09:37 - 13/03/2019
Đừng loại thêm 3.000 cơ sở nghèo sản xuất nước mắm nữa!
Tôi vừa đọc lại bài báo viết về xếp hạng mới của Bloomberg. “Có 95% gia đình Việt Nam xài sản phẩm nước mắm của một doanh nghiệp lớn nhất”.
Tuy nghi ngờ cách lấy mẫu, nhưng phải thừa nhận thực tế là hiện nay doanh nghiệp này đang chiếm thị phần áp đảo, có lẽ gần 80%. Thị phần này từ đâu ra? Trở lại sự kiện từ mười năm trước, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất nước tương ở TP.HCM từng bị tiêu diệt, đã ghi trong “lịch sử doanh thương Sài Gòn” qua vụ 3-MCPD. Họ “chết” hết rồi và lẽ đương nhiên, mười năm thị phần chảy về chỗ trũng. Sau nước tương, nay 3.000 doanh nghiệp làm nước mắm, hơn mười làng nghề đang tiếp tục rụi tàn dần với những arsenic, histamin, và đến TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Lòng tham không có điểm dừng?
Tôi nhớ, nhiều năm trước, tôi đã khuyên các doanh nghiệp (DN) thực phẩm Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) học từ Masan, cách xây dựng mạng lưới phân phối bằng xây dựng đội ngũ và mạng lưới, với bản đồ phân phối và tăng độ đi sâu bao phủ. Đó là cách mà Unilever và Vinamilk cũng làm, và cũng thành công vang dội. Nhưng người ta cạnh tranh bằng chính sức lực, chứ không đi triệt tiêu đối thủ.Nhất là với một bảo vật quốc hồn quốc tuý là nước mắm truyền thống.
Ai là người Việt Nam mà trong máu không từng có nước mắm? Tưởng tượng hai chữ nước mắm trong Tự điển Larousse, giờ phải thay bằng “Nước mắm hoá chất” thì còn gì đau hơn cho Việt Nam? Bạn phải ngồi nghe những chủ nhà thùng Phú Quốc nói. Làm nghề này bây giờ căng thẳng lắm. Ai thua thì phải chuyển qua làm cung cấp nguyên liệu họ. Nhưng ở Phú Quốc không có ai làm vậy (?). Họ bỏ nghề, làm nông kiếm sống. Nhưng Nha Trang thì khác. Mấy anh bạn tôi làm nước mắm ở Nha Trang nói, muốn sống đành phải làm nhà cung cấp nguyên liệu cho họ. Họ quảng cáo dữ quá, bán giá rẻ quá, mà làm mạng lưới cũng rộng quá, nên chiếm hết thị trường. Tụi tôi đành đi bán nguyên liệu cho họ.Biết là đưa dao cho họ đâm vào mình, mà vẫn phải làm để sống.
Tôi hết sức cảm thông tình cảnh này, ngay cả doanh nghiệp có thương hiệu nức tiếng trăm năm. Từ cuộc đấu tranh chống chiến dịch vu khống arsenic hai năm trước, một doanh nghiệp có tiếng trong nghề nước mắm, lúc ấy là thành viên ban chấp hành cũ của hội DN.HVNCLC, luôn im lặng, né tránh mọi cuộc họp ban chấp hành ủng hộ nước mắm truyền thống. Giờ đây, DN này cũng vừa thành nhà “biện minh” cho họ tại cuộc họp báo vừa qua (ngày 8/3/2019), rằng “phải cần công nghệpha chế để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng”.
Thì anh cứ pha chế những hoá chất được phép. Miễn anh đừng tìm mọi cách xoá nhoà ranh giới giữa anh và nước mắm truyền thống, đừng tìm cách giết người ta để độc chiếm thị trường, đừng muốn mở bảo tàng nước mắm ở Phú Quốc và viết lại định nghĩa từ ngàn năm trước. Và nhất là đừng phá tan một lực lượng người Việt bao năm nay sống bằng cái nghề gia truyền quá cực khổ này. Họ thiết tha thành lập hội mà anh cũng nộp đơn, rồi được bộ chức năng quan tâm đặc biệt, yêu cầu ban vận động thành lập hội nước mắm truyền thống “thương lượng”, dĩ nhiên họ đòi bỏ chữ “Truyền thống” và thế là tan luôn việc lập hội!
Dừng công bố dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm
Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 12/3, thứ trưởng Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc cho biết sẽ dừng công bố dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia “Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm”, để tiếp tục xin ý kiến các tổ chức, hiệp hội bằng văn bản hoặc đối thoại, hội thảo. Việc xin ý kiến tiếp nhằm đảm bảo sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng đến các tổ chức sản xuất kinh doanh nước mắm.
Trước đó, sau khi dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia “Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” được công bố, không ít doanh nghiệp cho rằng có nhiều nội dung mang tính chất “bóp nghẹt” các cơ sở nước mắm truyền thống, khi đưa ra những tiêu chuẩn bất hợp lý. Đầu tiên là tiêu chuẩn kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, trong khi nguyên liệu làm nước mắm là cá biển, không thể có thuốc thú y… Hay như quy định hàm lượng histamin trong nước mắm phải dưới 400ppm. Trong khi, nước mắm truyền thống được làm từ cá biển nguyên chất, nên hàm lượng đạm từ 20 – 40 độ, khiến histamin ở mức 800 – 1.000ppm. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn TCVN 12607:2019 chỉ đưa ra hai loại khái niệm là nước mắm nguyên chất và nước mắm chung, mà không phân định rõ quy trình sản xuất đâu là nước mắm truyền thống, đâu là nước mắm công nghiệp. Do đó, doanh nghiệp đề nghị cần có bộquy chuẩn riêng cho từng loại.
Vũ Khánh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này