
10:44 - 16/12/2018
Mùa về với núi rừng
Mùa đi trekking, hiking núi rừng Tây Bắc thường bắt đầu vào tháng 9 dương lịch và kết thúc muộn nhất vào cuối tháng 5 năm sau.
Mấy tháng hè nước suối lên cao, chảy xiết, rất khó đi. Tháng 9 và 10, một số nơi bị ảnh hưởng lũ, đường sá sạt lở, xe không vào được.
Đi núi hơn thua ở thời tiết
Tháng 11 và 12 được xem là đẹp nhất đối với những phượt thủ máu me leo trèo. Lúc này chưa quá lạnh, chưa có sương giá, trời hanh khô, nhiều biển mây, lại bạt ngàn những vạt rừng lá phong.
Đi núi hơn thua nhau ở cái thời tiết.Ngọn nào đường dài, dốc, khó đi nhưng gặp thời tiết thuận, khó mấy cũng thành dễ.Ngọn nào đường lên dễ, mà gặp trời mưa, thì cũng khóc hận.Đường trơn nhóp nhép bùn với đất, ba lô giày tất ướt nhẹp, món nào cũng nặng gấp rưỡi bình thường, nặng chân nặng vai nặng gánh tâm tư, chỉ còn biết đi với đi, sao cho chóng về. Nếu mưa dai mưa dài cả đêm, lều bạt, túi ngủ ướt đẫm, chỉ còn nước gà gật ngủ ngồi mong trời mau sáng.
Trời mưa lại thêm cái món vắt nữa.Vắt đất bám vào chân hút máu đến mức thân to như cái bút chì mà đương sự vẫn không hay biết.Không đau, không ngứa.Đến ba ngày sau mới ngứa, một cách rất khó chịu, gãi sồn sột cả tuần.Vắt đất, thường tìm chân xơi máu, xem ra còn lành hơn hai người họ hàng khác. Vắt lá bay từ trên cao xuống, khoái chui màng tai, đi rừng nào có loại vắt này, biết mà gia cố lỗ nhĩ cho cẩn thận. Vắt chỉ còn hiểm hơn, nhỏ tin hin, ưng chui qua đường chỉ may quần áo vào người, nên có quần áo cũng như không.
Đi núi, “sợ” nhất là gặp phải đồng đội “lần nào em đi cũng gặp phải trời mưa”.Gặp thời tiết xấu, đội nào nhiều người đi quen còn hể hả vui cười, người mới đi cười không nổi. Nên họ hay kháo nhau chuyện, ai chưa có cặp đi núi thì dễ thành cặp. Chứ còn đã là cặp rồi, đi núi xong về chỉ muốn chia tay, vì gian khổ chút chút nó mới lòi cái bản vị của anh chàng chị chàng.
Phong trào lên núi thật ra mới chỉ rầm rộ 2 – 3 năm trở lại đây.Từ năm 2014 trở về trước, lên đỉnh với đa số người là Fansipan.Năm sau có thêm đỉnh Lảo Thẩn và Bạch Mộc Lương Tử (Ki Quan San). Năm 2016 mới rộ lên, vì thứ nhất, lúc đó Fansipan có cáp treo, anh chị em thấy mình trèo lên đó chụp ảnh cũng giá trị chỉ ngang tầm với 15 phút người khác đi cáp treo lên đỉnh, do đó hờn dỗi bỏ Fansipan. Thứ hai, một số phượt thủ gạo cội, được cộng đồng suy tôn làm soái ca trên các diễn đàn trekking như Đức Lê, Tuấn Hoàng… bắt đầu mở công ty thương mại hoá dịch vụ dẫn đoàn leo núi như Viet Trekking, Travel Up, Trekking & Hiking Travel, đưa tới cho dân văn phòng
nhiều lựa chọn hơn vào mỗi cuối tuần.
Quá trình biến đam mê thành sự nghiệp của các soái ca không đơn giản. Đầu tiên là những hành trình mở đường lên đỉnh.Có nhiều đỉnh được cắm mốc từ thời Pháp thuộc, lâu năm không có người lên.Người đồng bào thiểu số sống gần đó chỉ lên lưng chừng núi để làm việc của họ, họ biết có đỉnh núi như thế chứ chưa lên.Các soái ca hỏi đồng bào, nghiên cứu bản đồ Google, các bản đồ quân sự cũ, tổ chức thành nhóm đi 5 – 6 ngày liền tìm đường lên đỉnh.Có khi lương khô, nước dự trữ hết, họ lấy khăn thấm nước trên lá cây rồi vắt ra uống.Nhiều giai thoại sinh ra từ đó.
Nhờ miệt mài mà trong vài năm, một bản đồ trekking tour các đỉnh núi Tây Bắc được hiện diện dần, gần 20 đỉnh núi: Putaleng, Pusilung, Pờ ma lung (Bạch Mộc Lương), Bạch Mộc Lương Tử, Khang Su Văn, Tả Liên, Tà Chì Nhù, Tà Xùa, Nhìu Cồ San, Lùng Cúng, Lảo Thẩn, Nam Kang Ho Tao, Chung Nhía Vú, Ngũ Chỉ Sơn… Có cả con đường đá cổ Pavi dài 40km ngày trước được người Pháp xây dựng để vận chuyển tài nguyên, khoáng sản, gỗ, thảo quả, thuốc phiện từ rừng sâu ra. Con đường bị lãng quên ngày xưa được dân phượt khai quật lại. Các bạn mê trải nghiệm góp phần không nhỏ trong việc tái phát kiến những gầm trời góc đất huyền hoặc bị lãng quên.
Phong trào “tăng trưởng” mạnh
Tuấn Hoàng, một leader (nhà tổ chức) kỳ cựu ước tính, trong ba năm, số lượng khách đi núi Tây Bắc tăng gấp đôi qua từng năm. Phong trào lan từ đó vào phía Nam, nơi hàng tuần đã có thường xuyên các cung đường Tà Năng – Phan Dũng (giữa Lâm Đồng và Bình Thuận), leo đỉnh Bidoup (Lâm Đồng), Yang Doan (Lâm Đồng), Tà Đùng (Dăk Nông), Bù Gia Mập (Bình Phước), Bà Đen (Tây Ninh), Chứa Chan (Đồng Nai). Nhưng Tây Bắc vẫn là huyền bí, như Tuấn Hoàng ước tính từ đầu mùa leo núi 2018 đến nay, có đến 40% trên tổng số là khách từ phía Nam ra Bắc hòng chinh phục những đỉnh trên dãy Hoàng Liên.
Thế giới định nghĩa hiking là một cuộc dã ngoại ở núi rừng ngắn 2 – 3 ngày, trekking thì dài hơn 7 – 8 ngày.Ở Việt Nam, từ trekking được dùng nhiều hơn, nhưng một chuyến đi chinh phục một đỉnh núi ở Tây Bắc phổ biến là ba đêm hai ngày. Xuất phát tối thứ sáu, ngủ đêm trên xe ô tô giường nằm từ Hà Nội đến Lào Cai, sáng ra đổi sang xe nhỏ đi đến chân núi, bắt đầu trèo. Đêm thứ bảy dựng lều ngủ trên núi. Hôm sau đi xuống, ngủ đêm chủ nhật trên xe từ Lào Cai về Hà Nội. Một lịch trình vừa đủ thời gian, vừa sức với dân công sở.Gặp cung đường dài hơn như Bạch Mộc Lương Tử mất tới ba ngày.
Dân trẻ khoẻ, chuyên gia trekking chỉ mất một ngày để chinh phục một đỉnh, tức là sáng leo, trưa đến đỉnh, chiều đã xuống lại chân núi. Kỷ lục có anh trong sáu ngày liên tiếp, chinh phục được sáu đỉnh núi khác nhau, một việc chấn động trong giới trekking. Anh này quê Dăk Lăk, về Sài Gòn mở công ty, trở thành một leader có tiếng trong giới trekking phía nam.
Cùng với trào lưu leo núi, ngày càng có nhiều giải marathon vượt núi được tổ chức tại Lâm Đồng, Sa Pa, Mai Châu như các giải Vietnam Moutain Marathon, Dalat Ultra Trail… Ngoài các cự ly thông thường như 10km, 21km, 42km, còn các cự ly khủng như 70km, 100km. Rồi cũng đã có nhiều nhóm tự tổ chức với nhau ra nước ngoài trekking, thi thố. Trekking đang dần được định hình như một mảng lớn trong du lịch, thể thao.
bài, ảnh Chính Phong (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này