
13:20 - 22/12/2019
Sò dẹo kể chuyện
Sò ở Sài Gòn nhiều nơi bán. Quận 4 bán ngày đêm ở chợ Xóm Chiếu, phía ngoài, bên trái nhà lồng, góc đường Lê Văn Linh với con hẻm Hoàng Diệu.
Nhưng tôi vẫn thích đi đến vựa ốc ở bên kia cầu Rạch Đỉa 1. Ở đó, mới đây tình cờ thấy con sò lạ. Hỏi và được người bán trả lời đó là sò dẹo.
Mà nhìn con sò dẹo thiệt. Nó dài và ẹo ở ngay khúc giữa vỏ. Đúng là ẩm thực luôn luôn có chuyện để kể. Bởi vậy, nhà bảo trợ nghệ thuật người Mỹ Mabel Dodge Luhan kết bạn cùng cặp nữ tình nhân – nhà văn Mỹ Gertrude Stein và hoạ sĩ Pháp gốc Mỹ Alice B. Toklas, có lần từng viết rằng Stein “có một nụ cười giống như miếng beefsteak. Nàng ấy mê thịt bò, và tôi thường thích ngồi nhìn nảng ngồi xuống trước miếng thịt bò tái nặng hơn hai ký dày hơn 7cm, và những nắm tay mạnh mẽ quơ dao và nĩa, kết thúc niềm thống khoái của mình, trong khi Alice ăn một lát mỏng một cách nhỏ nhẻ như mèo ăn”.
Chỉ có điều, ngày xưa, vào khoảng trước thế chiến thứ 2, ẩm thực, chuyện ăn uống khó mà đi vào văn chương. Văn hoá này bị dể duôi là tầm thường. Nói có sách, mách có chứng. Ông Phạm Quỳnh, cách đây hơn trăm năm một chút, đi vào Nam cả tháng trời, viết bài báo dài ba kỳ trên Nam Phong Tạp Chí (1), không có một chữ nào nói đến sản vật phong phú, đến ẩm thực Nam bộ. Làm như bậc thức giả thời đó, cũng như bên châu Âu, coi chuyện ăn uống là tầm ruồng. Không thể đưa vào văn chương.
Cũng như cách đây năm chục năm, ít có nhạc sĩ nào hát chuyện ẩm thực. Chỉ có Phạm Duy viết về ẩm thực thiệt hay trong bài hát Trả lại em yêu của ông: “uống môi em ngọt”. Cái món này hồi còn trẻ ai chẳng thích. Vì chất ngọt này không gây béo phì. Không ảnh hưởng đến hoà bình thế giới. Nhưng may mà người uống và cái món uống không vừa ăn đậu phộng và không dị ứng đậu phộng. Ngược lại ắt có định mệnh nghiệt ngã diễn ra như câu chuyện cô bạn gái của anh chàng vừa ăn đậu phộng bị chết vì nụ hôn, do cô ấy dị ứng nặng với đậu phộng.
Con sò dẹo cũng có chuyện. Dẹo ở đây không có nghĩa là người ta cười nhạo sự tật nguyền của nó. Thực ra nó có tật nguyền gì đâu. Nó cũng cùng họ với sò lông. Wikipedia đem cái tên khoa học Anadara antiquat của sò lông gán cho nó. Chắc là không trúng rồi. Tìm mãi mới thấy có hình nó trong cuốn Compendium of seashells. Tây cũng công nhận nó dẹo: twisted ark. Sò dẹo nướng mỡ hành ăn ngon không kém sò lông. Có khi còn dòn sựt hơn. Những người bán hàng muốn bán được hàng còn bảo sò dẹo giàu hormon testosterone. Nên được mệnh danh là “viagra” dành cho quý ông có vấn đề. Nếu quả vậy, anh Samson mà còn sống là phải ăn sò dẹo mỗi ngày suốt đời. Có sách bảo chỗ yếu của anh hùng này là tóc. Cắt tóc là coi như anh ta yếu xìu. Thực ra, có nguồn sử cho rằng anh ta bị nàng Delilah âm mưu bóp siết “chỗ nhược” một cái quá mạnh đến nỗi tiêu luôn. (2) Trở nên yếu xìu…
Hôm đó, khoảng đầu tháng 12/2019, giá sò dẹo nghe thật êm tai kẻ ăn rong: 30.000 đồng/kg. Sự êm tai chỉ đúng trong ngày hôm đó. Những ngày sau, Yên này không bảo đảm. Sò dẹo còn rẻ có lẽ chưa bị phổ biến nơi hàng quán sò ốc ở đường Vĩnh Khánh. Con đường mà thị trường thực ốc lúc nào cũng nhộn nhịp về đêm. Thâu đêm suốt sáng. Bất chấp thị trường địa ốc có lúc củi tàn tro lạnh,
như vụ condotel vừa qua.
Chuyện con sò dẹo làm tôi nhớ đến một nghệ sĩ nổi tiếng có phong cách dẹo ác liệt. Nàng thừa hưởng một giọng ca gia truyền, không mẫu truyền mới đúng, của một nữ đệ nhất danh ca miền Nam trước 1975. Nảng vừa dẹo trong thể hình khi biểu diễn, mà còn dẹo trong giọng ca. Ông bạn thường đồng bàn, người mến mộ mẹ nảng, nghe nhận xét, cãi lại: “Càng về sau càng bớt dẹo, giọng hát càng giống mẹ”.
Nhưng sò dẹo nếu chỉ đem nướng mỡ hành thì hết sức tầm thường. Bạn thử chuyển nó sang làm món sò chiên cách mạng mà người New England, Mỹ, tôn sùng. Nghe nói sò chiên? Bạn có thể đả ngay sò chiên chẳng qua là nhuyễn thể hai mảnh nấu ngập trong dầu rất nóng. Nói vậy chẳng khác nào phán thăn bò chẳng qua chỉ là một miếng thịt. Sò chiên là món nhiều người Mỹ mê tít, nhất là dân New England. Huyền thoại kể rằng món sò chiên đầu tiên được sáng tạo bởi đầu bếp huyền thoại “Cubby” Woodman vào ngày 3/7/2016, khi ông tình cờ cho một mớ sò tẩm bột mì vào vạc dầu chiên khoai tây. Giống như ai đó ở xứ Việt sáng chế ra món chuối chiên (khuyết sử là bệnh ở ta). Kết quả sò chiên được xem là cuộc cách mạng chiên sò đã diễn ra cách đây hơn trăm năm.
Nhưng món ngon mà chỉ mang tiếng sò dẹo chiên, cũng gây phản cảm, khó thuyết phục thực khách. Bạn hãy gọi nó là sò mang cái tên yêu kiều Ý Lan nhá!
Ngữ Yên (theo TGHN)
——————
(1) Phạm Quỳnh, Một tháng ở Nam kỳ, Nam Phong Tạp Chí số 17, 19 và 20, 1919.
(2) Nils Johan Ringdal, Love for sale – a world history of prostitution, chương II.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này