10:52 - 24/01/2017
Những trà quán năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?
Tea House – trà quán – là nét văn hoá ẩm thực độc đáo Miến Điện. Na ná tiệm nước, càphê Sài Gòn ngày cũ nhưng phổ biến hơn rất nhiều.
Không chỉ một hai buổi, người bản địa đến trà quán từ tờ mờ, sáng, trưa, chiều, tối, khuya… Không chỉ là chốn ẩm thực, trà quán còn là chỗ hàn huyên chuyện người chuyện đời, nơi người đi xa về tìm ký ức xưa bạn bè cũ, kẻ trước lúc ra đi lưu luyến nhớ ghi… Dù chỉ là nơi nghỉ chân ngắn, bến ghé tạm ngày lang thang phố, nhưng nhiều khi lòng chùng sâu vì “cây đa bến cũ, con đò khác đưa”.
Tôi la cà nhiều quán trà xứ Miến, không chỉ ở Yangon. Rất thích Trà quán đường số 11 – tên tự đặt cho Tea House không tên nằm ở góc đường Anawrahta và đường số 11 khu Lanmadaw. Tôi đến quán những ngày đầu năm 2016 khi đi ăn ké đám cưới bạn của một người bạn (!). Những chiều Xuân Yangon nắng ngọt vàng, trời dịu mát, phố phường rạng rỡ đổi thay. Không cầm lòng, tôi thường ghé quán kêu mấy cái bánh nan để giữ chỗ đẹp vỉa hè. Rồi ngang đường ghé cửa hàng tiện lợi mua chai Myanmar ướp lạnh về trong ánh mắt nhìn vừa lạ lẫm vừa buồn cười của các cậu bé phục vụ lẫn khách hàng.
Tôi rất thích trà quán, vì nhiều lẽ. Thứ nhất, mê những áng văn dù rất Nam bộ mộc mạc nhưng tiêu sái và da diết kể về những tiệm nước của nhà văn Bình Nguyên Lộc, nên cứ muốn tìm chút không khí xưa ở mình giờ đã hết. Thứ đến, thường trà quán nằm vị trí đẹp – theo ý riêng, là các vỉa hè, ngã tư ngã ba và thường có hai mặt tiền để ngó nghiêng. Thứ nữa là luôn đông đúc từ sáng đến tối. Nhiều khi tận khuya ở các quán trà lề đường người ta vẫn tám chuyện thôi rồi. Tiếp theo là các loại bánh trái thức ăn truyền thống. Không kể đến những trà quán lớn gần ga, bến xe bán thâu đêm suốt sáng thuận tiện cho khách lỡ đường mà còn bán cả morhinga, bún nước lèo xứ Miến làm mềm lòng kẻ lang bạt nhớ nhà khi nửa đêm về sáng đơn độc. Trà quán rất ê hề các loại bánh ngọt truyền thống, lợi thế ít ai biết là nhấm nháp với bia sẽ rất lợi và tiết kiệm vì mau lâng lâng…
Ở trà quán còn các thú vui khác. Đó là những thực khách – chứ không riêng gì ẩm khách và các tea boy – các cậu phục vụ. Nói nào ngay, vi phạm luật lao động cái chắc vì các nhóc chỉ chừng 12 – 14, nhưng việc các tea boy này làm lụng ở đây cũng giúp đỡ gia đình ở quê. Không chỉ các nhóc kể mà những người bản địa tôi quen cũng nói vậy. Không học hành nhiều, tiếng Anh bọn trẻ khá tốt, tò mò và thân thiện. Nên lúc hơi vắng vắng là lân la với khách quái đản vào quán trà không uống trà. Với các em, trà quán cưu mang, nơi dừng chân làm lụng tích luỹ – dù không nhiều, cho những công việc mai này chốn thị thành, khi lớn hơn rời đi. Thế nên, điểm rất đặc trưng của tea house là có tea boy “trẻ mãi không già”.
Các bạn trẻ đến quán thì không ngồi lâu như cha chú và cũng thấy cái vụ quẹt quẹt lây lan khá nhiều. Các bạn cũng thích nói chuyện với người “ngoại quốc”, giới thiệu điểm đến tuyến đường này khác. Nhờ vậy, tôi cũng tiết kiệm tiền taxi thay bằng xe buýt, biết thêm vài điểm ngắm bình minh hoàng hôn của phố…
Lần này, để tiện đường xe buýt, tôi ngụ ở lữ điếm khu trung tâm Yangon, gần chùa Sule nhưng vẫn cố lội ngược mấy cây số về Trà quán đường số 11 thăm chốn quen, mong một chiều thu lãng đãng lâng lâng cùng phố. Nào ngờ “phố phường giờ đã đổi thay”, một quán kem thời thượng sáng choang thay chỗ cái góc lề đường thân quen lê la bao lần. Biết Yangon đang thay da đổi thịt từng ngày, nhưng chỉ mới vừa tháng giêng đó, tháng tư mới rồi dừng chân…
Buồn, nên trên đường trở lại khu Sule Paya tôi đi tìm quán quen khác.
Bài, ảnh Trần Nhật Ký
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này