11:52 - 13/06/2020
Mùa rẫy đầu tiên và món rùa núi
Tôi bắt đầu nhập tâm thành ngữ ‘ruộng nương rẫy bái’ vào mùa trỉa bắp tháng 7 âm lịch năm 1975 sau khi bị rớt tên khỏi ‘sổ thư sanh’ trường đại học cộng đồng Duyên Hải.
Hai anh em chân yếu tay mềm, không phát rẫy nổi, được má thục (1) cho một cái rẫy, tính một hai năm sẽ ‘rẫy bái’. Mùa bắp đầu tiên trên vuông rẫy này, bên chân núi hòn Chảo.
Đường từ nhà lên rẫy khoảng ba cây số. Những ngày đầu phải mất nửa tiếng đi bộ mới tới. Sau đó chúng tôi quyết định tập đi nhanh gấp đôi bình thường. Riết rồi quen. Nhưng chiều với gánh củi trên vai, tốc độ ấy giảm chút ít. Gánh nặng đau vai, nên người gánh phải đi nhanh. Nhưng đi một lát miệng thở nhiều hơn mũi, phải để gánh củi xuống. Thở dốc. Uống nhờ miếng nước. Nước trong những chiếc ang bên cạnh một chiếc que cắm xuống đất có máng cái gáo dừa, để sát bên trong hàng rào của người dân hai bên đường. Người dân để ang nước gần cổng vườn nhà và bên trong hàng rào ngoài việc để uống trong nhà, còn là lời chào mời với khách đi đường từ núi về.
Chưa có ngụm nước nào mát bằng những ngụm nước ngày tháng đó. Bây giờ làm dân Sài Gòn, một thứ lưu vong của Vạn Giã, trong đầu mang một miền trí nhớ biện chứng – nghĩa là nhớ nhớ quên quên. Gáo nước còn rõ như in.
Nông cụ của hai anh em chỉ là chiếc rựa vác trên vai. Cuốc đã giấu lại rẫy cùng với ấm nấu nước và nồi nấu cơm/canh. Những ngày đầu, hai anh em sáng phải cuốc bỏ các loại cây bụi để có đất trống trỉa bắp. Nông pháp này bây giờ bị cười thúi mũi. Người ta bắt đầu biết bảo vệ độ ẩm của đất bằng cách không cuốc cỏ. Chỉ chọt lỗ trỉa. Buổi trưa cơm nước xong, vác rựa lên rừng. Ngủ trưa ở rừng thiệt mát. Giờ giết rừng rồi, ta ngủ với ai! Người xưa gọi là đi hái củi đúng phóc. Chỉ hái lượm những cành khô chặt khúc hoặc tề thật bằng trước khi đóng bó. Củi được bó bằng dây cổ rùa to bằng ngón tay hái ngay trong rừng. Quai cũng được thắt bằng dây này. Gánh củi của người ta vừa một ôm, vì họ biết chọn củi khô và nhẹ và che kín bằng củi mặt. Gánh củi của hai anh em ốm nhách, củi mặt – củi để ở ngoài cho kín bó củi, bên trong ăn gian rỗng cho nhẹ – hở tùm lum, nên phải chất nhiều củi bên trong hơn. Gánh củi nhỏ mà thành nặng. Thật thà là má mánh mung!
Trong những chuyến đi rừng như thế, thỉnh thoảng bắt được con rùa trắp (2) là mừng thục mạng, vì thiếu protein trầm trọng. Hai thằng lập tức nổi lửa, nướng con rùa, ngồi chia nhau ngon lành. Thịt rùa thời thiếu thốn thơm thiệt, thơm hơn bây giờ được ướp đủ thứ. Các tiền bối dạy: ‘gặp rắn đi, gặp quy về’. Bất chấp điềm xui do gặp quy, ăn là ta cứ ăn. Gặp trời mới mưa củi khô ướt, phải đi chặt cây chà rang bên bờ suối về chỗ nghỉ. Chà rang thường mọc gần suối, nhưng thịt chắc, gỗ nặng. Chẳng ai dùng làm củi, trừ khi đốt tại rừng. Dân trải rừng dạy nạo vỏ chà rang mỏng ra nổi lửa mới cháy. Họ giải thích vỏ chà rang có dầu.
Trái rừng dễ hái nhất là xay. Gặp lúc xay ra trái. Nhưng dân rừng thường leo lên mé nguyên cành lúc lỉu trái xuống ngồi lặt ăn. Tiền bối dạy: phải né những cây thị sai trái. Thị thơm, cọp đói hay ngồi dưới gốc chờ thị rụng. Nên gặp thị là đi cho chắc!
Không có gì khổ hơn những ngày đầu tập gánh củi. Gánh nhỏ bọn thôn nữ nó cười nhạo. Có đứa còn đòi gánh giùm một lúc hai gánh của hai anh em. Gánh to, nặng đến… ra quần là hôm sau vai sưng khỏi gánh cả tuần.
Mỗi gánh củi hồi đó của người ta 500 đồng, sau chỉ còn bằng một đồng. Hai gánh củi của chúng tôi mới sánh bằng.
Mỗi lần lên núi hái củi là thằng em cứ nghêu ngao: “Lội bùn nhơ băng lau lách sương đêm/ Sương trắng rơi vai tôi buốt lạnh mềm/ Chim muông buồn rủ nhau bay về đâu/ Ngẩn ngơ lũ vượn gọi nhau…” Mặc dầu chỉ có lội qua con suối. Leo núi là chính. Điệu nhạc buồn ray rứt, nuối tiếc, thất vọng cho một sự chọn lựa đời sống mới lớn… Nhìn quanh quất chẳng thấy miếng vinh quang nào. Chỉ là miếng cơm áo chỉ đủ để uống hai thằng một ly cà phê bỏ muối hột.
Món ăn trên núi ngon nhì hạng là cua đá suối. Nhất hạng là rùa trắp. Đó là loại rùa núi, mỗi khi gặp nguy hiểm là nó khép cái yếm lại kín bưng như cái trắp. Bốn chân và đầu thụt vào mất. Chiến thuật này chỉ trị được ‘kẻ thù ta đâu có phải là người’. Khi kẻ thù là người nó bị dân đi rừng lượm cho vào gùi. Bị dân đi củi bắt và xử ngay tại chỗ. Thịt rùa trắp do sống khô nên thơm và để nguội vẫn không tanh như rùa nước ở Cà Mau.
Sài Gòn cách đây năm sáu năm, nhóm phóng viên thể thao có rủ đi ăn rùa trắp ở Long Trường, quận 9. Rùa trắp ở Sài Gòn to gấp hai, ba lần con rùa trắp ở Vạn Giã. Cũng như ngày xưa dân củi chúng tôi nấu. Con rùa được đặt ngửa lên trên bếp. Khi thịt chín cạy yếm và xé thịt ăn. Cái mai biến thành cái nồi. Nhưng con rùa ngon lành thuở đó không còn nữa. Đứa em ruột đi hái củi cũng đã đi xa vì bạo bịnh. Thời gian như dòng sông Seine trôi dưới cầu Mirabeau của Guillaume Apollinaire, tôi đọng lại (je demeure).
Nguyên Thu (theo TGHN)
———————
(1) Thục: hoặc là cầm cố đất, khi nhận lại phải trả tiền “chuộc”, hoặc là cho thuê đất nhận tiền trước cho đến khi hết thời gian thuê, trả lại đất.
(2) Còn gọi là rùa hộp.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này