22:15 - 01/04/2018
Thuỵ Sĩ hấp dẫn với sô-cô-la, phô-mai và vang
Là người yêu các món Tây, chắc chắn những thành phố du lịch, nghỉ mát ở Thuỵ Sĩ như Zurich, Lucerne, Bern, Basel, Engelberg, Interlaken, Lausanne, Montreux-Vevey, Genève, Zermatt… sẽ rất hấp dẫn bạn.
Từ sô-cô-la Thuỵ Sĩ
Người hảo ngọt sành ăn thừa biết sô-cô-la Bỉ là số một thế giới. Nhưng đừng quên rằng… Mẫu số chung của những thương hiệu sô-cô-la thơm ngon lừng danh thế giới, từ Favargé, Lindt, Nestlé (trước đây là nhãn Cailler) đến Sprungli, Suchard, Toblerone… đều của Thuỵ Sĩ. Trong khi có nhiều nhãn sô-cô-la Thuỵ Sĩ được bày bán ở nhiều nước, cũng có vài nhãn bạn chỉ có thể mua được khi sang Thuỵ Sĩ.
Toạ lạc trong khu phố cổ của thành phố Zurich bên bờ sông Limat, là một cửa hàng rất ư là mini, nhưng đó là một cửa hàng sô-cô-la nổi tiếng: Max Chocolatier. Tất cả những loại sô-cô-la bày bán ở đây đều được làm ra bởi sáu bàn tay của ba nghệ nhân, chuyên sản xuất sô-cô-la (gọi là chocolatier), những người đam mê pha trộn các loại hạt ca cao để tạo ra các dòng sô-cô-la luôn quyến rũ mọi người. Những hộp sô-cô-la nằm gọn trong lòng bàn tay, nhưng giá bán đến vài chục franc Thuỵ Sĩ trong cửa hàng này là chuyện bình thường. Mùa Phục sinh đến gần nên xuất hiện đủ kiểu hình trứng, thỏ…
Qua phô-mai
Đa số người Mỹ ngày nay dùng từ “Swiss cheese” để gọi một loại phô-mai Thuỵ Sĩ có tiếng là Emmentaler. Như hầu hết các loại phô mai, Emmentaler là tên phô-mai đặt theo tên địa danh Emmentaler, nơi nghề sản xuất phô-mai trong nồi đồng xuất hiện tại thị trấn này từ những năm đầu thế kỷ 14. Nổi tiếng hơn nữa, còn có phô-mai lấy theo tên làng Gruyère thuộc tổng (canton, xin nhớ rằng Thuỵ Sĩ là một liên bang 26 tổng) Fribourg, toạ lạc giữa đường đi từ Lucerne đến Montreux.
Một lần thăm showroom của Gruyère, bạn sẽ càng mê ăn phô-mai này hơn: phải vắt được 400 lít sữa bò tươi mới làm ra được một “meule” (ổ phô-mai to như cái bánh) phô-mai Gruyère nặng … 35kg! Mà một bánh Gruyère chỉ hoàn toàn thành phẩm để bán sau khi đã trải qua từ 5 – 12 tháng, với nhiều công đoạn sản xuất khác nhau. Và đây mới là điều mà du khách cần biết khi thăm đất nước toạ lạc ở tâm điểm của châu Âu, và thử thưởng thức các món ăn địa phương: phô-mai Gruyère là một phần nguyên liệu không thể thiếu của món fondue (tạm gọi là lẩu phô-mai), cùng với tỏi, chanh vàng, vang trắng và bánh mì. Để thưởng thức fondue đúng cách, bạn phải sử dụng loại nĩa đặc biệt chỉ có hai nhánh, thay vì ba, bốn nhánh như các kiểu nĩa ăn thịt, cá, trái cây.
Bánh mì sẽ không có, nhưng thay vào đó là khoai tây non để nguyên vỏ luộc chín, hành tây, cà chua, các loại thịt nguội, hành và dưa chuột muối khi bạn thưởng thức món “raclette”. Món này, tạm gọi là phô-mai nướng tan chảy cào đổ lên thực phẩm, ăn nóng thơm, rất tuyệt. Tôi đã chứng kiến hai cảnh tượng khác nhau, nhiều khách Việt lắc đầu với món fondue, nhưng ngấu nghiến ngon lành món raclette.
Để tận hưởng đúng kiểu raclette Thuỵ Sĩ, đoàn 14 khách mời của Discover The World, kết hợp với Titlis Rotair và Thai Airways, đã sử dụng ba xe thuê của Hertz tự lái từ Lucerne đến Montreux, cách nhau gần 200km. Montreux thuộc chuỗi các thị trấn nghỉ mát sang đẹp nổi tiếng từ thế kỷ 19, nằm dài theo bờ hồ Léman (biên giới tự nhiên giữa Thuỵ Sĩ và Pháp) như Vevey, Lausanne, Genève.
Món raclette không dùng phô mai Gruyère, mà dùng phô-mai cũng gọi là “Raclette” sản xuất ở tổng Valais. Phô-mai có thể là cả một bánh lớn, hoặc đã được cắt thành những lát mỏng. Đọc ở đâu đó Thuỵ Sĩ mỗi năm sản xuất được khoảng 12.000 tấn phô-mai Raclette, riêng tổng Valais là 2.000 tấn.
Đến vang Thuỵ Sĩ
Hầu hết người Thuỵ Sĩ và du khách đều thích thưởng hai món ăn đặc trưng Thuỵ Sĩ này, cùng với vang… cũng sản xuất tại Thuỵ Sĩ. Chúng tôi không thể làm khác được, và thế là có nhiều cơ hội để nếm thử vang Thuỵ Sĩ.
Có thể tóm gọn rằng vang Thuỵ Sĩ có hai dòng thơm ngon, chiếm số lượng lớn trong khoảng 250 giống nho được trồng là vang trắng, làm từ giống nho Chasselas và vang đỏ từ các giống nho Pinot Noir, Gamay và Merlot.
Vang Thuỵ Sĩ chủ yếu sản xuất từ những nhà nông vừa trồng nho vừa làm vang ở Lavaux, những vườn nho trên các sườn đồi trải dài theo bờ hồ Léman. Bắt nguồn từ thời đế quốc La Mã, phát triển mạnh nhờ nỗ lực của các tu sĩ thuộc các dòng tu Công giáo La Mã, đã miệt mài gom đá, dựng tường giữ đất trồng nho mà đã hình thành các vườn nho bậc thang, khiến UNESCO phải vinh danh toàn vùng Lavaux là một Di sản Thế giới. Loáng thoáng vài nơi, giữa các vườn nho là toà lâu đài cổ, dáng vẻ khiêm tốn, hiền hoà. Chất vang Thuỵ Sĩ không quá phức tạp với đặc điểm chung là rất tươi mát, màu sắc bắt mắt với nhãn chai thả lỏng cho nghệ sĩ phóng bút vẽ.
Chúng tôi đã có tám ngày khám phá, nếm thử nhiều chai vang Thuỵ Sĩ, từ thành phố Zurich, trên đỉnh núi tuyết Titlis, khi lênh đênh trên hồ Lucerne, lúc bữa trưa ăn ức gà mềm thơm nước xốt Tandoori trong Waldstatterhof (khách sạn sang trọng nhất khu nghỉ mát ở thị trấn Brunnen, xây dựng năm 1880, nhiều ông hoàng, bà chúa, và cả đến Thủ tướng Anh Winston Churchill từng đến đây)… và ngay ở lò vang tại Lavaux. Chú ý, tránh mua nhầm vang Ý, có rất nhiều tại Thuỵ Sĩ. do hai nước quá gần nhau. Giới sành vang toàn cầu vẫn trông đợi đền kỳ diễn ra những ngày hội vang Thuỵ Sĩ, chỉ tổ chức 25 năm một lần. Năm 2019 sẽ có sự kiện ấy. Bạn sẽ có trở lại Thuỵ Sĩ cùng tôi không?
bài, ảnh P. Nguyễn Dũng (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này