất nước mắm để có đại diện đầy đủ các bên liên quan, bảo đảm tính minh bạch, khách quan và cẩn trọng.
Trong Quyết định số 46/QĐ-QLCL có đại diện 3 Hiệp hội nước mắm: Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết và đại diện Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan; TS Trần Thị Dung – chuyên gia nước mắm; Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng…
Theo ông Tiệp, khi xây dựng dự thảo, ý kiến của các thành viên ban soạn thảo khác nhau là hết sức bình thường. “Còn cơ quan quản lý thuyết phục các bên phải bằng dữ liệu khoa học, chứ không thể nói khơi khơi”.
Xây dựng 2 bộ tiêu chuẩn riêng biệt
TS Trần Thị Dung cho rằng “chúng tôi đã có bộ tiêu chuẩn về nước mắm truyền thống, vì vậy việc nghiên cứu mà lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ đạo làm là không cần thiết. Ngoài ra, việc này theo tôi được biết là không có chuyên gia về nước mắm. Vậy làm sao họ làm?”. Bà Dung đề nghị nên bỏ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, chứ không chỉ tạm dừng để xin ý kiến. Phải xây dựng 2 bộ tiêu chuẩn riêng biệt về nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.
Tiêu chuẩn vô lý
Theo chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, từ khi nước mắm ra đời, chưa có vụ ngộ độc nào liên quan đến nước mắm truyền thống, nhưng trong TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm vừa bị tạm dừng công bố lại đề cập tiêu chuẩn này.
Ông Thành chỉ rõ, tiêu chuẩn này đề cập đến histamine với mức từ 200-400 mmg/lít là không hợp lý, bởi mức này chỉ phù hợp với nước mắm công nghiệp. Nếu sử dụng mức này thì nước mắm truyền thống ở Cát Hải, Nha Trang, Nghệ An, Mỹ Thủy (Quảng Trị)… sẽ bị “bức tử” bất cứ lúc nào. Chỉ tiêu histamine cho nước mắm truyền thống phải từ 800-1.200 mmg/lít. Nên dừng hẳn bộ tiêu chuẩn này và xây dựng 2 bộ tiêu chuẩn cho 2 loại nước mắm riêng biệt.
Ông Đặng Thành Tài, Phó Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, chủ nhà thùng nước mắm Hưng Thành, cho rằng trong dự thảo tiêu chuẩn có đề cập đến nước sạch, muối ướp cá, thuốc bảo vệ thực vật nhưng không phù hợp với nước mắm truyền thống. Từ khâu ướp muối được thực hiện trên biển, sau đó đem về ủ chượp thực hiện rất đúng quy trình sản xuất nước mắm truyền thống. Còn bà Nguyễn Thị Tịnh, chủ nhà thùng nước mắm Thanh Quốc, khẳng định không thể đồng ý với việc xẻ bụng những con cá cơm to để lấy ruột ra, trong khi đó cả hàng trăm tấn cá, chứ không phải một vài ký, đây là tiêu chuẩn vô lý. Tiêu chuẩn này chỉ hợp với sản xuất cá đông lạnh.
Theo Văn Duẩn/Người Lao Động
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này