09:42 - 15/02/2018
Sinh cơ chớ không phải bảo tồn
Ai đến đây cũng chuộng sông nước, cây trái nên mình không đưa ra thành phố nữa mà đưa người ta đi xuồng và vô vườn cây ăn trái.
Anh Trần Thiện Cảnh, bánh hỏi mặt võng Út Dzách ở Phong Điền, nói: “Nhà vườn đa số là vườn trái cây cộng với điểm nhấn là giữ được tính truyền thống. Làm nghề phải có tâm trong nghề. Có nhiều người hỏi: bánh hỏi lợi nhuận không cao sao vẫn giữ? Tôi trả lời vì đó là nghề truyền thống, nhưng nó vẫn mang lại thu nhập cho gia đình. Phần còn lại là tôi sắp xếp thời gian phù hợp: buổi sáng dậy làm bánh, rồi đi làm việc rồi chiều lại quay về làm bánh. Tôi giữ nghề vì yêu nghề và sống được bằng nghề”.
Ông tổ homestay Cần Thơ
Anh Nguyễn Hữu Nam Hưng, người đầu tiên kinh doanh homestay ở Cái Răng, tâm tình: “Duyên tới đâu thì “binh” tới đó. Trước mắt giải quyết được công việc có thu nhập cho gia đình và một số bạn cùng làm. Trong quá trình làm việc tôi nói chuyện với khách nhiều hơn để biết thêm nhu cầu, mong muốn của họ. Có khách sau trở thành bạn chơi với nhau. Bắt đầu từ sự giao lưu đó mà một khoảng thời gian sau, cũng đã có một vài nhóm khách muốn vô nhà quê ở. Thời đó không có khái niệm homestay. Năm 2000, khi có nhiều khách hỏi tôi làm, tuy thời điểm này nguồn khách quốc tế qua Việt Nam còn ít. Nguyên hãng du lịch của tôi là chiếc xe Toyota 12 chỗ. Họ muốn đi trên những con đường quê và xuống lội suối, chủ yếu là các con rạch nhỏ. Tôi học thêm tiếng Anh để có thể trực tiếp nói chuyện với khách. Tiếng Anh đã có hiệu quả rồi, tôi tiếp tục nhen nhóm lên làm nhiều homestay kết nối với nhau.
Ai đến đây cũng chuộng sông nước, cây trái nên mình không đưa ra thành phố nữa mà đưa người ta đi xuồng và vô vườn cây ăn trái. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là tàu nhỏ, ghe xuồng, xe máy, xe đạp… Khách nước ngoài thích đi kênh rạch nhỏ, hái cây trái ăn tại chỗ, thích tắm sông, đi cầu khỉ – họ nhìn thấy cầu khỉ mà không tưởng tượng là cho người ta đi, chắc là cho… khỉ đi, họ hỏi đầy ngạc nhiên khi tôi nói là “monkey bridge”. Buổi tối, về lại homestay tôi dạy cho khách tiếng Việt.
Thật sự là thời điểm đó đâu có khái niệm về “văn hoá bản địa”. Đơn giản nghĩ là khách nước nước ngoài họ đầy các thứ công nghiệp nên cái bán cơ giới, bán thủ công của mình, đối với họ là hàng hiếm. Mình hiện tại là bán cái “lạc hậu” để sống. Tôi vẫn bán vé cho họ coi sự lạc hậu mà.
Năm 2002, tôi bàn với anh Nam Sơn, cho khách đi coi lúa, dặm lúa. Lúc đó tôi có 6 công ruộng ở nhà. Tôi ngăn ra bằng cái liếp, cứ mười ngày sạ một đám lúa, nên lúa lúc nào cũng có để trình diễn cho khách. Một công ty ở Singapore qua bao tiêu mình dịch vụ này để cho học trò Singapore sang đây học. Vậy là 6 công đất đó tuy không có lúa nhưng có thu nhập ở dịch vụ tour… “.
Thương hiệu “Đồ nhà quê”
Anh Bình Trị kinh doanh mô hình nhà vườn Vàm Xáng, Phong Điền, nói: “Tôi xuất phát từ quê nên thích gọi là “đồ nhà quê”. Tôi tìm đến những người nghiên cứu về Nam bộ, hỏi thăm nhà của người quê xưa làm thế nào. Hồi nhỏ tôi đã từng ở cái nhà như vầy với cha mẹ. Từ đó tôi dựng lại cái nhà ở quê của mình. Nấu bếp củi có mùi đặc trưng, ẩm thực nêm nếm theo kiểu truyền thống. Không ngờ có khách trở đi trở lại để được ăn “cái nhà quê” của tôi. Vì thế sản phẩm du lịch của tôi có tính hoài cổ. Tôi còn tìm hiểu và tạo thành câu chuyện cho từng sản phẩm của mình. Chắc đó là văn hoá bản địa”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Sương, giám đốc công ty du lịch Hải Âu, Cần Thơ, giới thiệu: “Sản phẩm của tôi là đặc trưng về văn hoá vùng miền, bao gồm sinh hoạt vùng miền: cưới hỏi ma chay tống táng tôi đều giới thiệu cho khách. Tôi lớn lên trong quê nên những điều này đã ở trong máu. Mọi thứ đến với tôi tự nhiên. Làm cho khách mê thì chỉ có cách để cho họ cảm nhận được sản phẩm của mình là đậm đà chất quê, tình quê. Các món đều mặn nồng như nhau, không có món nào chăm chút hơn món nào. Tôi còn kéo các bạn trẻ về quê làm, tạo nguồn thu cho người cung cấp dịch vụ. Đặc biệt là sinh viên có quê ở đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay có tình trạng chung là các bạn không có môi trường và “lửa” để làm nghề, nên đưa các bạn trở lại đây cũng chính là giúp các bạn quay trở lại quê hương để sống được với đất quê mình. Hiện tại có mảng mạnh nhất của tôi là du lịch miệt vườn, teambuilding… tôi chú trọng đến những sản phẩm du lịch hướng về cộng đồng và văn hoá bản địa.
Nhưng điều lo lắng lớn nhất của tôi cũng từ đây mà ra, các sản phẩm làng nghề truyền thống đang bị thoái hoá dần, vì vậy nếu tìm được thông tin có ai muốn tìm sản phẩm làng nghề là sẽ kết nối với địa phương liền. Ngoài ra, sản phẩm du lịch MICE có ổn định, nên tôi cũng kết hợp du lịch MICE với sản phẩm văn hoá du lịch địa phương”.
Vườn cây trăm năm
Anh Nguyễn Hữu Lộc, chủ vườn sinh thái Lê Lộc, Cái Răng, kể: “Tôi xây dựng vườn du lịch trên nền đất đai vườn cây có sẵn của ông bà để lại. Có những cây cổ thụ đã trăm năm tuổi. Lúc đầu không nghĩ là làm gì với cái vườn này. Nhưng đi tham quan một số điểm thì thấy vườn của mình chắc cũng bán được nên làm. Ban đầu là khách nước ngoài nhiều hơn khách trong nước. Người Việt chê: “Vô vườn thấy cây không, không thấy gì, vườn gì mà cũng mở vườn”, v.v. trong khi người nước ngoài rất thích.
Nhưng muốn vậy cũng phải có sản phẩm mới liên tục. Sau một hai năm lượng khách ít dần đi, tôi lo ngại vì nghĩ mình bán sản phẩm của mình mà khách hàng thích, mới có động lực để phát triển, còn thấy ít đi cũng hơi nản. Sản phẩm của tôi ngoài cây cỏ địa phương còn có hai cái mương để tát cá. Tôm khỏi tát mương. Có rơm sẵn để họ nướng tại chỗ. Đu dây qua sông. Nghỉ ngơi qua trưa có nhà giăng võng. Sau này có một số bạn bè ở Cần Thơ, Sài Gòn họ góp ý là nên làm một cái nhà có phòng nhỏ có toilet và có sân rộng để nấu ăn, phía trước có vườn rau cải, bông hoa cho những nhóm khách muốn ở lại… tôi cũng có ý tưởng xây dựng những cái nhà đó mà chưa làm”.
Ngân – Bích
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này