11:49 - 07/10/2018
Một Likir lộng lẫy giữa cô liêu
Rị mọ tìm đến vì hóng hớt nghe ở đó có pháp khí Mật tông chén sọ người, sáo xương đùi… Không thấy nhưng chẳng buồn mấy vì hạnh phúc chạm ngõ một Likir lộng lẫy giữa cô liêu.
Không đi từ bến xe chính ở Leh, tôi đi Likir hóc bà tó sau khi viếng thiền viện xưa Alchi cũng nằm ở góc kẹt chắc cà đao. Nên được khuyến mãi tới ba cung đường lội bộ. Từ Alchi ra đường cái đón xe, mới vừa leo lên sung sướng duỗi cẳng, xoa chân thì đã bị đẩy xuống đường. Lếch thếch lết tiếp mấy cây số nữa để vô Likir vì xe chỉ dừng ngã ba đường. Đã trễ, tranh thủ ngắm nghía xong là tháo chạy vì phải ra lộ lớn đón kịp chuyến xe cuối về Leh. Còn thêm lũ mây xám xịt kéo nhanh về vần vũ hù doạ.
Tranh thủ khoe luôn toàn bộ hành trình ở cao độ trên dưới 3.600m, xấp xỉ thành Lasha, Tibet 3.656m, mà nhiều khách chỉ đi nhẹ nói khẽ cũng bị sốc độ cao. Tối đó rã rời, nhưng khi chép hình từ thẻ, hạnh phúc nhìn, nhớ lại con đường đã lầm bầm suốt mấy lượt đi về, mọi nhọc nhằn tan nhanh. Nhất là còn được hỗ trợ bởi chai Kingfisher nồng nàn ngọt lạnh trong cái đêm thu cao nguyên bắc Ấn đã bắt đầu hun hút gió chuyển mùa.
Hành trình lạ đi theo hóng hớt đồn đãi
Jammu & Kashmir, cái tên được nhắc miết trong các tin thời sự xung đột biên giới giữa Ấn Độ với Pakistan và cả Trung Quốc là miền đất lạ. Chót vót cực bắc, tiểu bang này độc đáo chia thành ba vùng với ba tôn giáo chiếm ưu thế vượt trội ở từng nơi.Ở Jammu là Hindu, Kashmir – Muslim, còn Ladakh – Phật giáo với Leh là thủ phủ. Từng lang bang cả ba miệt, tôi thích Ladakh nhất dù Kashmir, còn được ví von là Shangri-La nước Ấn, thiên nhiên ưu đãi, tươi đẹp hơn. Phần nữa, như phần lớn người Việt quen thân dáng chùa chiền, cũng dễ hiểu khi ưu ái Ladakh. Nhất là theo nhiều nguồn nhận định, cũng chủ quan cá nhân, Phật giáo Mật tông ở đây giữ được nhiều giá trị xưa cổ hơn Tibet giờ đã khá phai phôi.
Tôi tìm đến Likir vì nghe hóng hớt ở đó có trưng bày pháp khí Mật tông như sáo xương đùi kangling, chén sọ người kapala… Chần chừ mấy bận vì việc đi đứng khó khăn, nhưng cuối cùng lòng si thắng.Không thấy các pháp khí như đồn đãi, nhưng chẳng buồn mấy.Còn thầm cảm ơn thiên hạ nhiều chuyện (!), vì nếu không nghe rồi ham hố đã không có hành trình tuy khó khăn nhưng đầy thú vị có muốn cũng khó tìm lại.
Nằm cách Leh 52km, làng Likir nhỏ xíu chỉ chừng 210 nóc gia. Suốt buổi chiều đó lang thang đi về từ đường cái ra vô làng chỉ duy nhất thấy một người quảy tay nải đi trước, chắc mới đi chợ tỉnh ở Leh về. Chủ yếu nhà vách đất thô mộc, khá giả hơn thì vôi ve trắng trông cũng thanh cảnh. Cả vùng thênh thang đất đá hoang vắng như “sa mạc” may sao được đền bù bởi chi lưu nhỏ của Indus róc rách, cùng lũ cỏ cây ven bờ sống nhờ nương dòng đang lúc chao màu lá theo mùa đi khá đẹp. Làm phông nền cho tu viện xưa Likir thanh thoát trên đồi cao. Đẹp lạ!
Likir đã qua thời sầm uất
Cổ xưa nhất nhì Ladakh, Likir Gompa được xây từ năm 1065 dưới sự chỉ đạo của Lhachen Gyalpo, vị vua đời thứ 5 vương triều Ladakh thời đó. Giờ hoang vắng nhưng ngày trước Likir rất sầm uất, vì nằm trên cung thương mại lớn nối các phố thị. Lúc mới xây, Likir thuộc nhánh Cam Đan (Kadampa) bên Tây Tạng, sáng lập bởi cao tăng nổi tiếng A-đề-sa (Atisa) mà cũng khá nhiều người Việt biết đến, rồi mới chuyển sang nhánh Hoàng Mạo (Gelupa) từ thế kỷ 15. Tới đây năm 1909, nhà Tây Tạng học người Đức, August Hermann Francke đã tìm thấy các ghi chép rành rẽ việc ra đời, các đổi thay từ thời xưa cổ của Likir.
Dáng dấp cung Potala thu lại rất nhỏ, chỉ vài tầng vuông vắn xếp lên nhau trên đỉnh đồi, giữa không gian thoáng đãng – đúng hơn là hoang vắng, Likir Gompa nổi bật từ rất xa. Không hực lên các màu tương phản mạnh vàng sẫm, đỏ đậm hay gặp ở chùa Mật tông mà nhiều sắc trắng. Rất tương phản với bầu trời xanh rất xanh ở cao độ này, trên nền đất hoàng thổ đậm, viền nhấn bởi lũ cây lá đang chuyển biếc sang nhuốm vàng. Nhìn ngoài đơn sơ sắc, bên trong tu viện lại khá đậm đà. Cửa mở tung không âm u như chùa Tạng bên chính xứ càng rực rỡ khi nắng lùa. Hai gian chánh điện, cái mới hơn cũng đã hơn 200 năm tuổi lưu giữ n hiều tượng quý, tranh thangka tinh xảo, cả toà mandala lấp lánh thay vì tranh vẽ thêu… Thanh thoát bên ngoài, niềm tự hào khác của Likir là tượng Phật Di-lặc cao 23m mới làm xong năm 1999, lóng lánh hắt tô thêm sắc vô nội điện.
Nấn ná mấy rồi cũng phải tất tả về khi đường đất, xe cộ lẫn thời tiết cùng hùa nhau đe nẹt. Vẫn quay tới ngoái lui chụp những tấm hình “cuối” đến mấy chục bận.Giờ xa đã lâu, vẫn nhớ miết buổi chiều độc hành đăng đẳng đi về với Likir lộng lẫy giữa cô liêu.
bài, ảnh Thái Hoãn (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này