11:11 - 29/10/2017
Negombo, nhộn nhịp chợ cá
Nằm sát sân bay quốc tế Katunayake, gần hơn thủ đô Colombo rất nhiều nhưng Negombo không nằm trong các tour tuyến du lịch quen thuộc Sri Lanka.
Phần lớn khách đến quốc đảo vì những bãi biển xinh đẹp hoặc các di tích nhiều ngàn năm tuổi, thường lướt qua Negombo không có các thế mạnh đó. Để lại phố thị lặng lẽ phía sau. Nhưng đó lại là sự yêu thích của tôi khi lò dò đến Negombo với chợ cá lớn thứ hai trên toàn xứ đảo.
Hết “ngát lừng, thơm tho”, cá lại lên ngôi
Không lôi cuốn du khách vì du lịch biển có thể dễ hiểu. Dù xinh xinh, bãi bờ Negombo khó thể so sánh với nhiều miền duyên hải lộng lẫy xứ này. Còn về mặt di sản là câu chuyện rất khác.
Từ rất xưa, miệt này được vua Kavantissa (205 – 161 Tr.CN) đặt tên Mee-Gomuwa, Miền đất những tổ ong, khi ông đến đây thấy nhiều tổ ong trên bãi biển, rừng ven biển. Còn tên Negombo cũng đã có từ thế kỷ 15, khi người Bồ Đào Nha thay tên. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài sự thịnh vượng của Negombo không đến từ ong, hay thuỷ hải sản mà chính vì loại gia vị quý như vàng thời đó, quế. Là nguồn cung lớn nhất thế giới với chất lượng cao nhất thời đó, thứ vỏ cây thơm cay là nguồn cơn của những cuộc đổ xô từ phương Tây, chiếm phá qua lại. Lang thang phố, tôi vẫn thấy dấu xưa của người Bồ, Hà Lan, Anh vẫn còn. Dáng nhà Âu, thánh đường Thiên Chúa… thấp thoáng bên bóng nhà thờ người Hồi giáo Arập đến đây còn sớm hơn từ thế kỷ 7.
Nhưng, Negombo không thu hút du khách vì di tích. Thứ nhất, xui rủi khi nằm trên xứ Tích Lan ngồn ngộn chùa chiền gần 2.500 tuổi từ thời đức Thích Ca. Cũng nhiều cổ thành, cố cung ngần ấy thời gian… giá trị hơn các di sản Negombo rất nhiều. Thứ nữa, đến cuối thế kỷ 18 do khai thác tận diệt, nguồn gia vị quý giảm dần, cũng như một nguồn cung mới dồi dào được “phát hiện” từ Trung Hoa. Đến giữa thế kỷ 19, khi các thương vụ quế hoàn toàn chấm dứt cũng là lúc người Anh, vừa mới giành được Tích Lan, chuyển thương cảng sang vị trí mới tiềm năng hơn, Colombo. Rơi vào quên lãng, đền, chùa, thánh đường ở miền duyên hải nhiệt đới gió lắm, mưa nhiều, độ ẩm cao, thêm binh lửa góp phần… Negombo không giữ gìn được mấy. Nên đành chịu phận hẩm vậy.
Quế ra đi, người bản địa loay hoay tìm nguồn sinh kế mới. Nghề xưa ngàn đời cư dân miền duyên hải lại lên ngôi. Giờ không ngát lừng, thơm tho như ngày cũ, Negombo phồn thịnh với bến cá, chợ cá lớn thứ hai toàn xứ đảo.
Bến cá vui, chợ cá càng vui
Để có chợ, phải có bến để thuyền về neo cập. Nhiều khách du quần là áo lượt đến Negombo cũng chỉ dừng lại bến, không vào cái chợ mà tiếng Tây dùng từ “ướt” (wet market) rất tượng hình mô tả. May mà họ chưa dùng từ “tượng mùi”, mà ai từng đi chợ cá, nội, ngoại đều tỏ. Nên bến cá là nơi nhiều bước chân dừng. Từ xa, trên cao sạch sẽ mà lại có các góc hình lạ.
Cạnh tranh mấy chợ cá ở cái xứ ôm quanh là biển, Negombo chiếm ưu thế lớn khi nằm kế bên cái phá mênh mang. Ngoài đại dương, vùng nước lợ đó cung cấp phẩm vật mấy chỗ kia không so bì được. Con phá, cũng là tuyến tham quan rừng nước lợ và con lạch dẫn vào bến cá là tưởng thưởng cho khách du. Vui lắm, mà không chỉ mỗi con người. Ghe về là cả bầy chim đu theo, nhiều nhất là đám cò nháo nhác. Không chỉ chờ quăng cho cá vụn, chúng còn đáp xuống ghe khi đang dỡ cá. Lia ống kính bên ngoài là đầm phá yên ả như gương hồ hàng lớp thuyền đò ngơi nghỉ. Chĩa vào trong mấy ghe nặng lưới đầy, đông vui mặt người rạng rỡ, chim cò tíu tít. Ống kính xịn có thể lấy thêm hậu cảnh bức tường già nua pháo đài cũ, tháp chuông nhà thờ… Khó kiếm chỗ khác lắm.
Theo gánh, thúng, mủng, xe cút kít, kẽo kẹt, nhún nhảy… mấy bước là tới chợ cá Lellama. Ngôi chợ với cái tên có nghĩa khá thú vị “Nơi để trả giá” nằm ngay bãi biển. Thuận tiện hai chuyện. Đón ghe cá từ đại dương về, bãi phơi thênh thang. Miên man chất chồng thuỷ hải sản trong cái chợ chèm nhẹp mặn mà mùi. Đa dạng, nhưng chỉ biết mấy con quen quen thu, ngừ, nục, sòng, hồng, mú, đuối, xương xanh, nhồng, nhám, tôm cua mực ghẹ các loại… Tươi rói, không thấy đồ chượp đá, cũng hổng bày mấy loại nhỏ kiểu cá cơm, cá mai… Vắng mắm nhưng khô nhiều. Trong chợ, trên bãi phơi, bên mấy khu sơ chế đang bỏ đầu vặt ruột.
Ồn ào hơn bên bến vì ở đây nhiều quạ, lũ chim còn hỗn hơn xú danh gắn lộn cho mấy bà mấy cô bán cá xứ này nhiều. Bán mua tấp nập, trả giá xôn xao nhưng vẫn vui vẻ với khách lạ đã không mua mà xía mũi khắp chốn. Chẳng biết tặng hay mời mua mà cứ gí tận tay toe toét cười. Khổ nỗi ở tít Colombo cách đó 30km chứ không tôi cũng vác một con về mượn bếp mà xử. Đành phải hẹn. Nhưng kỳ này không sợ chuyện “con đò khác đưa”, vì biết ngày về lại xứ Tích Lan đẹp lạ sẽ không quá xa.
bài, ảnh Thái Hoãn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này