19:27 - 20/04/2017
Ngược dòng Irrawaddy những ngày giêng
Cho đến tận giờ, Myitkyina là miền xa nhất phía bắc chính quyền Myanmar cho phép người nước ngoài tự túc đến bằng đường bộ, đường thuỷ.
Thực ra Myitkyina không phải nơi Irrawaddy tượng hình. Ngược lên bắc 40km, nơi N’mai và Mali hợp nhau mới là nơi con sông lớn nhất Miến Điện ra đời. Nhưng dài dòng vậy để “ăn gian” 40km, thanh minh cho việc đến ngó nghiêng Irrawaddy ở thành Myitkyina cũng xem như đã đến thượng nguồn sông vậy.
Chi tiết hơn, dù cho đi đường bộ nhưng chỉ với đường tàu. Xe đò thì không. Không phải không có đường mà, binh lửa thi thoảng đì đùng. Việc cho phép cũng chỉ mới đây, cùng với những thay đổi rùng rùng xứ Miến. Nên vừa nghe cho đi là tranh thủ vọt, ai biết trước chuyện gì. Và rất đáng đồng tiền bát gạo cho chuyến đi, vì biết đâu đến cuối năm chiến sự lại đùng đùng vùng biên giới đó.
Vì thương nhớ Cửu Long
Cái tên Myitkyina và cả bang Kachin hầu như chỉ được nghe nhắc đến trong những bản tin chiến sự, thời sự. Hiếm thấy trong các tin du lịch hay các tour về Miến Điện. Irrawaddy thì khác, nhất là với những ai có chút mơ mòng.
Nổi tiếng thế giới với mỹ danh “Đường về Mandalay”, từ sau Rudyard Kipling – thi hào, văn sĩ trẻ nhất cho đến giờ từng đoạt giải Nobel, giới thiệu bài thơ Mandalay trong thi tập Những khúc ca trại lính, Irrawaddy là con sông dài nhất xứ Miến. Bắt nguồn từ phần Himalaya thuộc Miến, Irrawaddy có thể xem như là báu vật của riêng quốc gia này vì chỉ chảy gọn trong lãnh thổ, dù mênh mang trải dài 2.170km, xếp hạng 55 toàn thế giới.
Bắt quàng làm họ, để càng thích Irrawaddy hơn khi phát hiện kha khá điểm tương đồng với Cửu Long giang xa ngái bên mình. Không chỉ miền đồng bằng châu thổ Irrawaddy là vựa lúa lớn nhất nước này như miền Tây mình, lạ thay sông cũng chẻ ra đúng chín nhánh trước khi đổ ra biển. Cũng có dịp lang bang miệt đồng bằng hạ lưu mùa lũ, nhìn những triền điên điển trổ bông vàng hực hỡ gợi nhớ sao miền Tây nước Việt. Loài cá heo nước ngọt mang tên sông – Irrawaddy, còn rất nhiều bên đó cũng là những ông nược ngày nao đùa sóng sông Tiền sông Hậu trong trí nhớ ngư dân mình ngày cũ, giờ cũng còn in ít trốn tít bên tận xứ Cam…
Nên ngày xuân tôi tất tả ngược bắc Miến, không chỉ vì mỗi đất lạ cuốn chân giang hồ, mà còn vì Irrawaddy. Lãng đãng những khoảnh khắc mơ màng lấp lánh sông vàng, tặng riêng ai đến với sông ngày xuân.
Ngày giêng sông yên đến lặng lờ
Chỉ riêng ngày xuân thôi sông mới lặng yên vì con nước chưa về. Xếp hạng 55 thế giới về độ dài, nhưng nằm trong top 10 toàn lục địa về độ mạnh mẽ của lưu lượng. Tính trung bình sông tải 13.000m3 nước/giây, nhưng khi vào hạ băng tan ở đầu nguồn đổ nước, rồi mưa mùa nhiệt đới trút, lưu lượng vùng thượng nguồn mạnh lên gấp ba lần, hơn 40.000m3 nước/giây. Miệt Myitkyina thuyền bè cũng chỉ đến được trong mùa khô. Mưa về, bến cuối là ở thành Bhamo tít tắp tận 200km dưới xuôi. Nên ngày giêng tôi đến, sông êm đến lặng lờ.
Sự yên ả lạ đẹp đó đã được đưa vào nhiều sách du lịch. Đại loại “đặc sắc nhất lúc bình minh sông lóng lánh vàng, con đò nhè nhẹ ngang vẽ nên những lớp sóng lấp lánh rất lâu mới tan trên mặt sông im như gương hồ”… Nhưng đã đến, đã mê mẩn và thầm cảm ơn tác giả đã tinh tế chộp được, chia sẻ khoảnh khắc tuyệt vời đó. Tặng thêm cho sông vàng là một bình minh từ vàng sang hồng rồi đỏ, từ từ chuyển tông đổi sắc trên dãy núi chập chùng bên bờ xa kia.
Đò sớm ngang sông đi về con chợ, cũng nằm bên sông như bao miền “nhất cận thị nhị cận giang” ở mình. Nhiều phẩm vật thôn dã càng gợi nhớ thương ấm áp về quê nhà. Nhưng đặc sắc nhất ở chốn quê hun hút này là một tiệm nước ngay bên triền sông, đậm chất Sài Gòn như theo giọng kể độc đáo của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Trừ cà phê được thay bằng trà và thêm một số món riêng bản xứ, còn lại cũng đủ món điểm tâm từ bánh bao há cảo xíu mại đến mì bún… Bàn này ông chú nhẩn nha đọc báo, góc kia nhóm trẻ tụ tập, hiên nọ mấy bác từ chợ ra ngồi đếm tiền… Mấy cậu tea-boy trẻ nhiệt tình lăng xăng y như mấy chú phổ ky ngày nào. Ấm cúng trong cái nắng vàng thắm đổ xuống sông sơn cước xuân sớm lạnh, tràn mênh mang vào quán.
Những ngày Myitkyina tôi lang thang nhiều bên Irrawaddy. Buổi nắng xanh chùa vắng lung linh soi bóng, lúc quán trưa cùng những ly Myanmar thơm lạnh đã đời đã điếu lâng lâng ngắm sông. Mấy chiều sớm hoàng hôn chưa kịp đi sương đã mịt mờ. Một đêm buốt sông đen lạnh văng vẳng tiếng chim khuya khắc khoải… Ra đi, lòng thấy sao quá ấm. Và biết rất chắc chắn mình còn sẽ về lại. Chờ nhé Irrawaddy!
bài, ảnh Thái Hoãn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này