09:47 - 28/02/2018
Dự án chợ bảo đảm an toàn thực phẩm
UBND TP.HCM đã giao sở Công Thương chủ trì thực hiện dự án chợ bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Mục tiêu của dự án là xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các yêu cầu về ATTP; nâng cao chất lượng phục vụ tại chợ, từng bước thực hiện văn minh thương mại; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý chợ, đặc biệt chú trọng quản lý nguồn gốc, chất lượng hàng nông sản thực phẩm…
Theo sở Công Thương TP.HCM, trên địa bàn hiện có 240 chợ, trong đó có bảy chợ kinh doanh chuyên ngành và 233 chợ có kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Nhìn chung, công tác bảo đảm ATTP tại các chợ trong thời gian qua đã được kiểm soát, tình trạng vi phạm ATTP giảm. Tuy vậy, chợ truyền thống vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về ATTP; cơ sở vật chất và hoạt động của hệ thống chợ chưa đạt yêu cầu; nhiều tiểu thương chưa quan tâm tới điều kiện bảo quản, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, vẫn còn chuộng tiếp nhận và kinh doanh các mặt hàng giá rẻ…
Theo dự án chợ bảo đảm ATTP, các chợ phải đáp ứng những tiêu chí cụ thể, chi tiết từ thực phẩm kinh doanh, từ người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật của chợ… Dựa vào tiêu chí đầu tiên là chợ có quy mô lớn, cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành đã được lựa chọn. Trong đó, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là nơi cung cấp lượng thịt heo lớn nhất cho thành phố với thị phần chiếm từ 50 – 55%; còn chợ Bến Thành là một trong 17 chợ loại 1 nằm trong quy hoạch của thành phố. Sau khi thực hiện thí điểm ở hai chợ này, sở Công thương sẽ đánh giá để triển khai nhân rộng mô hình này ra các chợ trên địa bàn.
Theo dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP tại TP.HCM”, việc xây dựng chợ ATTP được thực hiện lần lượt trên từng ngành hàng. Cụ thể ngành hàng thịt heo sẽ được triển khai đầu tiên, sau đó đến ngành hàng rau củ quả, dịch vụ ăn uống…
Theo sở Công Thương TP.HCM, các giải pháp để thực hiện chợ ATTP là: nâng cao chất lượng hàng hoá thực phẩm cung ứng cho các chợ; tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các chủ thể tham gia mô hình thí điểm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm ATTP tại chợ. Trên cơ sở đó, ngành chức năng tập trung xây dựng và phát triển mô hình điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”, quy trình khép kín nhằm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm từ khâu nuôi trồng, chế biến, sản xuất đến lưu thông; triển khai hệ thống quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hệ thống cảnh báo sản phẩm không an toàn; kết nối đưa hàng nông sản thực phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn vào chợ truyền thống.
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này