10:47 - 13/11/2017
Ramabhar, buổi sớm mai yên bình
Một sớm mai yên bình, tôi đã viếng bảo tháp Ramabhar, nơi hoả táng Đức Thích Ca, với nhiều ấn tượng đọng lại.
Tôi đến Kushinagar từ cửa ngõ Nepal – Ấn Độ. Từ miệt biên giới Bhairawa – Sunauli đã thấy chát chao so với những miền bình yên Nepal tháng trời lang bạt. Nhưng khi bước xuống Gorakhpur mới thực sự choáng váng. Thấy kẻ lơ ngơ xớ rớ ở trạm buýt đi Kushinagar đến chuyến thứ 2 vẫn không chen lên xe được, ông chú bán báo dạo khá lớn tuổi quăng xấp tài sản cho người khác giữ giùm, tả xung hữu đột leo lên xe vừa la hét, vừa nắm chặt tay lôi, nhét tôi lên xe. Hết sức nhiệt tình. Trước khi xuống xe, còn la lớn dặn tôi chỉ trả 28 rupee thôi, vì xe này còn đi xa hơn Kushinagar nữa. Xúc động, nhưng không thể nói lời cảm ơn khi kẹt cứng giữa đám đông ồn ào, tôi đứng yên không nhúc nhích trên xe cả gần 2/3 cung đường cho đến khi khách lục tục xuống. Vô cùng hạnh phúc khi chân khuỵu xuống tiếp đất, tôi hân hoan lóc cóc cuốc bộ vô làng Kushinagar.
Miền thánh tích nhộn nhịp yên ả
Nghe hơi lạ, nhưng thật vậy. Không phải vì những náo nhiệt ồn ào Gorakhpur hay chuyến xe đông khủng hoảng, nên giờ coi nhẹ lông hồng mọi chuyện mà hầu hết những đám đông ở Kushinagar là khách hành hương. Lại là đi viếng nơi Phật qua đời. Nên nếu không yên ắng thì mới là chuyện lạ.
Nhưng đông, nhộn nhịp lắm. Làng Câu Thi Na (Kushinagar theo tiếng Hán Việt) giờ như phức hợp chùa chiền đa quốc gia. Dù học giả Waddell cho rằng Rampurva mới là nơi Đức Thích Ca nhập tịch, di tích khảo cổ và Kinh Đại Bát Niết Bàn đều nói là ở Kushnagar. Kèm theo câu chuyện bữa ăn cuối cùng ở nhà người thợ rèn nghèo Chunda, cũng như nhiều di tích khai quật được cuối thế kỷ 19 đầu 20. Nên nhiều tăng đoàn từ các nước đến xây dựng những bảo tháp tưởng nhớ, chùa chiền tu tập bên những phế tích xưa.
Mới thì có chùa Thái, Nhật Bản, Trung Hoa, Miến Điện, Hàn Quốc, Tây Tạng và cả Linh Sơn của người Việt. Lạ với người mình, nhưng không bất ngờ khi có đền Hindu như Birla Hindu Buddha, Shiva, Ram Janaki… Vì theo tôn giáo này, Đức Phật là hoá thân của một vị thần vĩ đại của họ. Xưa thì tháp chùa Nirvana, Mahaparinirvana, Matha Kuar Shrine… Thời cao tăng Huyền Trang ghé đây trên đường thỉnh kinh, ghi lại trong Đại Đường Tây Vức ký, Câu Thi Na đã rơi vào hoang phế từ lâu. Nên các chùa cổ chỉ được phục dựng, trùng tu tại vị trí cũ từ đầu thế kỷ 20, sau đâu đó hai thiên niên kỷ phong sương hư huỷ. Giá trị lịch sử chỉ nằm trong các lưu vật xưa như tượng Phật nhập niết bàn, tượng đá đen… và cả phế tích trụ cột, bảo tháp đâu đó 2.000 năm tuổi.
Hàng trăm người bận bịu dâng hương, tế lễ, đi kora quanh chùa linh thiêng. Kẻ bận bịu hậu cần sắp sửa nhang đèn, kết hoa, xếp nến, cắt giấy, bán tranh ảnh, lá bồ đề thiêng ép khô… hay ngay cả việc chợ búa bếp núc bận rộn cho đám đông cũng nhẹ nhàng yên ả. Khác xa những miền khác xứ này, nhất là Gorakhpur vừa để lại sau lưng.
Mai sớm thanh bình Ramabhar
Chiều muộn vừa đến, tôi có tìm đường đến Ramabhar Stupa nằm ngoài cụm chùa ở ngay làng. Bóng chiều mới chập choạng nhưng vì vừa tới nơi, chưa tỏ đường đất, an ninh đành dừng chân khi con đường rời xóm đông hướng về đồng vắng là đà sương. Mai sáng, tôi tranh thủ thức sớm tìm đến ngôi bảo tháp tưởng nhớ nơi tiến hành lễ hoả táng Đức Phật khi người nhập
cõi niết, tháp Ramabhar.
Con đường chạy giữa đồng mía rậm rì, sương hồng rực vì mặt trời đã lưng chừng con sào vẫn dịu dàng lẩn khuất trong sương. Vài chiếc xe đạp chậm chậm lướt qua rồi biến mất càng thêm nét huyền hoặc. Vẫn chưa có đoàn khách du lịch nào khi tôi đến bảo tháp Ramabhar, dù đã hơn 20 phút đi bộ từ xóm. Chỉ vài vị tăng sư đang tụng niệm, thiền định bên tháp xưa.
Bao gió sương chiến cuộc, ngôi bảo tháp gạch đỏ hình bán nguyệt ngày cũ đã bị mất đi phần đỉnh. Đường kính ở chân đáy là 47m, vươn cao 15m nơi đường kính chỉ còn lại 34m, phần trên cùng là những lồi lõm, vạt xéo còn lại với thời gian. Tuy nhiên vẫn có thể hình dung được vẻ hùng tuấn ngày cũ, đặc biệt với những lớp gạch đã ngần ấy thời gian vẫn tươi rói. Những cội
bồ đề rải rác tôn thêm nét già xưa cổ kính.
Tôi rời Ramabhar khi những đoàn khách lũ lượt kéo đến. Những hàng dài lặng lẽ vòng quanh bảo tháp với áo quần trắng toát đặc trưng phật tử Sri Lanka, Thái Lan hoà với sắc vàng các vị sư, màu già lam của người Việt… nổi bật trên cỏ mởn xanh bên tháp xưa già úa. Chia tay vùng đất thiêng, tôi mang theo cảm giác yên bình thanh thoát của buổi mai sớm Kushinagar tinh khôi, như những ngày xưa thiệt xưa cũ, trong sương hồng ban mai, bồng bềnh…
bài, ảnh Thái Hoãn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này