12:03 - 18/03/2019
Rực rỡ sắc lạ thành phố mưa bay Kuching
Từ miền Miri nắng cháy, tôi lên xe đêm đi Kuching, bước xuống miền đất mới buổi mai sớm xám xịt mù mây.
Ngoài tên gọi chính thức mà nguồn gốc còn nhiều tranh cãi cho tới giờ, Kuching còn được gọi là Miêu Thành (Cat City), vì những pho tượng mèo to đùng khắp phố, cũng như các điển tích, huyền thoại phố phường liên quan. Nhưng những ngày lê la sũng ướt ở đây, tôi thích cái tên nghe đẫm nước Vũ Thành hay Thành phố Mưa hơn.
Được ví von vậy vì đô thị nằm bên bìa khu rừng nguyên sinh cổ xưa hàng đầu thế giới Borneo với khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại ngay bên triền sông Sarawak cuồn cuộn sóng vỗ và đâu đó chỉ hơn 10km đường chim bay là biển Đông rì rào ru êm. Nên sẽ không lạ mấy khi những đám mây và các cơn mưa luôn ưu ái tưới tắm phố.
Nhưng lạ thay, bất chấp mưa bay hay mây xám vần vũ, Kuching luôn sáng màu. Người sơn cước về yêu sắc, kẻ miệt biển thích đậm đà màu, nhóm dân Hoa kiều thì chẳng kém tiếng mấy trong tài tô vẽ phết sơn… nên dù mưa phố cũng lung linh, mấy chặp nắng ùa về lại càng dậy sắc. Với ai yêu nét nhã, thanh có thể hơi lố tý, nhưng tôi lại thích. Nhất là sau hành trình đằng đẵng ba tháng lang thang vùng Nam Đảo chỉ bằng xe cộ tàu phà, người đã quá nhàu nhĩ và hơi chạnh nhớ nhà, muốn tìm chút màu mè náo nhiệt để cân lại lòng chùng. Nên những ngày Kuching rực sắc như ân thưởng may mắn cuối cùng trước khi kẻ lang bạt lên chim sắt bay về quê Việt.
Nhiều sắc tộc nên đa đoan phong cách
Thuộc quốc đảo Mã Lai dân Việt du lịch lẫn đi làm qua Malaysia ầm ầm, ít người biết đến do Kuching không nằm bên phần đất liền chung với thủ đô Kuala Lumpur mà tít bên đảo lớn Borneo. Cách trở đã đành, ngày chưa xa khi đã qua thế kỷ 21 rồi, miền Sarawak, với thủ phủ Kuching, là tiểu bang tự trị mà cho dù đã qua Malaysia rồi vẫn phải trình passport để đóng dấu khi vào ra. Giờ đã bỏ “giấy phép con” nhưng vẫn xa xôi, thêm nữa dù rất thu hút khách Âu Mỹ, các loại hình du lịch bên đó không hợp với kiểu đi chơi của dân mình. Nên vẫn hẻo tiếng là vậy.
Tự hào là thành phố đa sắc tộc nhất nhì đất nước, ngoài người “Malay” bản xứ, Kuching còn có các khu Little China, Little India nhộn nhịp.Malay phải trong ngoặc vì gồm nhiều nhóm thiểu số, không chỉ sống ở Malaysia mà còn ở bên phần đất Indonesia, Brunei cùng chia sẻ đảo lớn Borneo.Như người Iban với nhà dài, giống Tây Nguyên nhưng bên đây vẫn còn, mình đã hết.Hay người Dayak, cũng có nhà dài, nhưng nổi tiếng hơn với tục săn đầu người ngày nào chưa xa. Chỉ mới về với Liên bang Malaysia những năm 1960, Sarawak ngày trước là tiểu quốc độc lập, từng thuộc về Brunei, rồi qua tay Anh, Nhật, là thương cảng đón tàu thuyền từ biển Đông vô… các tôn giáo, dân tộc khác nhau cũng theo về.
Nên lang thang phố, tôi ngạc nhiên khi thấy thánh đường Thiên Chúa nhiều hơn nhà thờ Islam – sau đó mới biết Sarawak là bang duy nhất ở Malaysia số dân theo Thiên Chúa giáo nhiều hơn Islam, rồi chùa Phật, miếu đền Đạo giáo, Khổng giáo… bên nhau khoe sắc. Bất chấp cả mây xám và mưa mù trời.
Thêm sắc màu lôi cuốn của ẩm thực
Là miền ẩm ướt nhứt xứ Malaysia, Kuching mưa nhiều lắm. Thử so vài con số với Sài Gòn mến yêu sẽ rất dễ thấy. Ở Hòn ngọc của Viễn Đông hồi xưa cũ, trung bình số ngày có mưa hàng năm là 150 với vũ lượng 12 tháng là 1.800ml, trong khi đó 2 con số tương ứng ở Thành phố Mưa là 270 và 4.200, xấp xỉ gấp hai lần hơn. Nên du khách tới đây cứ hửng nắng là tranh thủ vọt đi chơi, còn gặp mưa thì thú vị gì hơn khi ngồi trong quán ấm, hay lúc bên nhà hàng lộng gió ven sông nhâm nhi món ngon thức lạ. Do vậy ẩm thực Kuching là một trong những nét cuốn hút đặc biệt với du khách. Đã đa dạng do nhiều sắc dân, chủng tộc, giờ phối nhau càng nâng, tô thêm nét.
Không chỉ trên con đường ẩm thực Jalan Song nổi tiếng, rất nhiều hàng quán độc đáo rải khắp Kuching. Bán từ món bản xứ tới Ấn, Tây, Tàu… và các phiên bản fusion. Như món Asam Siap, gà với lá khoai mì bỏ trong ống tre đem nướng rất dễ biết là của người bản địa – giống món cá kèo rau răm nướng ống tre Sài phố quá (!?). Hay người xứ đảo tự hào khi người “Malay” là chủ nhân, đầu bếp các món Tàu như mì Kolo Mee… rồi món bột chiên quen thuộc khắp vùng Chợ Lớn, ở Kuching tôi chén trong quán Malay… Giờ vắng bóng Sài Gòn nhưng rất phổ biến xứ này, cái ly vun đầy Ais Kacang – xi rô đá bào ngọt lịm tôi nhấm nháp buổi chiều gió mưa bên sông càng thêm lạnh buốt. Làm mấy lon bia buổi chia tay Kuching như tăng thêm độ cồn, mau chóng lâng lâng.
Tôi rời Kuching khá nhẹ nhõm, vì sắp được về nhà sau mấy tháng trời lang bạt. Cũng không lang thang nhiều vì đã thấm mệt, và còn phải chừa cho bữa trở lại. Như câu chia tay ngày khép cửa 3/9/2018 để lại nhiều nuối tiếc cho khách du lịch lẫn người bản xứ của quán ăn Việt duy nhất ở đây Nam Nam Café, “Hopefully we’ll be back soon” – tôi cũng vậy. Vẫn chờ ngày lại về rong chơi Kuching. Biết đâu sẽ được ngồi nhấm nháp ly cà phê sữa đá Sài Gòn lừng danh ngắm mưa bay xứ người. Tại sao không há?
bài, ảnh Thái Hoãn (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này