11:49 - 15/03/2018
Nét duyên đằm thắm Inle-ngày-không-hồ
Đến Miến, hầu như ai cũng biết gương hồ lừng danh Inle. Nhưng không chỉ vậy, nếu dành thêm chút thời gian lang thang du khách sẽ còn gặp nhiều nét hay đẹp miền thượng Miến yên ả.
Đúng là phải có thời gian dành thêm cho Inle, vì tới đó mà không thăm hồ đẹp là quá vô lý. Lần thứ hai tới chủ yếu để chơi lễ vì đã mê mải với hồ trong lần ghé trước.
Duyên Inle-ngày không-hồ
Trở lại, ngỡ ngàng trước đổi thay dù mới mấy năm. Đào bới dựng xây, khách đông đúc, nhất là những đoàn người thích áo đỏ quần hoa, xí lô xí là láo nháo… Có thêm chút chao chát vạc cò hiếm thấy xứ này ở bến đò du lịch chân cầu Teik Nan. Nhưng quay đều những vòng xe đạp xa dần mấy chỗ quá thương mại hoá – may sao chưa nhiều, lại gặp Nyaungshwe ngày cũ.
Làng quê ngăn ngắt ngày tháng 10 lúc nắng khi mưa hầu những tưởng sẽ mau nhàm chán. Nhưng ngược lại. Địa hình lạ, lúc mênh mang ngút tầm mắt ven theo hồ, khi được viền bởi những dãy núi lô xô ôm quanh. Thấp thoáng dáng chùa trên đỉnh núi, sườn đồi. Lưa thưa thiền viện thanh thoát giữa mênh mông. Xóm làng, khi nhà đất mái tranh, lúc chênh vênh sàn gỗ. Đó đây con đường đất son, uốn khúc giữa đồng, qua mấy cây cầu, băng qua kênh rạch. Rồi khi cận cảnh, lúc thấp thoáng những đoàn thôn nữ xiêm xanh y đỏ, với cách điểm trang bằng phấn trắng thanakha tung tăng trong mùa vui hội hè miên man hơn nửa tháng trời. Tạo nên những bức tranh đồng đất đẹp lạ Inle-ngày không-hồ, à quên, Nyaungshwe.
Đường đẹp lại miên man vui
Thú vui khác khi đạp lòng vòng từ nội đô tới ngoại vi Nyaungshwe. Khi lọc xọc kha khá đường đất chẳng mấy bằng phẳng, ê ê với cái yên xe cứng, còn gì bằng nhảy xuống tham gia thử thách mới, leo núi. Nói là leo, nhưng có bậc cấp hết. Có điều rất dốc. Từ ngôi chùa mà trong bản đồ mượn ở lữ điếm chỉ ghi chú là “view mountain” đến thiền viện ở cuối làng Khaung Daing, rất ngộ khi phải ngang qua khuôn viên resort Hupin Inle mới tới… đều vậy. Nhưng phải thiệt thà khai là tiêu chí Inle-không-hồ sẽ bị vi phạm kha khá, vì hầu như những khung hình toàn cảnh đó đều có dính líu nhiều ít đến mặt nước xanh long lanh.
Không chỉ sắc nổi những chùa Miến là điểm dừng chân, còn cả xóm quê đường ngang qua, dọc theo cũng rất thu hút. Du lịch hồ Inle không ai không chụp hình ngư phủ Intha đứng chèo đò chỉ với một chân. Intha là gọi chung cư dân quanh hồ, gồm nhiều sắc dân Shan, Pa-O, Bamar… Trong đó, Shan nổi tiếng về ẩm thực. Rất thú vị khi lâu lắm rồi được thấy họ làm món bánh phồng như ở miền Tây mình. Tò mò nhâm nhi món salad chế biến từ món nổi tiếng của họ Shan Tofu. Miếng đậu phụ chắc, mịn màng béo mượt, lại được làm từ đậu lăng vàng. Nên tha hồ chén, chẳng e ngại như chuyện đàn ông Việt vẫn hay lăn tăn lo bị “yếu” do thành phần nội tiết tố nữ phyto-estrogen có trong đậu nành, nguyên liệu của đậu phụ Việt… Còn chưa kể mấy trò như tắm suối nước nóng, men theo đường gỗ vô làng nổi… nếu chấp nhận xé rào cái quy định ngày-không-hồ tự đặt ra bữa đó.
Phần lớn đoạn đường tôi lang thang Inle-không-hồ kể trên thuộc cung xanh (blue route) nhánh phía tây. Bữa khác có tranh thủ cong mình gò trên con đường không men theo hồ mà ngược về tỉnh lỵ Taungyi, ngang qua ngôi chùa Shwe Yan Pyay, duy nhất trái đất với những ô cửa sổ gỗ oval. Còn nữa một cung đỏ (red route) bên bờ đông cũng có đi. Chủ yếu ghé trang trại rượu nho Red Mountain Vineyard ngắm hoàng hôn bảng lảng. Nên vẫn còn nhiều nơi chưa khám phá hết của cả cung đường giáp vòng hồ.
bài, ảnh Thái Hoãn (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này