11:34 - 19/08/2016
‘Xoá mù’ cháo bò Tri Tôn
Trên đường đi tìm món bánh Kà Tum của người Khmer, chúng tôi lần đến Tri Tôn. Trước khi đi ông bạn Đỗ Khuê, tác giả chuyên mục “Cần Thơ Phố” của đài Phát thanh và truyền hình Cần Thơ, dặn: “Nhớ tìm ăn món cháo bò độc nhất vô nhị ở Việt Nam tại đó”.
Đó là cái duyên tao ngộ để được “xoá mù” món ăn được cho là độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Nhưng xứ Tri Tôn dường như chưa có ý định đăng ký nhãn hiệu “Cháo bò Tri Tôn” như xứ Huế đã đăng ký “Bún bò Huế” vốn chẳng có chút Huế nào trong tô bún bán tại nhiều nơi trên cả nước.
Nói độc nhất vô nhị cái món cháo lòng bò này có thể đúng, nhưng phải nói kỹ thêm mới không gây tranh cãi. Trước tiên là người dân Tri Tôn không gọi là cháo lòng bò mà chỉ gọi gọn là cháo bò.
Ở Sài Gòn cũng có cháo lòng bò nấu theo kiểu người Hoa nhưng cháo theo đường cháo, lòng được luộc rồi treo lên, khi có khách ăn, thường cháo được dọn riêng, lòng dọn riêng.
Còn nồi cháo bò Tri Tôn được bán vào buổi sáng sớm, cháo và lòng chung trong nồi; một phần lòng xắt sẵn sẽ cho vào tô cháo sau.
Hơn nữa, Tri Tôn và Tịnh Biên là hai huyện miền núi của An Giang có đàn bò đông nhất tỉnh. Thịt bò ở đây được ca ngợi là mềm ngon. Ở Tri Tôn hàng năm còn có lễ hội đua bò của người Khmer.
Và còn phải kể là cháo bò được nấu bằng gạo lúa mùa “sóc Khmer” thơm, dẻo và có vị ngọt đậm đà, cùng với nước thốt nốt, tạo ra một nét đặc trưng khác. Nên nhiều người mới thừa nhận cháo bò là món độc nhất vô nhị của Tri Tôn và Tịnh Biên. Chớ không phải chỉ có mỗi kiểu nấu Huế như bún bò Huế mà xứ Huế đang giành cho mình cái nhãn hiệu.
Từ sáng sớm chúng tôi đã từ Cần Thơ đi Long Xuyên để đến Tri Tôn. Thổ địa Nguyễn Thanh Tùng, phụ trách tiếp thị du lịch của hội Nông dân An Giang, hẹn chúng tôi ở Long Xuyên. Sau khi hướng dẫn cặn kẽ đường đi tìm phum Ta Pang Kh’lea, ở xã Ô Lâm, một trong hai phum còn có người biết làm bánh Kà Tum.
Hỏi thăm về món cháo bò, anh dặn: “Hỏi đường đi qua khỏi cầu Cây Me thị trấn Tri Tôn, qua khỏi quán Út Gái chừng một trăm mét có quán Thuỷ Đen. Cháo bò ở đó ngon”.
Thường thì mấy tay hướng dẫn du lịch đánh giá “ngon” theo tiêu chí làm ăn của họ, nghĩa là những nơi họ chỉ thường là “đối tác”, chớ không ngon thiệt. Người dân ở địa phương nói cháo bò ở chợ Tri Tôn mới ngon. Chúng tôi tới Tri Tôn trời còn khá sớm. Dãy Cô Tô còn đượm sương trắng. Trời đang mùa mưa.
Trong nhóm có người nói đùa: “Hôm nay đi về phía Cô Tô có khi gặp Mộ Dung công tử (1)”. Mộ Dung không thấy nhưng được nhìn những cây thốt nốt mọc rải rác trên các bờ ruộng giữa đồng lúa, trông thật đẹp.
Theo chỉ dẫn của Thanh Tùng, chúng tôi đến quán Thuỷ Đen. Nghe tên quán là cảm được sự chất phác của người dân ở cái xứ miền núi đất rộng người thưa chùa nhiều này.
Đó là một quán cháo nhỏ nằm phía trước và “ký sinh” với một tiệm nước. Nhìn nồi cháo bốc khói với các thứ nội tạng lổn nhổn đã thấy đã mắt. Bên cạnh quán là cây me.
Là lần đầu tiên ăn cháo lòng bò, lại là lòng bò và thịt bò của một xứ thịt bò ngon có tiếng, gạo ngon có tiếng, nước thốt nốt thơm giữa một khung cảnh thanh bình mọi thứ đều trôi chậm, tôi có quyền ngồi nhai kỹ từng loại nội tạng, húp từng muỗng cháo còn thoang thoảng mùi chanh sả được nặn vào khi ăn.
Đây là xứ của một loại chanh da sần sùi xấu xí nhưng có mùi thơm như sả. Người ta quen gọi là trái chúc, một số đầu bếp gọi là chanh Thái.
Ăn miếng sách màu vàng vàng – thứ mà tôi thích nhất trong lòng bò – làm nhớ đến miếng sách bò ở Sài Gòn. Những miếng sách bò “trắng quá” như áo em của Hàn Mặc Tử (2) tự nhiên làm liên tưởng đến các mẫu quảng cáo bột giặt. Rồi cảm thấy ơn ớn. Miếng sách bò Tri Tôn dường như ngon thêm lên.
Quán cháo bò Thuỷ Đen chỉ bán buổi sáng. Buổi trưa ở đấy lại biến thành quán bún riêu.
Ngữ Yên
Theo TGTT
(1) Nhân vật nổi tiếng giỏi võ công của Kim Dung ở xứ Cô Tô bên Tàu trong tác phẩm Thiên Long bát bộ.
(2) Ý từ câu thơ của Hàn Mặc Tử “Áo em trắng quá nhìn không ra” trong bài Đây thôn Vỹ Dạ.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này