10:34 - 06/03/2019
Cả rừng văn bản quản lý miếng ăn, nhưng…
Thực phẩm bẩn luôn là vấn đề nhức nhối trong quản lý, khiến người dân bất an. Trao đổi với TGTT, ông Lê Văn Giang, cục phó cục An toàn thực phẩm, bộ Y tế, cho hay Việt Nam đang lưu hành hơn 500 loại hoạt chất với hơn 1.000 thương hiệu khác nhau, trong khi công tác quản lý sản xuất, đặc biệt năng lực các phòng thí nghiệm lại chưa đáp ứng kịp.
Để làm rõ hơn, ông Giang nói: Quản lý thực phẩm hiện nay quả là có vấn đề. Muốn kiểm nghiệm sản phẩm nông sản thì hệ thống các phòng kiểm nghiệm phải có hoá chất, quy trình thử, máy móc thử, chưa kể con người phải có trình độ vận hành máy móc đúng kỹ thuật.Chúng ta muốn chiết tách, phân tích một loại hoá chất độc hại nào đó, trước tiên phải có hoá chất và làm đúng quy trình.Trong khi, hiện nay các phòng thí nghiệm ở Việt Nam chưa đáp ứng đủ. Còn người vừa thiếu, vừa yếu chuyên môn, trang thiết bị, hoá chất phục vụ hạn chế nên để khắc phục, các phòng thí nghiệm chỉ dựa vào đặc tính lý hoá gần tương đương để xử lý.
Vấn đề tồn tại thứ hai là các nhà kiểm nghiệm ở các phòng phân tích lại không có chuyên môn thực tế. Họ ít ra ruộng nên không biết nông dân bỏ cái gì, khi đưa mẫu về cũng chỉ “bỏ bom” kiểm tra chỉ tiêu A, chỉ tiêu B gì đó thôi. Nhiều khi chỉ tiêu đó dân lại không dùng.
– Rõ ràng quản lý thực phẩm chưa thống nhất được giữa cơ quan quản lý sản xuất và cơ quan quản lý đầu ra?
– Chúng ta làm kiểu gì, thống nhất làm sao được khi đang có trên 500 hoạt chất hóa học được lưu hành, từ thuốc diệt côn trùng… các loại. Với từng ấy hoạt chất và hơn 1.000 thương hiệu (tên thương mại), có khi là chất A kết hợp chất B chứ không phải thuần tuý. Các hoạt chất này nhập về đâu phải bằng đường chính ngạch, công khai hết đâu. Đôi khi nông dân có thể ra chợ mua chui nhủi vẫn có. Dân họ thấy bón vào cây thì cây tốt, vào con thì con lớn, chứ có nghiên cứu gì đâu mà biết đó là độc hại.Cái khó trong quản lý hoá chất độc hại là việc mua bán hiện không minh bạch, nên có căng mình ngày đêm bắt bớ cũng khó.
– Quản lý danh mục hoá chất vẫn “đá nhau” giữa các bộ, như bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) thì cho sử dụng, trong khi bộ Y tế lại cấm…?
– Tình trạng này thì có, nhưng không nhiều.Có những hoạt chất bên lĩnh vực nông nghiệp cấm đưa vào quy trình trồng trọt, chăn nuôi; nhưng thực tế vẫn tồn tại trong môi trường và bên y tế vẫn cho phép nó tồn tại trong một ngưỡng cho phép nào đó. Hay như có những hoạt chất Việt Nam cấm, nhưng thế giới vẫn cho phép tồn dư ở mức cho phép và ngược lại. Tôi cho rằng, không cứ gì Việt Nam, các nước phát triển trên thế giới cũng vậy, ở đâu còn bán chui bán nhủi, không công khai thì vẫn còn tình trạng thực phẩm không an toàn. Thế giới hơn chúng ta là có nguồn lực đầu tư cho kiểm tra, kiểm nghiệm cuối cùng tốt hơn thôi. Như thủ đô Bangkok chẳng hạn, họ có hàng ngàn thanh tra viên để quản lý thực phẩm, còn ta đếm trên đầu ngón tay.
Nói như vậy không phải là chúng ta không có giải pháp làm tốt hơn. Theo tôi, để quản lý thực phẩm bảo đảm được an toàn, chúng ta phải quản lý cả quy trình, chứ không phải quản lý khâu cuối cùng. Giá bán một bó rau chỉ có năm mười ngàn mà đem phân tích tốn chi phí mấy triệu, thì làm sao chịu nổi. Muốn quản lý quy trình tốt thì vùng sản xuất nên thành lập ra các hợp tác xã, đội sản xuất, các thành viên trong đó phải biết tổ chức này là ngôi nhà chung, ai cũng phải có ý thức giữ gìn nó, phải làm cho đúng. Nếu có gì sai không chỉ thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín chung. Các nước tiên tiến họ cũng áp dụng mô hình quản lý như vậy.Còn ở ta, khi nào còn tồn tại mô hình sản xuất nhỏ lẻ, khi đó càng rất khó quản lý.
– Ngoài “đá nhau” danh mục quản lý hoạt chất, hiện vẫn có tới bốn cơ quan quản lý một miếng thịt, đó là bộ NN-PTNT, bộ Công thương, Y tế, Khoa học và công nghệ (KH&CN). Nếu đưa về một mối như mô hình ban Quản lý an toàn thực phẩm ở TP.HCM có tốt hơn?
– Liên quan đến sản xuất, chế biến thực phẩm hiện có cả rừng văn bản chế tài. Ngoài ra, các cơ quan đang quản lý trực tiếp như bộ KH&CN cũng ra văn bản quy định nhãn mác, ra tiêu chuẩn; bộ Công thương, bộ Y tế, NN-PTNT đều có văn bản riêng… Hàng hoá có bao nhiêu tố chất thì phải đụng đến chừng đó quy định, từ quá trình sản xuất, điều kiện con người, kho tàng bến bãi, chính sách cho phép, cấm… Do đó, nếu chúng ta thành lập bất kỳ một cơ quan mới đảm nhận hết các chức trách hiện nay của bốn cơ quan, thì điều đầu tiên đó là phải thống nhất lại hệ thống văn bản, sau đó có hệ thống công cụ pháp lý riêng, ra đời trước. Tôi ủng hộ mô hình quản lý thực phẩm thí điểm ở TP.HCM, nhưng cũng xin nói, khi chúng ta chưa có văn bản nào quy định, thì ban này thực thi nhiệm vụ sẽ rất khó khăn. Trường hợp đi kiểm tra, phát hiện vi phạm, nếu có phạt hoặc chế tài phải căn cứ vào văn bản nào chứ.
Bảo Ngọc (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này