14:41 - 29/12/2019
Ngày chậm trôi trên Changu Narayan
Gặp lại hoa tam giác mạch hồng tím, càng đẹp hơn bên lũ cải dầu trổ bông vàng rực, đồi nương mới vỡ, đất rạng sắc nâu tươi… là các tưởng thưởng thêm sau một ngày chậm trôi an yên ở Changu.
Tôi không đi Changu Narayan từ thủ đô Kathmandu, Nepal mà từ phố núi Nagarkot. Không có xe đi thẳng, tôi xuống Bhaktapur, tới chợ đón xe liên huyện đi 6km tới Changu, làng nhỏ ôm ấp ngôi đền là di sản văn hoá thế giới cùng tên. Dài dòng cả chuyện đi đứng vì đó còn là quà tặng cho ai chịu khó lê la.
Kathmandu và vùng lân cận nhỏ xíu nhưng có đến bảy di sản UNESCO, các phố sơn cước để ngắm bình minh, hoàng hôn Himalaya… Nên dù cũng nằm trong danh sách, Changu Narayan hơi hẻo khách, nhưng là tưởng thưởng cho ai đã mệt mỏi chen chúc ở các cố đô Bhaktapur, Patan… nghìn nghịt người.
Đến, hiểu ngay. Changu Narayan chỉ là một cụm kiến trúc, còn Bhaktapur, Patan… rộng lớn, miên man đền xưa tháp cổ đủ dáng hình kiến trúc qua nhiều triều đại, lắm thứ tìm hiểu, chụp choẹt. Changu Narayan quá vắng, thơ thẩn vài khách Âu Mỹ lớn tuổi chầm chậm ngó, từ tốn nghe giới thiệu… Không các đoàn khách Á thích mặc đồ đỏ, sặc sỡ, nói chuyện lớn tiếng, chen chúc bất chấp ai. Nên mê ngay khi vừa chạm ngõ!
Thờ phượng thần Visnu, Changu Narayan có từ đâu đó thế kỷ 4 – kiến trúc hiện nay là lần sửa sang lớn ở thế kỷ 18. Thời gian xây dựng chưa biết thật chính xác, đền có tấm bia niên đại 464, do vua Manadeva cho tạc, là bi ký xưa cổ nhất toàn đất Nepal. Tượng đá từ thế kỷ 5, 6, điêu khắc gỗ mới hơn… nằm trong ngôi đền đá hai tầng được “bảo vệ” nghiêm cẩn bởi bốn cặp linh thú bằng đá là voi, sư tử, chim ưng, sarabhas (linh thú trong huyền thoại bển, kiểu giông giống kỳ lân mình) ở bốn cửa – rất độc đáo, sắc sảo đẹp. Nhiều hơn, tinh xảo hơn, đẹp hơn rất nhiều đền xưa Nepal tôi từng viếng.
Khuyến mại thêm cho khách chịu khó đến với đền cổ là ngôi làng chỉ một đường chính. Cũng vài nhánh đường nhỏ, nhưng do làng vắt trên dải đất hình lưng ngựa nên ngắn. Bên dưới là nương đồng và dòng Manohara loáng thoáng, cao cao Himalaya chạy dài. Làng có cả bảo tàng, nhưng đúng như nhiều chia sẻ chính con đường là bảo tàng sống của Changu. Những thợ thủ công lặng lẽ vẽ thangka (tranh Tạng), đục khắc trên gỗ, chạm trổ vàng bạc, các khung cửi đều đều quay… hai bên con đường lát đá uốn dốc. Và càng dân dã đẹp khi chỉ tầng trệt sửa sang làm cửa hàng, xưởng… các tầng trên cũ kỹ treo đầy lúa, bắp, rạ rơm, cỏ khô vàng trên mái… Trên đường lũ gia súc gia cầm bon chen giành đường với người. Nhịp sống rất chậm, an yên.
Khách vắng, tôi chui vô, một mình chiếm một quán, một dĩa mì xào kiểu Tây Tạng – chowmein, để nhớ Tibet vừa mới chia xa, to đùng chừng 2 – 3 người ăn chỉ 60 rupee (khoảng 12.000 đồng) vừa nhâm nhi, đọc sách, ngắm Himalaya và nghe những bài tụng ca lãng đãng hoà trong gió núi. Nổi tiếng với những vạt rừng hoàng lan vây quanh – quà tặng của vị vua từ Kashmir xa xôi tặng cho công chúa về làm dâu miệt này, nên trong gió núi mát lành thoáng vương hương ngọt. Ngày chậm trôi và bình yên vô cùng.
Đã hết đâu. Lúc đi, trên xe tôi đã quá kết con đường sơn cước dốc đèo ngang qua những nương đồi nâu tươi mới vừa vỡ đất xong, khu thì vàng rực hoa cải dầu, mơ màng hồng tím hoa tam giác mạch như Hà Giang nước Việt… Nên khi chia tay Changu quyết định đi bộ xuống Bhaktapur, để vừa đi vừa nghiêng ngó và cũng biết đường về xuống dốc khoẻ ru. Con đường lang thang ung dung tự tại một mình qua 6km đường quê đó được thêm biết bao là phần thưởng. Nhởn nhơ lê la đến nỗi khúc cuối phải nhảy lên xe để kịp về cố đô Bhaktapur ngắm hoàng hôn rơi trên đền xưa tháp cổ. May sao vừa kịp. Thiệt là một ngày may mắn và đủ đầy hiếm có trong hành trình lang bạt.
bài và ảnh Thái Hoãn (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Về rừng ‘ăn ong’, ngon hết biết
Phở ngon, phải húp cho sạch bách
Bánh tét Trà Cuôn ngon nhất miền Tây
Shillong, một tiểu Thuỵ Sĩ ngày bãi công
Những trà quán năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?
Tags:Changu Narayan
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này