10:01 - 06/08/2024
Sản phẩm du lịch thừa mà thiếu
Nếu như ở khâu xúc tiến du lịch vẫn còn bỏ ngỏ nhiều thị trường tiềm năng, thì tại các địa phương lại đang rơi vào cảnh khủng hoảng thừa sản phẩm du lịch trên cuộc đua thu hút khách quốc tế.
Liên tục có sản phẩm mới
Phát biểu tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp tổ chức với Sở Du lịch TP.HCM, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, đánh giá Việt Nam có khá nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, ngay tại TP.HCM hội tụ khá nhiều di sản.
Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực tổ chức các lễ hội như lễ hội áo dài, lễ hội sông nước, TP.HCM lại đang thiếu đi những đêm trình diễn các di sản phi vật thể để giới thiệu tới du khách, nhất là du khách quốc tế.
Theo bà Vân, trong thời gian gần đây có không ít công ty du lịch liên hệ với Bảo tàng Áo dài để đặt hàng riêng, những buổi diễn đờn ca tài tử hay trình diễn võ cổ truyền Việt Nam. “Nhu cầu tìm hiểu các di sản phi vật thể của du khách là có thật và đang ngày càng nhiều hơn. Tôi kiến nghị ngành du lịch bắt tay cùng ngành văn hóa, Hội Di sản văn hóa TP.HCM, để có những đêm diễn giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể mà chúng ta tự hào”- bà Vân nêu kiến nghị.
Chia sẻ ý kiến này của bà Vân, đại diện Sở Du lịch TP.HCM, cho biết ngành du lịch đang trong lộ trình xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các di sản văn hóa. TP.HCM không thiếu các di sản văn hóa, nhưng xây dựng sản phẩm như thế nào để vừa khai thác di sản vừa đem nét văn hóa, lịch sử, con người TP.HCM đến với du khách trong nước và quốc tế, thì cần được nghiên cứu. Dự kiến từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ có sản phẩm gắn với các di sản văn hóa.
Nói về việc xây dựng sản phẩm du lịch, kể từ sau dịch Covid-19, ngành du lịch TP.HCM đã có rất nhiều nỗ lực khi đưa ra nhiều sản phẩm mới nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước trong đó nổi bật là chương trình mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch. Tính đến tháng 10/2023, TP.HCM có 42 sản phẩm du lịch. Song dù có nhiều sản phẩm nhưng để gọi tên sản phẩm du lịch đặc trưng du khách phải trải nghiệm khi đến TP.HCM, dường như vẫn chưa rõ nét.
Thực ra không chỉ riêng TP.HCM, ở nhiều địa phương khác việc bùng nổ phát triển sản phẩm du lịch cũng đang diễn ra khá phổ biến, nhưng khi đi tìm kiếm sản phẩm đặc trưng lại khá khó khăn.
Như câu chuyện của đảo Ngọc Phú Quốc. Năm 2023, trước sự sụt giảm số lượng du khách, rất nhiều phân tích được đưa ra, trong đó nhiều ý kiến đồng tình với nguyên nhân giá vé máy bay quá cao. Song có một điều quan trọng lại chưa được nhắc đến nhiều là quy hoạch sản phẩm cho điểm đến này.
Có một thực tế Phú Quốc là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng, nhưng hiện tại bị bê tông hóa quá nhiều. Khách du lịch đến Phú Quốc có thể trải nghiệm, nhìn ngắm những công trình hoành tráng, những con phố Tây, cảm nhận nước Italia thu nhỏ… nhưng lại không tìm thấy nét riêng, bản sắc riêng của Phú Quốc.
Chia sẻ cùng ĐTTC, giám đốc một doanh nghiệp trong ngành du lịch cho biết địa phương nào cũng tự hào về cái mình đang có, nên việc phát triển dựa trên những tài nguyên ấy là không lạ. Thế nhưng, khi mỗi sản phẩm được ra đời cần đầu tư nguồn lực không nhỏ để quảng bá tới du khách, song chưa chắc đó đã là sản phẩm đáp ứng được nhu cầu, được du khách chọn lựa.
Vì thế nhiều địa phương đang rơi vào cảnh thừa sản phẩm mới nhưng thiếu sản phẩm đặc trưng. Ngược lại có địa phương có tài nguyên nhưng lại khai thác chưa hiệu quả.
Bát nháo du lịch tâm linh
Những năm gần đây, cụm từ du lịch tâm linh đã dần trở nên quen thuộc. Nhiều công ty lữ hành cho biết các chương trình hành hương, viếng thăm thắng cảnh tâm linh là một trong những lựa chọn hàng đầu của người dân sau Tết Nguyên đán.
Đáng chú ý, khách du lịch tâm linh ngày càng có chiều sâu hơn, đòi hỏi các hoạt động gắn với tôn giáo cần được tổ chức bài bản, văn minh hơn, chú trọng tới trải nghiệm văn hóa. Song không phải điểm đến du lịch tâm linh nào cũng thực sự mang lại trải nghiệm tốt cho du khách.
Chia sẻ với ĐTTC về chuyến đi của mình và gia đình tới khu du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Hoàng (TP.HCM) cho biết cảm thấy khá thất vọng với một khu du lịch tâm linh được quảng bá rầm rộ.
Thứ nhất giá vé vào cổng cao tạo cảm giác bị thương mại hóa. Thứ hai cảm nhận tâm linh không rõ nét, thiếu đi trải nghiệm văn hóa cần thiết, chủ yếu chỉ dừng lại ở sự hoành tráng của công trình, chưa kể ông và gia đình còn rất mệt mỏi khi phải đi bộ rất nhiều, đến nơi chiêm bái các bức tượng hoành tráng được làm bằng… tôn. Và ông Hoàng kết luận “du lịch tâm linh về là thất kinh”.
Theo tìm hiểu của ĐTTC, Samten Hills Dalat được biết đến là một điểm du lịch trải nghiệm về văn hóa Phật giáo khá nổi tiếng trong thời gian gần đây tại Lâm Đồng, với các công trình Phật giáo kim cương thừa đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là công trình kiến trúc Đại bảo tháp Kinh Luân lớn nhất thế giới. Thế nhưng năm ngoái khu du lịch văn hóa tâm linh này đã bị dư luận đặt nhiều nghi ngờ liên quan đến việc cấp phép công trình khủng này trên đất rừng.
Có một thực tế là nếu du lịch tâm linh ở Việt Nam đang trở thành lựa chọn của khách nội địa, với du khách quốc tế Việt Nam chưa phải điểm đến du lịch tâm linh như Ấn Độ hay Nepal… dù gần đây chúng ta có nhiều công trình kiến trúc lớn. Cái khách quốc tế quan tâm nhiều là văn hóa và cảnh quan tự nhiên.
Nhưng khi phong trào về với du lịch tự nhiên càng nhiều, càng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn của ngành du lịch các địa phương, để tránh tăng thu và đầu tư vô tội vạ. Đã có những bài học về những điểm du lịch như Đà Lạt thu hút nhiều nhà đầu tư về kinh doanh mô hình homestay, nhưng rồi phải “bán tháo” vì thua lỗ.
Hay như Sapa từ một điểm đến được khách nước ngoài ưa thích những năm gần đây, đã “nhuốm” đậm màu sắc thương mại.
Theo Đức Mạnh/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 6/8/2024
Có thể bạn quan tâm
Lần đầu tiên có lễ hội bánh mì tổ chức ở TP.HCM
Tottori mùa lá phong đỏ
10 nguyên tắc dọn bếp ăn Tết
Kashgar, ngày vui chợ phiên Zengi
Nhộn nhịp khách đặt tour du xuân
Tags:du lịch
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này